Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiền nhàn rỗi bắt đầu quay lại kênh gửi tiết kiệm
Vân Linh - 24/05/2016 11:08
 
Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang ảm đạm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm lại được các ngân hàng dần điều chỉnh tăng trước nhiều áp lực, khiến người có tiền nhàn rỗi bắt đầu quay lại với tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, người gửi tiết kiệm VND hiện nay vẫn được hưởng lãi suất thực dương, kể cả khi lạm phát có tăng lên trong năm 2016. Dù Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh trần lãi suất về 5,5%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm phổ biến được các ngân hàng áp dụng là 4,5-5,5%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng và 6-7,8%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được các ngân hàng dần điều chỉnh tăng trước áp lực về trái phiếu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ sớm tăng lãi suất USD và Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Thời điểm này, mức cao nhất được áp dụng tại một số ngân hàng nhỏ là 7,8 - 8,2%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng lãi suất này, khách hàng phải từ 39 tuổi trở lên, hoặc có trị giá tiền gửi lớn.

.
Người gửi tiết kiệm hiện tại vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, dù lãi suất giảm so với thời điểm đỉnh cao nhất, nhưng trước tình hình các kênh đầu tư khác đang ảm đạm như hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, dư địa để giảm lãi suất khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp vẫn còn, nhưng nhiều khả năng, lãi suất sẽ khó giảm mạnh và cũng khó tái tăng trở lại trong thời gian tới. Vì thế, xu hướng của khách hàng hiện nay là chọn kỳ hạn tiền gửi dài ngày, thay vì ngắn hạn như trước. Chính điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho phía các ngân hàng trong việc cơ cấu nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.

Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, áp lực tỷ giá vẫn còn do các yếu tố bên ngoài tác động khiến lãi suất tiết kiệm khó giảm. Trên thực tế, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm trong những tháng đầu năm bắt đầu nhích nhẹ, kể cả Vietcombank, BIDV cũng đã đưa ra mức 7,5%/năm. Điều này cho thấy, mặt bằng lãi suất sẽ khó ổn định trong thời gian tới và một khi lãi suất đầu vào tăng, thì lãi suất cho vay khó giữ nguyên, nhưng mức tăng không cao so với hiện nay, trừ khi có các yếu tố bên ngoài tác động mạnh vào thị trường Việt Nam, nhất là tỷ giá.

Trong khi đó, so với kênh gửi tiết kiệm, thì chứng khoán, bất động sản có độ rủi ro cao hơn. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, chưa thể kỳ vọng sớm tăng mạnh trở lại. Kênh đầu tư chứng khoán hiện thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng rủi ro vẫn rình rập, nhất là trước sức ép USD tăng trở lại, khối ngoại bán ròng.

Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thị trường bất động sản Việt Nam đã méo mó quá nặng trong một thời gian dài. Vì thế, rất khó có thể kỳ vọng thị trường tan băng trong thời gian ngắn, mà ít nhất cũng phải khoảng 2 - 3 năm nữa. Chứng khoán cũng là kênh đầu tư khá mạo hiểm cho nhà đầu tư, nhất là với nhà đầu tư nhỏ lẻ trong tình hình hiện nay. Do vậy, tiết kiệm vẫn sẽ là kênh được nhiều người lựa chọn khi lạm phát xuống thấp, nhưng lãi suất tiết kiệm khó tăng mạnh so với mặt bằng hiện nay.

Mặc dù tiền gửi tiết kiệm vẫn vào ngân hàng, song theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, với mức trần 5,5%/năm hiện nay, lãi suất chưa hẳn đã hấp dẫn tiền nhàn rỗi. Vì thế, khó có thể điều chỉnh giảm thêm lãi suất tiền gửi đầu vào, nhất là khi bất động sản, chứng khoán ấm lên, tỷ giá theo xu hướng điều chỉnh tăng nhẹ, còn giá vàng có khả năng còn giảm tiếp.

Tăng sức ép với lãi suất tiết kiệm
Xu hướng lạm phát, tỷ giá, lãi suất trái phiếu và một số kênh đầu tư khác như bất động sản tăng… đang gây sức ép lên lãi suất tiền gửi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư