Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 06 tháng 02 năm 2025,
Lãi suất khó giảm
Vân Linh - 24/01/2017 08:40
 
Trước xu hướng lãi suất tiết kiệm chưa có điểm dừng hiện nay, mục tiêu xem xét giảm thêm lãi suất trong năm nay là không dễ.

Đua hút tiền cận Tết

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, các ngân hàng không ngừng tung ra chương trình khuyến mãi, quà tặng và thậm chí là nâng biên độ lãi suất tiết kiệm để hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Dịp cận Tết, các doanh nghiệp chi lương, thưởng cuối năm cho người lao động và nhiều người có tiền nhàn rỗi có nhu cầu gửi vào nhà băng. Vì vậy, các nhà băng tranh thủ gia tăng tiện ích tiết kiệm để thu hút nguồn tiền gửi này.

Sacombank là một trong nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trong những ngày áp Tết. Ảnh: Đức Thanh
Sacombank là một trong nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trong những ngày áp Tết. Ảnh: Đức Thanh

Trong những ngày giáp Tết Đinh Dậu, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng thêm 0,2 - 0,4% tại một số nhà băng, như Eximbank, Sacombank, TPBank, Techcombank, VPBank… Đáng chú ý, ở một số nhà băng nhỏ, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài được áp ở mức 7,6 - 7,7%/năm.

Không chỉ lãi suất tăng nhẹ ở thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế), mà ở thị trường 2 (liên ngân hàng) cũng có chiều hướng tăng lên trong những ngày qua, sau một thời gian giảm. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất liên ngân hàng trong các ngày gần đây tăng 0,07 - 1,2 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,2 điểm phần trăm, lên mức 4,6%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,3 điểm phần trăm, lên mức 4,7%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,07 điểm phần trăm, lên mức 4,8%/năm.

Theo đánh giá của BVSC, lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh cho thấy, thanh khoản của hệ thống đang chịu nhiều áp lực trong những ngày giáp Tết Đinh Dậu. Đó cũng là lý do vì sao các nhà băng đẩy mạnh khuyến mãi hút tiền nhàn rỗi dịp cuối năm.

Năm nay, lãi suất là bài toán hóc búa đối với ngân hàng Nhà nước, nhất là trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, lãi suất huy động thường tăng nhẹ vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng khả năng sẽ giảm nhẹ sau Tết, một phần do thời gian sau Tết, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng khó có thể đẩy mạnh vì nhu cầu vốn của khách hàng (cả cá nhân và doanh nghiệp) chưa tăng trong quý này. Thế nhưng, theo ông Phát, trong các quý tiếp theo của năm 2017, tín dụng có khả năng được cải thiện theo hướng tích cực như những quý giữa và cuối năm 2016. Vì vậy, kỳ vọng lãi suất đầu ra giảm thêm trong năm nay là không dễ. Bên cạnh đó, các yếu tố bên ngoài cũng tạo áp lực lên lãi suất, như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có thêm 3 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản USD trong năm nay.

Áp lực lớn với lãi suất

Theo TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), với động thái tăng lãi suất của Fed, sức mạnh USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá do kỳ vọng Fed tăng lãi suất tiếp trong năm nay và các năm 2018, 2019. Khi USD tăng giá, áp lực lên tỷ giá tiền đồng và lãi suất là khó tránh. Chính xu hướng này sẽ gây khó cho ngân hàng trong việc giảm lãi suất đầu ra. Đồng thời, theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, từ ngày 1/1/2017, các ngân hàng phải thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50%. Việc này buộc các nhà băng phải duy trì lãi suất kỳ hạn dài để hút tiền gửi, đồng thời cơ cấu lại nguồn.

Vì thế, giới phân tích tài chính cho rằng, mục tiêu ổn định lãi suất có thể gặp nhiều thách thức. TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi suất năm nay sẽ chịu nhiều thách thức, áp lực hơn so với năm 2016. Lý do là, nếu USD mạnh lên, lãi suất VND không tăng, thì dòng tiền tiết kiệm rất có thể sẽ chảy sang kênh đầu tư khác.

Thực tế, trong thời gian gần đây, khi Fed điều chỉnh tăng thêm 0,25% lãi suất USD đã tạo sức ép lên trần lãi suất 0% đối với tiền gửi ngoại tệ trong nước. Do đó, TS. Hiếu cho rằng, việc điều hành lãi suất năm 2017 sẽ là thách thức với Ngân hàng Nhà nước và duy trì được mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2016 đã là thành công.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, do áp lực của mục tiêu tăng trưởng cao, nên việc điều hành lãi suất năm 2017 phải linh hoạt, bảo đảm ổn định. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, năm nay, lãi suất là bài toán hóc búa đối với Ngân hàng Nhà nước, nhất là trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thống đốc Lê Minh Hưng nói về việc điều hành lãi suất, tỷ giá trong năm 2017
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, do áp lực mục tiêu tăng trưởng cao nên điều hành lãi suất năm 2017 phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư