Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất huy động giảm sâu, ngân hàng hưởng lợi
Hà Tâm - 15/12/2020 15:36
 
Lãi suất huy động giảm rất mạnh, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng, điều này giải thích cho việc đa phần ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận rất tốt năm 2020.
Lãi suất huy động trên thị trường thời điểm này đang ở mức thấp kỷ lục. Ảnh: Đức Thanh
Lãi suất huy động trên thị trường thời điểm này đang ở mức thấp kỷ lục. Ảnh: Đức Thanh

Chênh lệch lãi vay ngày càng lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm G.C Food (chuyên xuất khẩu nông sản) cho biết, công ty này đã đề xuất với ngân hàng về việc giảm lãi vay, nhưng không được chấp nhận, dù doanh số đang sụt giảm mạnh bởi đại dịch Covid-19.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội cho hay: “Năm ngoái, khi lãi suất huy động trên thị trường 7-8%/năm, tôi vay Ngân hàng Indovina để mua nhà với lãi suất 11%/năm, ngân hàng này “ăn” chênh lệch lãi suất chỉ 3-4%. Năm nay, thu nhập gia đình tôi sụt giảm, lãi suất huy động kỳ hạn dài trên thị trường chỉ còn 5-6%/năm, nhưng lãi vay vẫn không được Ngân hàng điều chỉnh giảm, chênh lệch lên tới 5-6%/năm”, chị Thanh than thở.

Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, lãi suất huy động trên thị trường thời điểm này đang ở mức thấp kỷ lục: 3-4%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng, 5-6%%/năm cho kỳ hạn 12-24 tháng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cá nhân và lãi suất cho vay doanh nghiệp kỳ hạn dài chủ yếu vẫn “neo” ở mức cao.

Theo báo cáo vừa được Nhóm Phân tích tài chính Công ty FiinGroup công bố, chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết trong quý III/2020 tăng tới 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020 và có mức tăng theo quý lớn nhất kể từ quý I/2018. Dự báo, trong quý IV/2020, NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm trong khi lãi suất cho vay khá ổn định.

“Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ BaoVietBank) cũng tăng lên 9,2% từ mức 9% trong quý II/2020. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, chi phí lãi của các ngân hàng trong quý III/2020 giảm 2,6%, trong khi thu nhập lãi tăng 4,5%. Điều này cho thấy, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua”, các chuyên gia của FiinGroup nhận định.  

Báo cáo tài chính quý III/2020 của khối ngân hàng niêm yết cũng cho thấy, so với cùng kỳ, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng tới 7,6% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ NIM tăng mạnh.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, năm nay, các ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận lớn, thậm chí nhiều ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất lịch sử, bất chấp dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân là lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức cao ngất ngưởng, hạ không đáng kể hoặc không giảm dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu. 

Cần giảm thêm lãi suất cho vay

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua giúp các ngân hàng tiết giảm đáng kể chi phí vốn. Tuy nhiên, dù lãi suất đầu vào giảm, các ngân hàng lại giảm không đáng kể lãi suất đầu ra, minh chứng là lợi nhuận từ hoạt động cho vay của các ngân hàng vẫn tăng mạnh, dù tín dụng tăng chậm. Chính vì vậy, chuyên gia này đánh giá, tác dụng của chủ trương giảm lãi suất chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, thực ra lãi suất huy động giảm, song lãi suất cho vay chưa giảm nhiều. Hơn nữa, lãi suất giảm thời gian qua cũng chưa “đẩy” được tín dụng tăng lên. Rõ ràng, lãi suất không còn là công cụ hữu hiệu cho nền kinh tế lúc này, khi mà tổng cầu đang suy giảm.

- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng

“Giảm lãi suất là chủ trương đúng, vì doanh nghiệp đang rất khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam cũng còn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo tôi, thời gian tới, không nên tiếp tục hạ thêm lãi suất huy động, mà phải khuyến khích các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay. Bởi nếu lãi suất huy động hạ sâu, sẽ trở thành con dao hai lưỡi, khiến tiền chảy khỏi ngân hàng vào các kênh rủi ro khác như vàng, chứng khoán, bất động sản…, đồng thời đẩy các nhà băng vào tình trạng “bẫy thanh khoản”, ông Hiếu nói.  

Mặc dù không ủng hộ giảm thêm lãi suất huy động, song nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần phải giảm thêm lãi suất cho vay để đảm bảo công bằng. Theo ông Phan Dũng Khánh, việc giảm lãi suất không chỉ hỗ trợ khách hàng, mà giúp ngân hàng hạn chế nợ xấu. Nhiều khách hàng cho hay, thu nhập sút giảm vì dịch bệnh, nhưng tiền lãi của ngân hàng vẫn phải “trả đều, trả đủ”, không được giảm chút nào so với thời điểm trước dịch bệnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, có 2 lý do khiến lãi vay của ngân hàng chưa giảm tương ứng. Đó là ngân hàng vẫn còn tồn một lượng nhất định vốn huy động với lãi suất cao trước đây và nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ tăng buộc ngân hàng phải “neo” lãi suất cao (nhất là lãi vay mua nhà, mua xe) để phòng ngừa nợ xấu.

Dự đoán về xu hướng lãi suất cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm, vì tín dụng bắt đầu phục hồi, nhiều ngân hàng bắt đầu cạnh tranh huy động để cho vay. “Lãi suất hiện đã chạm đáy, dư địa giảm không còn nhiều. Hơn nữa, lãi suất cũng không còn là rào cản với tăng trưởng tín dụng nữa.Vì vậy, việc giảm thêm lãi suất cho vay thời gian tới phải thận trọng”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.

Lãi suất huy động kỳ hạn dài hiện vẫn ở mức cao
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành và cả trần lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư