Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Làm gì để sản xuất liên tục cả khi thiên tai?
Tâm Hà - 22/09/2013 10:22
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực ASEAN (AHA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo triển khai Dự án “Đánh giá rủi ro thiên tai và xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất, kinh doanh vùng cho các khu công nghiệp tập trung khu vực ASEAN”.
TIN LIÊN QUAN

Mục tiêu của Dự án là giảm thiểu các thiệt hại kinh tế và duy trì sản xuất tại các khu công nghiệp khi thiên tai xảy ra.

Lên kế hoạch duy trì sản xuất, kinh doanh liên tục ngay cả trong điều kiện thiên tai xảy ra là điều rất quan trọng (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, Việt Nam là nước nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa, nên việc chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực công nghiệp để bảo vệ cho phát triển công nghiệp là một trong những quan tâm hàng đầu.

Bên cạnh việc phòng ngừa rủi ro thiên tai, việc lên kế hoạch ứng phó để phục hồi nhanh sau thiên tai rất quan trọng, vì liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp càng phục hồi chậm càng mất cơ hội.

Trên thực tế, duy trì sản xuất, kinh doanh liên tục cho khu vực là một khái niệm mới, một cách làm mới trên thế giới mà chưa nước nào triển khai.

AHA và JICA sẽ thí điểm mô hình này ở 3 nước tại khu vực ASEAN. Tại Việt Nam, Hải Phòng - địa phương có 7 khu công nghiệp và có nguy cơ khá lớn về thiên tai - được lựa chọn là nơi thí điểm dự án.

Cũng tại Hội thảo, ông Masakazu Takahashi, Trưởng đoàn Nghiên cứu JICA về Dự án thí điểm xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất, kinh doanh vùng cho các khu công nghiệp tập trung khu vực ASEAN nhấn mạnh, Nhật Bản đã từng hứng chịu hậu quả nặng nề của trận động đất tại KOBE năm 1995.

Trận động đất không chỉ khiến KOBE gần như bị xóa sổ, mà kinh tế toàn Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này cho thấy, việc lên kế hoạch duy trì sản xuất, kinh doanh liên tục trong các khu công nghiệp, ngay cả khi thiên tai xảy ra rất quan trọng.

Theo các chuyên gia của AHA và JICA, đánh giá rủi ro thiên tai là điều kiện tiên quyết của việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh liên tục. Một khi đã lường trước thảm họa, các cơ quan có thể giả định tình huống xảy ra, xác định thiệt hại và tiên liệu việc sản xuất, kinh doanh có thể tiếp tục được hay không.

Đơn cử, khi bão xảy ra, đường cao tốc không bị thiệt hại, nhưng hệ thống đường giao thông nối vào đường cao tốc lại bị ngập, nên sẽ tắc một ngày. Hoặc khi nhà xưởng vẫn còn, nhưng đường đến nhà xưởng lại bị tê liệt, khiến công nhân không thể đến làm việc…

Tất cả những yếu tố này sẽ được tính đến, từ đó đưa ra kịch bản ứng phó và duy trì sản xuất, kinh doanh liên tục cho các khu công nghiệp.

Được biết, hợp phần 1 của Dự án sẽ lập bản đồ các cụm công nghiệp, đánh giá nguy cơ tổn thương của hạ tầng hệ thống phân phối khi thảm họa xảy ra, đánh giá nguy cơ rủi ro thiên tai của các quốc gia ASEAN.

Hợp phần 2 sẽ thí điểm tại 3 nước (trong đó có Việt Nam) để đánh giá, thiết lập kinh doanh liên tục cho khu vực tại dự án thí điểm, tiến tới xây dựng khung hệ thống và quy trình thực hiện kế hoạch kinh doanh liên tục vùng thông qua các hoạt động thử nghiệm tại cụm công nghiệp lập thí điểm. Từ đó có thể lập kế hoạch kinh doanh liên tục cấp vùng và nhân rộng triển khai.

Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa - hạn dài (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), các địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư