Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Làm gì khi nhân sự dịch chuyển hàng loạt vào cuối năm?
H.T - 02/11/2020 16:23
 
Tại Việt Nam, Covid-19 có chiều hướng lắng xuống, với hy vọng cuối năm 2020 bức tranh nhân sự ổn định hơn. Song, nhiều lo ngại viễn cảnh 3 tháng cuối năm không lạc quan đến vậy. Đó là gì?

Thị trường nhân sự dự báo nhiều biến động

Theo báo cáo mới đây của Talentnet - Mercer, trong 6 tháng năm 2020, tỷ lệ nghỉ việc của các doanh nghiệp nội là 9,5%, các công ty nước ngoài (MNC) là 7,5%. Talentnet dự báo tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên ở các doanh nghiệp nội sẽ tiếp tục tăng lên đến 19% vào những tháng cuối năm. Trong khi kinh tế đang chuyển từ giai đoạn “cấp cứu” sang phục hồi, tình hình nhân sự lại có chiều hướng chuyển từ phục hồi sang “báo động” với những tình huống nghỉ việc khó ngờ đến.

Chị Minh Tâm (34 tuổi, chuyên viên kinh doanh bán lẻ) cho biết: “Tôi chủ động nghỉ việc sau đợt dịch thứ 2 vì quá căng thẳng. Có những ngày tôi phải gồng mình với nhiều dự án cùng lúc với chỉ tiêu công ty đặt ra quá cao, nhưng phúc lợi và lương thưởng lại bị cắt giảm”.

Có nhiều lý do dẫn đến tình hình nhân sự biến động vào những tháng cuối năm 2020, trong đó đáng kể đến là việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm lương, thưởng do ảnh hưởng của Covid-19. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh kéo theo nhiều bất định, để dự trù cho bất kỳ biến cố nào có thể xảy đến, đa số các doanh nghiệp đều đang ở trạng thái “cầm chừng” trước quyết định về chính sách lương - thưởng cuối năm.

Ngoài ra, còn một lý do khác mà doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ để kịp thời ứng phó với biến động nhân sự. Đó là khi thị trường việc làm dần khôi phục, nhân sự bắt đầu nhận được nhiều lời mời gọi tốt hơn từ các công ty đối thủ. Trong quý IV/2020 và kể cả năm 2021, nếu doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc xây dựng các chính sách lương - thưởng thì việc nhân sự rời đi được dự đoán là điều tất yếu.

.
Dựa vào tình hình tài chính khác nhau, các doanh nghiệp có thể ứng biến và xây dựng những chiến lược quản lý phù hợp để giữ chân nhân sự.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp khủng hoảng nhân sự?

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet cho biết: “Chẩn đúng bệnh mới có thể trị dứt bệnh. Tình hình nhân sự của một công ty cũng vậy, chỉ khi xác định được nguyên nhân của làn sóng nghỉ việc, doanh nghiệp mới có thể đưa ra được “phác đồ điều trị” đúng đắn cho công ty mình”.

Cụ thể, trước nhất doanh nghiệp cần biết nhân sự đang gặp áp lực công việc, bất định về tinh thần, bất mãn với lương - thưởng hay lý do nào khác. Dựa vào tình hình tài chính khác nhau, các doanh nghiệp có thể ứng biến và xây dựng những chiến lược quản lý phù hợp để giữ chân nhân sự:

Chế độ thưởng nóng để cảm ơn nhân sự đã đồng hành cùng doanh nghiệp: Theo khảo sát lương thưởng 2020 của Talentnet - Mercer, có 13% doanh nghiệp triển khai thưởng nóng theo đợt dành cho nhân sự có những đóng góp lớn trong giai đoạn Covid-19. Đặc biệt, có đến 69% trong số các doanh nghiệp này chi trả thưởng nóng liền tay. Những con số này cho thấy việc thưởng nóng có ý nghĩa lớn trong việc động viên, khích lệ nhân viên kịp thời.

Triển khai các hoạt động gắn kết: Các buổi chia sẻ và truyền cảm hứng, hay các phúc lợi cộng thêm giúp đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên… vẫn cần được chú trọng. Bà Godelieve Van Dooren, đối tác của Talentnet đến từ Mercer Singapore, chia sẻ: “Nếu công ty chưa có điều kiện để tăng lương thưởng, những chính sách phúc lợi sáng tạo như tổ chức các cuộc thi nhỏ với phần thưởng dựa theo nhu cầu cá nhân cũng có thể được áp dụng để thúc đẩy tinh thần nhân viên”.

Chia sẻ với nhân viên về hướng đi của doanh nghiệp trong tương lai: Khi người lao động không được thông tin đúng và đủ về tương lai của công ty, họ sẽ cảm thấy mù mờ về tương lai của mình và có tâm lý muốn tìm một nơi an toàn hơn. Do đó, việc chia sẻ dự định, hướng đi tiếp theo của doanh nghiệp và vai trò của nhân viên trong kế hoạch đó sẽ giúp nhân viên cảm thấy những nỗ lực của bản thân được ghi nhận.

Điều chỉnh kế hoạch nhân sự phù hợp với kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp: Hai kế hoạch này luôn song hành với nhau, tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng thì xu hướng chuyển dịch của nhân sự cũng khó lòng tác động đến sự vận hành và ổn định của doanh nghiệp. 

Bà Tiêu Yến Trinh cũng nhấn mạnh: “Trên hết vẫn là sự cởi mở, chân thành, quan tâm thật sự mà doanh nghiệp dành cho nhân viên. Đó chính là phần thưởng ý nghĩa nhất mà khó nhân viên nào có thể từ chối”.

Vì sao nhiều nhân sự nòng cốt, làm việc nỗ lực nhưng vẫn muốn rời bỏ doanh nghiệp
Trong báo cáo về tình hình thị trường lao động trong 6 tháng tới do Anphabe vừa công bố, nhóm này được gọi nhân sự “thất thoát đáng tiếc”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư