Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Làm thế nào tiếp thị Việt Nam tới người tiêu dùng thế giới?
Hải Hà - 03/05/2019 08:34
 
Là một trong những diễn giả của phiên hiến kế phát triển du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân, ông Phạm Hà, CEO Công ty Du lich Luxury Travel đặt câu hỏi, Việt Nam có gì khác biệt để hấp dẫn khách và làm thế nào để tiếp thị một Việt Nam tới người tiêu dùng?
.
Theo ông Hà, văn hóa, ẩm thực, không có điểm đến chung cho tất cả các khách và cộng đồng được hưởng lợi sẽ là những tiêu chí hàng đầu khiến Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra hấp dẫn riêng biệt về du lịch khi tiếp thị ra thế giới.

Với suy nghĩ đó, ông Hà cho rằng, để trở thành cường quốc về du lịch, Việt Nam cần giải được bài toán về visa, nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến hiệu quả.

“Chính sách visa hiện chưa thân thiện. Câu đầu tiên chúng tôi luôn nhận được khi giới thiệu khách về Việt Nam là vấn đề visa. Visa như một lời ngỏ thân thiện với bất kỳ du khách nào. Nếu không thấy thân thiện việc gì họ phải tới. Chính sách visa đã mở nhưng mới he hé. Việc cần làm ngay là bỏ quy định cho phép khách vào Việt Nam 15 ngày sau đó xuất cảnh và 15 ngày sau mới được quay lại Việt Nam”, ông Hà nói.

Cũng liên quan tới chính sách visa, ông Hà khẳng định, nhân lực cũng là bài toán cần giải quyết ngay vì nếu miễn thị thực cho một thị trường nhưng thị trường đó không có nhân lực đủ trình độ ngoại ngữ thì hiệu quả của chính sách cũng không có.

“Trong khi đó, tiếp thị về Việt Nam cần phải xác định Việt Nam có gì hấp dẫn. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo sản phẩm du lịch dọc sông Hồng rồi liên kết xuống Hạ Long. Riêng Hạ Long là một vùng rộng lớn, tại sao chỉ khai thác một vài vịnh, một vài bãi biển. Khách đến Hạ Long rất xô bồ, trong khi đó, phát triển dòng khách cao cấp hoàn toàn có thể dựa trên việc mở rộng vùng khai thác du lịch sang vịnh Bái Tử Long, phát triển sang Vân Đồn hoặc mở rộng vùng di sản. Đặc trưng của Việt Nam là nông nghiệp. Nông nghiệp, công nghệ 4.0 và du lịch tưởng là tách bạch nhưng là 3 mảng của sản phẩm rất đặc thù có thể tạo ra ngành công nghiệp du lịch nông nghiệp. Nhờ công nghệ kỹ thuật số, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thị sản phẩm độc đáo này tới khách quốc tế”, ông Hà khẳng định.  

Ông Hà cũng lấy ví dụ, khách nước ngoài có thể hoàn toàn không biết đến Indonesia nhưng họ lại biết tới đảo Bali đầy cát trắng, biển xanh. Lý do đơn giản là khu vực này hội tụ đủ các khu riêng biệt dành cho các đối tượng khách khác nhau từ khách Âu đến khách Trung Quốc, từ trung cấp tới cao cấp.

“Do đó, Việt Nam có thể học Bali trong việc phát triển điểm đến du lịch lựa chọn phân khúc cao cấp hoặc bình dân hoặc cả 2 nhưng có những khu riêng biệt cho họ trong 1 điểm đến đó”, ông Hà nói.

Theo ông Hà,  văn hóa tại điểm đến, ẩm thực, phát triển theo nhu cầu khách hàng, không có sản phẩm chung cho tất cả khách hàng và cộng đồng được hưởng lợi sẽ là những yếu tố quyết định giúp Việt Nam thu hút được khách du lịch.

Dựa trên tiêu chí này, ông Hà cũng tỏ ra khá tiếc khi Sapa và Nha Trang đã từng là những điểm đến cực kỳ sang trọng cho khách châu Âu nhưng hiện 2 điểm đến này đã bị phá nát cảnh quan, làm tầm thường hóa cảnh quan đi bởi các dự án, trong khi đó, người dân không được hưởng lợi.

“Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh, an toàn trong phát triển du lịch, tình trạng chặt chém, vệ sinh môi trường kém, hiệu quả xúc tiến du lịch không cao. Những việc mà Thái Lan đang làm rất tốt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cơ hội phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vấn đề là chúng ta có làm hay không, các bộ, ngành có làm hay không. Trong khi, mấu chốt để biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là phải có một bộ phụ trách riêng là Bộ Du lịch. Hiện, chúng ta dựa quá nhiều vào chủ tịch tỉnh mà tỉnh nào quan tâm thì phát triển, tỉnh nào không quan tâm thì thôi. Trong khi đó, một Bộ Du lịch hoạt động độc lập từ trên xuống dưới với vai trò là một Bộ làm kinh tế, giới thiệu Việt Nam ra thế giới và đảm bảo các hoạt động về xúc tiến hiệu quả cũng như phát triển các chính sách riêng về du lịch…sẽ là điều làm thay đổi hẳn kết quả của ngành du lịch”, ông Hà nhấn mạnh thêm.

Địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam
Là địa bàn sinh sống lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, với nét văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc, các loại hình nghệ thuật phong phú;...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư