Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Lâm Đồng giải ngân đầu tư công dưới đạt mức trung bình so với cả nước
Linh Đan - 17/07/2024 09:52
 
Bộ Tài chính nhận thấy, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lâm Đồng chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước trong tháng 6/2024.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh khẩn trương rà soát 2 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, chủ động phối hợp đẩy mạnh tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án, đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện và giải ngân vốn theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung theo dõi, bám sát các Bộ, ngành Trung ương để cung cấp hồ sơ, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khi có ý kiến từ các Bộ, ngành đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác… để đẩy tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án, đảm bảo điều kiện triển khai các thủ tục tiếp theo và giải ngân vốn theo quy định.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh tập trung chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các dự án tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện của từng dự án; xây dựng các mốc thời gian hoàn thành của từng hạng mục; xây dựng cụ thể thời gian lập thủ tục thanh toán, giải ngân vốn; đảm bảo phải thực hiện hoàn thành kế hoạch đã được giao trong năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chỉ đạo các chủ đầu tư làm việc cùng các nhà thầu thi công rà soát toàn bộ tiến bộ của từng hạng mục, từng dự án đang thi công; yêu cầu nhà thầu thi công lập cam kết tiến độ thực hiện, hoàn thành; lập các mốc thời gian hoàn thành từng công việc theo hợp đồng, đảm bảo giải ngân hết số vốn được bố trí cho dự án trong năm 2024; rà soát các khó khăn, vướng mắc của từng dự án được giao vốn ngân sách Trung ương năm 2024 (báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/7/2024).

Các địa phương kể trên được giao nghiên cứu các giải pháp, biện pháp triển khai phù hợp cho từng công trình, dự án do mình quản lý, phù hợp tình hình thời tiết để đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án, đảm bảo có khối lượng hoàn trả tạm ứng và thanh toán giải ngân vốn đã bố trí; tập trung, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án; chủ động liên hệ, phối hợp các sở, ngành có liên quan, theo dõi, bám sát và đôn đốc tiến độ giải quyết các thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai cho dự án.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Tổ trưởng Tổ công tác số 5) vào ngày 28/6/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân đầu tư công của các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình so với cả nước mà Tổ này theo dõi.

Theo đó, đến hết ngày 31/5/2024, chỉ có 3/6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt được mục tiêu đề ra (Đồng Nai đạt 18,81%, Bình Dương đạt 22,6%, Bình Phước Đạt 21,2%); 3 địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân thực tế đến hết 31/5/2024 không đạt được mục tiêu giải ngân đề ra (Bình Thuận chỉ đạt 13,72%, Gia Lai chỉ đạt 13,57%, Lâm Đồng chỉ đạt 16,49%).

Bộ Tài chính ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của 3 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước đã có tỷ lệ giải ngân thực tế đạt và cao hơn so với mục tiêu giải ngân đến hết 31/5/2024.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý rằng, các địa phương này vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực hơn để tỷ lệ giải ngân 6 tháng năm 2024 có thể đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Đối với 3 địa phương còn lại (Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng), Bộ Tài chính nhận thấy, tỷ lệ giải ngân của các địa phương này chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước trong tháng 6/2024.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Đối với danh mục các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) đã được Bộ Tài chính công khai tại văn bản số 4848/BTC-ĐT ngày 10/5/2024, Bộ Tài chính nhận thấy, tình hình giải ngân của các dự án này chưa có nhiều chuyển biến. Đến hết ngày 25/6/2024, vẫn còn 9/22 dự án (đã được Bộ Tài chính công khai) chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn (Bình Thuận có 4/7 dự án với tổng số vốn 4 tỷ đồng); tỉnh Lâm Đồng có 2/6 dự án với tổng số vốn lên đến 860,364 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai có 3/4 dự án với tổng số vốn 43,177 tỷ đồng); các dự án còn lại mặc dù đã thực hiện giải ngân nhưng tỷ lệ còn rất thấp, không đáng kể (tỷ lệ giải ngân của các dự án đa phần chưa đạt được 10% kế hoạch vốn được phân bổ).

Dự án Đà Lạt Plaza (Lâm Đồng) bị đề xuất thu hồi: Ngân hàng SCB lo bị “ảnh hưởng quyền lợi”
Sau khi cơ quan chức năng Lâm Đồng kiến nghị thu hồi toàn bộ diện tích Dự án Đà Lạt Plaza của Công ty cổ phần Du lịch Delta, Ngân hàng SCB lên tiếng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư