Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
Lãi suất giảm, tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng
Thùy Vinh - 22/08/2020 07:34
 
Tâm lý “phòng thủ” của người dân chính là lý do khiến nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng trong bối cảnh lãi suất giảm, vàng tăng giá.
.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục được dự báo sẽ đi xuống trong thời gian tới.

Xu hướng lãi suất đi xuống

Đầu tháng 8, lần thứ hai trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng. Trước đó, hồi tháng 3, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng đã được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ. Điều này được cho là để hỗ trợ chi phí cho các tổ chức tín dụng trong bối cảnh thanh khoản dư thừa lớn vì tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Sau động thái của NHNN, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng tiếp tục giảm trong tháng 8/2020. Đặc biệt, các ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank giảm lãi suất huy động kỳ  hạn 1 tháng từ 3,7% xuống 3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4% xuống 3,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 4,6% xuống 4,50%/năm...

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục được dự báo sẽ đi xuống trong thời gian tới. Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 10-14/8 cho thấy, NHNN tiếp tục không thực hiện giao dịch trên thị trường mở, nhưng liên tục mua vào ngoại tệ trong 2 tuần trở lại đây, đồng nghĩa một lượng lớn tiền đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,35%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Trong khi đó, từ đầu năm đến hết ngày 28/7, tín dụng chỉ tăng 3,45% (cùng kỳ năm 2019 là 7,31%). Trước bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ và các doanh nghiệp đang tiếp tục lao đao vì làn sóng dịch thứ hai, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.

Theo SSI Research, từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 50-70 điểm cơ bản ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 20-30 điểm cơ bản ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng

Mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm khiến nhiều người liên tưởng đến việc nguồn tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn. Đáng chú ý là, thị trường vàng “dậy sóng” thời gian gần đây khi đạt đỉnh 2.080 USD/ounce và đang duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/lounce. Giá vàng trong nước có thời điểm vượt trên 60 triệu đồng/lượng, hiện vẫn trên 56 triệu đồng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45%.

Thế nhưng, nguồn tiền tiết kiệm vẫn chọn ngân hàng. Điều này được chứng minh qua tăng trưởng huy động vốn của ngành ngân hàng nói chung và các nhà băng nói riêng trong 6 tháng đầu năm nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019, thấp hơn mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2019 (6,05%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Như vậy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn nửa đầu năm cao gần gấp đôi tín dụng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 6/2020 nhìn chung có tốc độ tăng trưởng tích cực hơn so với những tháng đầu năm (tăng 3,35% so với cuối năm trước). Ước tính 7 tháng đầu năm 2020, huy động vốn tiếp tục tăng 3,96%, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 3,07%. 7 tháng đầu năm 2020, tín dụng trên địa bàn ước tăng trưởng đạt 3,66%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tín dụng tăng 7,61%).

Mặc dù nhiều nhà đầu tư chạy theo vàng và một số tài sản sinh lời khác trong thời gian qua, nhưng phần lớn các chuyên gia nhận định, tâm lý chung của người dân vẫn ở thế “thủ”, chứ không phải chỉ chú ý tới sinh lời trong thời điểm khó khăn này. Đó là lý do nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng trong bối cảnh vàng cao giá.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, lãi suất giảm nhưng người dân cũng khó có thể rút tiền ra mua bất động sản ngay lúc này, vì yếu tố tâm lý rất mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người vẫn muốn được chủ động tiền mặt, nên muốn gửi tiết kiệm để khi có nhu cầu có thể lấy ra. Nếu đầu tư vào bất động sản thì đòi hỏi vốn lớn và thanh khoản thấp trong bối cảnh thị trường đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đối với vàng, thanh khoản cao, lợi nhuận có, song rủi ro đi kèm.

Tiền nhàn rỗi bắt đầu quay lại kênh gửi tiết kiệm
Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang ảm đạm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm lại được các ngân hàng dần điều chỉnh tăng trước nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư