Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
“Làm đẹp” báo cáo cuối năm bằng điều chỉnh kế hoạch
Duy Bắc - 08/01/2023 14:18
 
Điệp khúc giảm chỉ tiêu kế hoạch ở những ngày cuối năm tài chính tiếp tục lặp lại với các doanh nghiệp nhà nước trong năm tài chính 2022.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam điều chỉnh giảm kế hoạch để cả năm vượt 6,1% kế hoạch lợi nhuận. Ảnh: Lê Toàn

Gần hết năm mới điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Khi còn chưa tới 1 tháng là kết thúc năm tài chính 2022, hàng loạt công ty nhà nước lớn, như Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (mã GVR), Công ty cổ phần Licogi 14 (mã L14) đã đồng loạt thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm so với đầu năm.

Trong đó, Petrolimex điều chỉnh tăng doanh thu 29% so với kế hoạch đầu năm, lên 240.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm 90,2% so với kế hoạch, còn 300 tỷ đồng.

Petrolimex cho rằng, nguyên nhân điều chỉnh xuất phát từ tác động của rất nhiều yếu tố liên quan đến biến động bất thường, dị biệt của giá dầu và nguồn cung năng lượng thế giới, cơ chế vận hành liên quan đến cấu thành giá cơ sở, cùng sự cố từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Do các yếu tố tác động là bất khả kháng, nằm ngoài khả năng dự báo khi xây dựng kế hoạch của Tập đoàn, nên việc điều chỉnh là cần thiết và phù hợp quy định.

Trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, Petrolimex ghi nhận doanh thu đạt 225.697,2 tỷ đồng, tăng 88,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế ghi nhận 614 tỷ đồng, giảm 79,2% so với cùng kỳ.

Nếu so với kế hoạch đầu năm là doanh thu 186.000 tỷ đồng và lợi nhuận 3.060 tỷ đồng, Tập đoàn chỉ lần lượt hoàn thành 121% kế hoạch doanh thu và 20,1% kế hoạch lợi nhuận, tức là cách rất xa kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Tuy nhiên, với việc điều chỉnh kế hoạch mới sang doanh thu 240.000 tỷ đồng và lợi nhuận 300 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm Petrolimex đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 205% kế hoạch lợi nhuận.

Như vậy, từ một đơn vị khó có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022, Petrolimex đã trở thành đơn vị vượt kế hoạch kinh doanh tới 105% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đã điều chỉnh giảm doanh thu 4,8% so với kế hoạch đầu năm, về 28.280 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 24,4% so với kế hoạch, còn 4.900 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lý giải việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh do cuộc xung đột của một số nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính, việc chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao, các đơn vị thành viên chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền, việc lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào do sự suy giảm giá trị đồng kíp Lào trong kỳ lập báo cáo.

Kết thúc năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ước tính doanh thu 28.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.200 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 101,1% và 106,1% so với kế hoạch sau điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch đầu năm, Tập đoàn không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, ước tính chỉ đạt khoảng 96,3% kế hoạch doanh thu và 80,2% kế hoạch lợi nhuận.

Như vậy, chỉ bằng một bước điều chỉnh kế hoạch, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam từ đơn vị không hoàn thành kế hoạch năm đã chuyển sang đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch năm tài chính 2022.

Licogi 14 không những điều chỉnh kế hoạch, mà còn thay đổi cách hạch toán đơn vị thành viên

Đối với Licogi 14, đơn vị này chưa công bố chỉ tiêu điều chỉnh cụ thể, nhưng cho biết đang trình Tổng công ty Licogi (đơn vị nhà nước sở hữu 25,94% vốn tại Licogi 14) để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Được biết, đầu năm, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 569 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 317 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Licogi 14 ghi nhận doanh thu 129,1 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lỗ 4,96 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch lãi 317 tỷ đồng, Licogi 14 còn cách rất xa, Công ty nhiều khả năng phải xin phép Tổng công ty Licogi để điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, trước báo cáo kiểm toán, Licogi 14 lỗ 234,4 tỷ đồng do trích lập dự phòng đầu tư cổ phiếu, nhưng sau kiểm toán, đơn vị này chỉ còn lỗ 16,2 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty con của Licogi 14 là Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 phát hành 550.000 cổ phiếu ESOP, tương ứng 5% lượng cổ phiếu lưu hành để tăng vốn từ 110 tỷ đồng lên 115,5 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 giảm từ 51% xuống còn 48,57%, chuyển từ công ty con sang công ty liên kết.

Với việc chuyển sang công ty liên kết, Licogi 14 đã hạch toán theo giá gốc tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14, do đó, lãi/lỗ trong kỳ không cần hạch toán vào báo cáo hợp nhất, giúp khoản lỗ đầu tư cổ phiếu CEO và DIG của Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 không ảnh hưởng tới Licogi 14.

Như vậy, chỉ trong 1 năm trở lại đây, Licogi 14 đã hai lần làm “đẹp” báo cáo bằng các biện pháp thay đổi kỹ thuật đơn vị thành viên và thay đổi kế hoạch kinh doanh của mình.

Về bản chất, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh không thay đổi tình hình kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp trong năm tài chính, mà chỉ có nghiệp vụ thay đổi hạch toán từ công ty con sang công ty liên kết của Licogi 14 mới làm báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất có thay đổi theo xu hướng đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư.

Lợi nhuận 55 tập đoàn, tổng công ty nhà nước giảm rất sâu
Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư