Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ trở lại
Vân Linh - 21/02/2024 11:41
 
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục điều chỉnh sau tết Giáp Thìn, song giữa xu hướng giảm, đã có một vài ngân hàng nhích tăng lãi suất trở lại ở kỳ hạn dài.

Một số ngân hàng tăng trở lại

Theo đó, Techcombank vừa đồng loạt tăng 0,2%/năm lãi suất huy động  đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất tiền gửi “Phát lộc tại quầy” kỳ hạn 1 và 2 tháng của nhà băng này dao động từ 2,55-2,7%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng dao động từ 2,95-3,3%/năm đối với từng đối tượng khách hàng và số tiền gửi.

Còn với khách hàng gửi tiền online, Techcombank áp dụng lãi suất cao hơn từ 0,1-0,2%/năm so với hình thức gửi tiền tại quầy. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng dao động từ 2,75-2,9%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng dao động từ 3,15-3,5%/năm.

Đáng chú ý, ngay cả với tài khoản thanh toán, Techcombank cũng áp dụng lãi suất lên tới 3,3%/năm thay vì mức lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm như thông thường.

Lãi suất tiết kiệm có xu hướng nhích nhẹ trở lại

Nhưng lãi suất huy động cao nhất đang niêm yết tại Techcombank là 5%/năm, dành cho khách hàng Private khi gửi tối thiểu 3 tỷ đồng kỳ hạn từ 12-36 tháng. Tuy vậy, lãi suất các kỳ hạn tại Techcombank vẫn thuộc nhóm thấp nhất hệ thống hiện nay.

Tương tự, lãi suất ngân hàng Sacombank mới nhất tháng 2/2023 cũng tăng mạnh 1% ở kỳ hạn dài 6,2%/năm dành cho tiền gửi online 36 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. Nhưng so với  tháng 1/2024, lãi suất huy động của Sacombank có xu hướng giảm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống và tăng ở các kỳ hạn trên 12 tháng.

Trước đó, đầu tháng 1/2024, ACB cũng bất ngờ tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến tại nhà băng này, lãi suất tiền gửi từ 1 - 3 tháng tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 18 tháng tăng nhẹ 0,1%.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến dành cho tài khoản tiết kiệm dưới 200 triệu đồng như sau: kỳ hạn 1 tháng là 2,9%/năm, 2 tháng 3%/năm, 3 tháng 3,2%/năm, 6 tháng 3,9%/năm, 9 tháng 4,2%/năm và 12 tháng là 4,8%/năm... Mức lãi suất cao nhất tại ACB hiện là 5% đối với kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay là 10,15%/năm nhưng ở kỳ hạn dài và đòi hỏi giá trị tiền gửi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất tại Dong A Bank vẫn giữ ở 7,5%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với khoản gửi từ 200 tỷ đồng.

Tương tự, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống hiện được niêm yết tại ABBank với mức 10,15%/năm. Mức lãi suất trên áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên trên một khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng giám đốc ngân hàng.

PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 10%/năm cho tiền gửi kỳ hạn gửi 12 và 13 tháng với số dư tiền gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Tại HDBank, mức lãi suất cao nhất 8,2%/năm được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tối thiểu từ 300 tỷ đồng.

Tại MSB đang có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,5%/năm. Lãi suất này áp dụng cho kỳ hạn 12 - 13 tháng với hạn mức từ 500 tỷ đồng đối với các tài khoản tự động gia hạn từ 1/1/2018. BaoVietBank, lãi suất tiết kiệm cao nhất khách hàng được hưởng lên tới 6,2%/năm, với kỳ hạn 60 tháng.

SCB huy động các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng với lãi suất 6,8%/năm, kỳ hạn 13 tháng. Còn lãi suất tiết kiệm cao nhất của MBBank hiện ghi nhận ở mức 6,1%/năm cho các kỳ hạn 36 - 60 tháng (đối với khu vực miền Trung và miền Nam).

Trong khi đó, Wooribank hiện triển khai gói lãi suất hấp dẫn Won Challenge với mức lãi cao nhất lên tới 11%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng, 10% dành cho kỳ hạn 12 tháng và 6%/năm dành cho kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên, gói lãi suất này đặt ra điều kiện, khách hàng chỉ gửi tiết kiệm tối đa 5 triệu đồng và thấp nhất 1 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra ngân hàng này cũng có gói tiết kiệm tích luỹ với lãi suất lên tới 7,5% dành cho kỳ hạn 36 tháng. Đối với lãi suất gửi tiết kiệm online thông thường, lãi suất chỉ khoảng 5%/năm. Còn tại Cake by VPBank, lãi suất ưu đãi lên tới 5,5%/năm kỳ hạn từ 13-36 tháng. Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng là 5,2%/năm.

Sẽ biến động nửa cuối năm nay?

Thế nhưng, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn duy trì mức thấp ở hầu hết ngân hàng. NCB, DongA Bank vừa giảm tiếp lãi suất huy động. Cụ thể, NCB giảm lãi suất từ 0,1-0,3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn huy động. Và đây là lần thứ hai ngân hàng này thông báo giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 2/2024.

Hiện NCB niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng dao động từ 3,6-3,8%/năm, giảm 0,3%/năm so với trước đó. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng cũng giảm 0,2%/năm xuống dao động từ 4,65-4,75%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng tại NCB giảm 0,1%/năm so với trước xuống dao động ở mức từ 5,2-5,7%/năm.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng tại DongA Bank đã đồng loạt giảm 0,4%/năm xuống còn 3,5%/năm. Mức giảm tương tự cũng áp dụng cho các kỳ hạn khác, đưa lãi suất tiền gửi từ 6 đến 8 tháng xuống mức 4,5%/năm, kỳ hạn từ  9 đến 11 tháng còn 4,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 5%/năm.

Biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất được các ngân hàng khác như PGBank (5,2%/năm; 24 – 36 tháng); NCB (5,6%/năm); GPBank (4,85%/năm); ABBank (4,7%/năm, kỳ hạn 6 tháng); OCB (6%/năm).

Lãi suất huy động thấp nhất thị trường thuộc về 4 ngân hàng lớn gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. Trong đó, Vietcombank và Agribank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống. Lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng tại 2 ngân hàng này chỉ 2%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng chỉ 3%/năm.

Lãi suất các kỳ hạn tương ứng tại BIDV và VietinBank nhỉnh hơn 0,2%/năm so với các mức trên. Đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất niêm yết tại 4 ngân hàng lớn dao động từ 4,7-5%/năm.

Nhận định chung về xu hướng lãi suất, giới chuyên gia cho rằng, lãi suất thấp sẽ có thể tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm nay. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024.

Mức nền lãi suất huy động thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm để khôi phục và phát triển kinh tế. Thế nhưng, Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho hay, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa mấy sáng sủa nên người dân và cả nhà đầu tư vẫn chọn tiết kiệm.

Một chuyên gia phân tích tài chính cũng đưa ra nhận định rằng, năm 2024, gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là kênh đầu tư sinh lời bền vững dù lãi suất không còn hấp dẫn như thời điểm đầu năm ngoái. Đáng chú ý là ở thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chưa phục hồi, ổn định, đầu tư vào đâu cũng phải tính toán, thậm chí chấp nhận rủi ro cao như hiện tại, tiền gửi vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/1 cũng cho thấy, bất chấp lãi suất tiết kiệm bị “nhấn chìm” sâu, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh khi tính đến tháng 11/2023, lượng tiền gửi vào các hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6,384 triệu tỷ đồng, tiền gửi của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng.

Hiện thanh khoản của ngân hàng khá dồi vào và kỳ vọng tín dụng cải thiện trong quý II/2024. Do đó, PGS TS Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học kinh tế TP.HCM đưa ra dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1 đầu năm.

Lãi suất tiết kiệm khó giảm sâu, lãi suất điều hành ổn định
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm được dự báo giảm nhẹ trong quý đầu năm, nhưng sau đó sẽ ổn định, thậm chí là tăng trở lại trong nửa cuối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư