Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lâm Quốc Nhựt, Nhà sáng lập, CEO Công ty TNHH Nông nghiệp mặn Halofai: Xanh hóa những vùng đất mặn
Nhung Bùi - 06/06/2024 08:08
 
Tại vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, Công ty TNHH Nông nghiệp mặn Halofai (Halofai), do Lâm Quốc Nhựt thành lập, đã và đang dùng toàn bộ nguồn nước mặn để thay thế nước ngọt phục vụ canh tác nông nghiệp.
Lâm Quốc Nhựt, Nhà sáng lập, CEO Công ty TNHH Nông nghiệp mặn Halofai.

Tiên phong phát triển nông nghiệp mặn

Như nhiều thanh niên sinh ra trên mảnh đất Cà Mau, Nhựt từng thoát ly, lên TP.HCM để làm việc. Trải qua một vài công việc khác nhau, từ sản xuất phân bón, sản xuất gỗ, cho đến môi giới bất động sản, nhưng Nhựt luôn cánh cánh trong lòng những suy nghĩ, trăn trở với nông nghiệp quê hương. “Nhiều người trẻ không có việc làm đành bỏ quê đi, đất nhiễm mặn không canh tác, trở nên hoang phế… Chứng kiến điều đó, tôi mong muốn tìm ra mô hình phủ xanh đất mặn để phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình”, nhà sáng lập sinh năm 1995 bộc bạch.

Ba năm trước, khi Nhựt thành lập Halofai (năm 2021) và ngay cả bây giờ, nông nghiệp mặn vẫn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. Chưa kể, Nhựt cũng không phải là người có chuyên môn trong ngành nông nghiệp.

“Halofai là phát âm của từ ‘halophyte’, nghĩa là thực vật chịu mặn. Ngoài ra, Halofai được hiểu như là một điểm sáng trong gam màu tối của bức tranh nông nghiệp tương lai”, Nhựt giải thích.

Để khởi đầu hành trình của mình, chàng trai trẻ đã tự tìm hiểu thông tin từ tài liệu chuyên môn của nước ngoài. Anh còn đăng ký học thêm một khóa chuyên ngành về trồng trọt và bảo vệ thực vật để gây dựng kiến thức nền tảng.

Ban đầu, Nhựt trồng thử nghiệm một số cây như sả, cà tím... Kết quả không như ý, vì các loại cây này không phải giống thuần nước mặn, tuy có thể sống trên vùng đất mặn, nhưng vẫn cần tưới bằng nước ngọt. Đang loay hoay trong việc chọn cây giống phù hợp, Nhựt tình cờ gặp một người bạn Mỹ và được tư vấn chuyển hướng sử dụng các cây giống ngập mặn từ nước ngoài.

“Cứ ngỡ ánh sáng đã mở ra, thì bóng tối lại ập tới”, Nhựt kể. Việc nhập cây giống từ nước ngoài đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, trong khi đó, Nhựt cũng đã thử nghiệm nhân giống các loại cây này tại Việt Nam, nhưng đều không thành công.

Thất bại liên tiếp trong việc chọn giống cây trồng, nhưng nhà sáng lập trẻ không nản lòng. Anh rong ruổi qua các tỉnh, thành phố ven biển, tìm các giống cây trồng về thử nghiệm. Từ khoảng 30 giống cây bản địa khác nhau, Nhựt chọn ra 8 loại sống được hoàn toàn bằng nước mặn. Cho đến nay, 4 loại trong số đó đã được nghiên cứu, phát triển thành nguyên liệu sản xuất, gồm: cây sơ ri, cây ô rô, cây quao, cây lức. Bằng cách hợp tác, chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ dân ở xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, nhà sáng lập đã gây dựng vùng nguyên liệu từ các loại thực vật chịu mặn với tổng diện tích hơn 20 ha.

Lan tỏa hương vị từ đất mặn

Lâm Quốc Nhựt chia sẻ: “Sứ mệnh của Halofai là khai phá những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa, bị nhiễm mặn thành những cánh đồng nguyên liệu xanh mướt. Halofai sẽ cùng với người dân tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang tính đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng”.

Ban đầu, Nhựt dự kiến chỉ tập trung trồng thực vật nước mặn, sau đó bán nguyên liệu thô, nhưng càng đi sâu vào công việc, Nhựt càng hiểu rằng, lĩnh vực nông nghiệp mặn quá mới, không dễ để tìm đầu ra. Từ đây, anh nghĩ đến câu chuyện chế biến sâu, tự mình tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Một lần nữa, Nhựt đối diện với bài toán khó, khi sản phẩm chế biến từ cây trồng chịu mặn hầu như chưa xuất hiện trên thị trường. Các phương pháp nghiên cứu hay máy móc sản xuất riêng cho nhóm thực vật này cũng không tồn tại.

Tính tiên phong và độc đáo trong phát triển mô hình nông nghiệp mặn đã giúp Lâm Quốc Nhựt và Halofai đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp, như: Giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; Giải Nhì cuộc thi Thanh niên nông thôn khởi nghiệp năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức; Top 20 Dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021…

Vậy là, nhà sáng lập trẻ vừa đặt hàng máy móc, vừa tự phát triển công thức chế biến. Không ngừng thử nghiệm rồi lại chỉnh sửa trong khoảng 2 năm, cuối cùng, nhóm sản phẩm từ các cây trồng chịu mặn đã ra đời. Với cây ô rô nước, Halofai chế tạo ra muối thực vật, trà ô rô, viên uống thải độc gan. Còn với cây sơ ri, start-up có riêng dòng nước uống sơ ri, chế tạo nguyên chất từ trái sơ ri tươi…

Tháng 10/2023, Halofai chính thức đưa toàn bộ sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là lúc start-up đối diện với bài toán khó nhất: làm thế nào để khách hàng chấp nhận sản phẩm. Nhựt thừa nhận, không ít khách hàng e ngại, hoài nghi, vì các sản phẩm từ cây chịu mặn còn quá mới.

Để gỡ bỏ rào cản tâm lý từ phía khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ, Nhựt mang sản phẩm đi giới thiệu tại khắp các hội trợ, triển lãm, lễ hội nông sản… Dần dần, khách hàng quen với sản phẩm của Halofai, nhiều người sẵn lòng quay lại mua nhiều lần. Nhà sáng lập hào hứng cho biết, một số nhà thuốc ở TP.HCM bắt đầu phân phối các sản phẩm của Halofai. Không những vậy, một số doanh nghiệp dược phẩm đã nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm từ Halofai để tiếp tục chế biến.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, Lâm Quốc Nhựt tin rằng, mô hình phát triển nông nghiệp mặn bằng việc sử dụng nguồn nước mặn dồi dào sẵn có là giải pháp cần thiết cho Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Trong tầm nhìn của Nhựt, Halofai sẽ phấn đấu để đứng vào top 10 công ty nông nghiệp mặn lớn nhất thế giới.

Trước mắt, Nhựt tập trung hoàn thiện nâng cấp nhà xưởng, từ 200 m2 lên 1.000 m2 trong năm nay. Vòng gọi vốn thành công gần đây giúp CEO trẻ được tiếp thêm niềm tin vào mô hình của mình. Nhựt đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 có thể hoàn tất thủ tục để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm của Halofai ra thị trường quốc tế.

Ở cương vị Nhà sáng lập Halofai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, Nhựt cho biết luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức khởi nghiệp trong mảng nông nghiệp mặn với mọi người. Anh không ngại chuyển giao kỹ thuật trồng cây nước mặn cho người nông dân và có thể chuyển giao công trình nghiên cứu của mình cho đơn vị khác dựa trên cơ chế hợp tác phù hợp.

“Tất nhiên, tôi chỉ bán công trình nghiên cứu, chứ không bao giờ bán thương hiệu”, Lâm Quốc Nhựt khẳng định chắc nịch.

Nguyễn Thị Lê Na, Nhà sáng lập EcoNations: “Hãy hỗ trợ nông dân, đừng tranh việc của họ”
Ứng dụng công nghệ, Nguyễn Thị Lê Na cùng đội ngũ EcoNations tạo ra “con đường tắt” kết nối nông dân với người tiêu dùng và hỗ trợ họ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư