Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Lãi suất không tác động nhiều đến tín dụng
Thùy Liên - 09/05/2013 06:32
 
Sau Vietcombank, hôm nay, BIDV cũng giảm mạnh lãi suất huy động xuống còn 6%/năm, còn Vietinbank đưa lãi suất về 7%/năm. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), lãi suất không phải là yếu tố tác động nhiều đến tín dụng.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về động tác cắt giảm lãi suất của Vietcombank?

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, Vietcombank là một ngân hàng thương mại, họ có nhóm nghiên cứu, dự báo thị trường.

Quyết định giảm lãi suất của họ được đưa ra là dựa trên cơ sở cung- cầu cũng như cân đối nguồn vốn của họ cũng như dựa trên những đánh giá dự báo về tình hình và xu hướng thị trường.

Từ đó, họ đưa ra mặt bằng lãi suất và cơ chế trả lãi hợp lý với tình hình của họ.

Thông thường, thời gian trước, sau khi các ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất thì NHNN cũng hạ trần lãi suất. Các tổ chức quốc tế cũng dự báo Việt Nam sẽ hạ thêm trần lãi suất 0.5- 1% trong quý II này. Vậy NHNN đã xem xét đến khả năng này chưa, thưa ông?

Hiện tôi chưa thể nói gì về vấn đề này. Song nguyên tắc điều hành lãi suất của NHNN là phải dựa trên tín hiệu của lạm phát.

Một số ngân hàng thương mại cho rằng, hạ lãi suất huy động quá sâu sẽ làm tiền đồng chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng. NHNN sẽ có những biện pháp gì để duy trì sức hấp dẫn của tiền đồng?

Lãi suất huy động không thể giảm vô tội vạ mà giảm trong tính toán và cân đối định lượng về hoạch định chính sách. Năm 2013, Thống đốc đã cam kết biến động tỷ giá chỉ khoảng 2%.

Thông điệp này cho thấy chủ trương vừa chống đô la hóa, vừa củng cố niềm tin của người dân vào tiền đồng. Bên cạnh đó, NHNN luôn duy trì chênh lệch mặt bằng lãi suất tiền đồng cao hơn so với lãi suất USD khoảng 4,5-5% để tạo sức hấp dẫn cho người nắm giữ tiền đồng.

Thực tế điều hành kinh tế vĩ mô nước ta cũng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận là cán cân kinh tế vãng lai được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng… Đây là cơ sở tốt đẻ NHNN tiếp tục theo đuổi mục tiêu chống đô la hóa và củng cố giá trị của đồng Việt Nam.

Việc một số ngân hàng giảm mạnh lãi suất có kích thích tín dụng tăng mạnh trở lại không thưa ông?

Lãi suất giảm tác dụng không đáng kể đến tăng trưởng tín dụng. Tổng cầu của nền kinh tế hiện vẫn tiếp tục ở mức thấp, thậm chí suy giảm là nguyên nhân chính khiến tín dụng sụt giảm chứ không phải là lãi suất. Lấy ví dụ, ngành thép cho biết tổng công suất khoảng 11 triệu tấn, nhưng nhu cầu tỏng nước chỉ 5-6 triệu tấn, như vậy là thừa tới 30-40% công suất .

Mức tiêu thụ những tháng gần đây chỉ 250- 400 ngàn tấn/tháng. Với mức tiêu thụ như vậy, vay vốn về mà không sản xuất không bán được chỉ làm tăng thêm chi phí, thêm gay go cho doanh nghiệp. Rõ ràng, lãi suất không phải là yếu tố quyết định tín dụng có ra được hay không mà vấn đề quan trọng nhất hiện nay là năng lực hấp thụ của nền kinh tế.

Nhìn lại những năm trước đây, như thời kỳ 2008- 2009, lãi suất cao hơn rất nhiều nhưng tín dụng vẫn ra được nền kinh tế vì tổng cầu tốt, dù lãi cao DN vẫn sẵn sàng vay vốn vì có đầu ra, quay vòng vốn nhanh. Đây là gốc gác của vấn đề.

Nhưng nền kinh tế nước ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng, nếu tín dụng không thể tăng trưởng thì kinh tế cũng ngừng trệ?

Tôi xin thú thực là hệ số vay nợ của DN Việt Nam quá lớn. Theo công bố của Bộ Tài chính, hệ số vay nợ của DNNN là 1,81%, tức là có 1 đồng vốn tự có, thì đi vay 1,81 đồng. DN ngoài quốc doanh có hệ số vay nợ là 2,15% trong khi hệ số này ở DN FDI chỉ là 1,1. Con số này cho thấy, khi đã dùng vốn vay lớn, chi phí trả lãi tất nhiên tăng lên và điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN. Đây là điều mà DN phải tính toán.

Cho nên, chúng ta phải công bằng. Về phía ngân hàng, phải tích cực giảm lãi suất, hướng dòng vốn vay đến các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các DN cũng phải đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ, nhất là tái cơ cấu quản trị tài chính, làm sao hướng đến các nguồn vốn rẻ hơn. Các DN phải phấn đấu có uy tín tốt hơn để huy động các nguồn trái phiếu trên thị trường với lãi suất thấp.

Nhiều chuyên gia đề nghị, trong bối cảnh tài sản thế chấp cạn kiệt như hiện nay, chỉ có đẩy mạnh cho vay tín chấp mới khiến tín dụng tăng trưởng. Theo ông, giải pháp này có khả thi?

Chính sách của NHNN đã tạo hành lang pháp lý cho vay tín chấp rồi. Việc có đẩy mạnh cho vay tín chấp được hay không phụ thuộc vào khẩu vị quản trị rủi ro của từng ngân hàng, NHNN không thể nuôi nợ được. Cho vay tín chấp để “nuôi nợ” là một trong những biện pháp mà nhiều ngân hàng trên thế giới đã làm, nhưng vấn đề là các ngân hàng trong nước có dám làm hay không. Đây là vấn đề kinh doanh của từng ngân hàng, NHNN không thể can thiệp.

Vậy đâu là giải pháp để tín dụng có thể tăng trưởng, thưa ông?

Đầu tiên là phải có giải pháp tăng tổng cầu, nếu không thấy có hy vọng tổng cầu tăng, DN sẽ không vay vốn. Thứ hai, nút thắt rõ ràng về tín dụng là nợ xấu mà nếu không xử lý thì tín dụng sẽ khó khai thông được.

Năn nỉ doanh nghiệp vay vốn
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư