Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Lãi suất liên ngân hàng giảm về sát 1%, NHNN tiếp tục ế vốn, lãi vay vẫn giảm chậm
T.L - 28/03/2023 11:20
 
Lãi suất huy động trên thị trường dân cư và lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh. Mặc dù vậy, lãi vay trên thị trường vẫn đang giảm chậm.
Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động
Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động.

Tính đến sáng nay (28/3), trên thị trường chỉ còn vài ngân hàng duy trì lãi suất huy động 9-9,1%/năm. Đa số các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất về dưới 9%.

Nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn có lãi suất thấp nhất thị trường khi huy động 6 tháng chỉ 5,8%/năm và cao nhất là 7,2%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiếp tục đi xuống. Trong phiên giao dịch hôm qua (27/03), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tiếp tục giảm 0,04 - 0,34% ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 1,16%/năm, kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 1,84%/năm và 2 tuần là 2,56%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng thấp và thanh khoản dồi dào khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “ế” vốn. Trong phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5,5%. Không có khối lượng trúng thầu.  

Từ ngày 15/ 3, Ngân hàng Nhà nước giảm các loại lãi suất điều hành. Từ đó đến nay, hơn chục nhà băng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm với mức giảm từ 0,1% đến 0,7% một năm. Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái (có thời điểm lãi suất lên tới 12% một năm), lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm mạnh tới 3-4%/năm. Lãi suất liên ngân hàng cũng giảm với tốc độ tương tự.

Mặc dù vậy, theo phản ánh của người vay, hiện lãi vay - đặc biệt là lãi vay ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân vẫn chưa giảm đáng kể. Hiện nhiều người vay mua nhà vẫn phải chịu lãi suất lên tới 15-16%/năm. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) triển khai gói tín dụng với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

Trong kiến nghị gửi đến Ngân hàng Nhà nước mới đây, cử tri tỉnh Quảng Bình phản ánh: Qua quá trình thực tế cho thấy khi có chủ trương giảm lãi suất tiền gửi thì ngay sau đó đồng loạt các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi, kể cả những người đã gửi trước và người gửi sau.

Tuy nhiên, khi có chủ trương giảm lãi suất tiền vay thì các ngân hàng lại kéo dài thời gian rất lâu mới thực hiện giảm cho đối tượng vay trong thời điểm đó, còn đối tượng vay trước thì không được giảm. Cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước giải thích và chỉ đạo giải quyết bất cập nói trên nhằm đảm bảo công bằng cho khách hàng của hệ thống ngân hàng.

Trả lời cử tri, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với lãi suất tiền gửi, theo quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 6 tháng bằng VND và việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi cụ thể là do tổ chức tín dụng xem xét quyết định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng.

Lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường 2.

Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc tổ chức tín dụng điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, thì khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết về lãi suất cho đến ngày đến hạn khoản tiền gửi.

Đối với lãi suất cho vay, theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Tương tự như lãi suất tiền gửi, trường hợp tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà tổ chức tín dụng và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (ở mức 5,5%/năm) của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nướcsẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn; yêu cầu tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý...

Thanh khoản hệ thống dư thừa, ngân hàng ế vốn, giảm lãi suất bắt đầu lan rộng
Dự trữ thanh khoản toàn hệ thống đang thừa 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu, tín dụng tăng chậm cộng thêm sức ép từ NHNN khiến các ngân hàng cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư