Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Làn sóng chào bán vốn cổ phần ở ngân hàng Việt
Lưu Hương - 18/07/2023 07:16
 
Với làn sóng số hóa đang lan tỏa rộng rãi khắp khu vực, lĩnh vực ngân hàng Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư ngoại, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế đối với tiềm năng tăng trưởng của thị trường.
Một số ngân hàng, trong đó có SHB, đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng số hấp dẫn vốn ngoại

Theo tin của DealStreetAsia (website tin tức tài chính có trụ sở tại Singapore), ngày 11/7, ngân hàng số Việt Nam Timo đã thành công trong huy động thêm 10 triệu USD từ các nhà đầu tư từng tham gia rót vốn tại các vòng gọi vốn trước đó.

Dữ liệu từ CrunchBase (nền tảng chuyên theo dõi và cung cấp thông tin về các start-up) cho thấy, trước đợt gọi vốn trên, Timo đã huy động thành công 20 triệu USD qua đợt gọi vốn Venture Round năm 2022. Các nhà đầu tư rót vốn vào Timo gồm Jungle Ventures, Kredivo Holdings, Phoenix Holdings, Granite Oak và Square Peg Capital. Đáng chú ý, Square Peg Capital là nhà đầu tư chủ lực trong đợt gọi vốn Venture Round này; Square Peg là công ty đầu tư mạo hiểm đã đầu tư vào nhiều start-up lớn như Canva, FinAccel, Airwallex.

Việc huy động vốn thành công của Timo trong năm 2022 diễn ra trong bối cảnh thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, nhiệt tình đón nhận các dịch vụ ngân hàng số. Thời điểm đó, người dùng Việt vẫn song song sử dụng cả dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ ngân hàng truyền thống, nhưng số người sử dụng ngân hàng số đã tăng 41% trong năm 2021. Đồng thời, một số ngân hàng truyền thống khác cũng nắm bắt cơ hội này để tìm kiếm thêm hậu thuẫn từ các nhà đầu tư ngoại.

Vốn ngoại xếp hàng vào Việt Nam

Cuối tuần trước, Ngân hàng SHB thực hiện các bước chuẩn bị để chào bán 20% vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược trong năm nay. Theo nguồn tin từ Reuters, giá trị dự kiến của thỏa thuận có thể nằm trong khoảng từ 2 tỷ USD đến 2,2 tỷ USD. Việc hoàn tất thỏa thuận sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần có sự chấp thuận từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

SHB được cho là đang trong giai đoạn tiếp xúc với một cố vấn tài chính để thảo luận và tìm kiếm một đối tác chiến lược phù hợp. Danh tính của các bên liên quan vẫn được giữ kín, nhưng một nguồn tin cho biết, một số nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc tiếp xúc với SHB. Hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của SHB khoảng 1,7 tỷ USD, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn T&T.

Cuối tháng 6, Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (chiếm thị phần lớn thứ 9 trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thương vong tại Việt Nam và thuộc hệ sinh thái T&T - SHB) thông báo đã ký thoả thuận bán 75% cổ phần cho DB Insurance - một trong các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Hàn Quốc.

Tuần trước, HĐQT Ngân hàng SeABank phê duyệt kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,63% số cổ phần hiện có và hơn 3,7% sau khi hoàn thành phát hành, cho một quỹ đầu tư Na Uy (Norfund). SeABank được dự đoán thu về ít nhất hơn 1.200 tỷ đồng từ việc phát hành này.

SeABank là một trong những ngân hàng ít ỏi chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và đây là vấn đề được các cổ đông đề cập thường xuyên những năm gần đây. Năm 2018, cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Société Générale đã thoái hết phần vốn tại SeABank sau một thập kỷ hợp tác.

Một số ngân hàng khác như LPBank, BVBank, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, cũng tiết lộ đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để cùng nhau phát triển.

Liệu ngân hàng Việt có đang bán rẻ?

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn tài chính, Deloitte Việt Nam chia sẻ, các thương vụ mua bán, sáp nhập sẽ giúp ngân hàng tăng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), sẵn sàng cho tăng trưởng và đối phó với sự bất ổn trong thị trường tài chính và nợ xấu cao.

Theo ông Kent Wong, Phó tổng giám đốc, kiêm Trưởng bộ phận Thị trường vốn tại VCI Legal, lợi ích chiến lược của việc có một nhà đầu tư nước ngoài tham gia cơ cấu của ngân hàng Việt Nam là không chỉ giúp cung cấp nguồn vốn, mà còn mang đến kinh nghiệm quản trị quốc tế, cũng như giúp ngân hàng nội tiếp cận thị trường quốc tế và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tốt hơn.

Theo ông Kent Wong, Phó tổng giám đốc, kiêm Trưởng bộ phận Thị trường vốn tại VCI Legal, việc gọi vốn diễn ra khi các ngân hàng Việt muốn gia cố bộ đệm nguồn vốn để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nguy cơ nền kinh tế suy thoái, một phần do lĩnh vực bất động sản vẫn ảm đạm.

Đối với SHB, ông Wong tin rằng, với chiến lược đặt trọng tâm tại thị trường Đông Nam Á, với việc mở rộng ra các quốc gia Đông Dương như Campuchia, Lào và Myanmar, ngân hàng này đang ghi điểm trong mắt nhà đầu tư ngoại. Từ lợi thế này, chiến lược chào bán 20% cổ phần của SHB sẽ thu hút nhà đầu tư ngoại.

“Đặc biệt, nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản có thể hưởng lợi từ việc đầu tư này. Hàn Quốc và Nhật Bản có ‘lịch sử’ thành công trong đầu tư tại Đông Nam Á. Do vậy, việc hợp tác để trở thành nhà đầu tư ngoại tại SHB rất phù hợp với chiến lược kinh tế và chính trị của các tổ chức Nhật Bản hay Hàn Quốc”, ông Wong nói.

Ông Wong cũng ghi nhận, SeABank đang xem xét việc bán một phần cổ phần nhỏ, không vượt quá tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của ngân hàng là 5%, vừa giúp tăng cường vốn và cải thiện thanh khoản của Ngân hàng, vừa tạo ra cơ hội thú vị để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khác.

Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng Việt đang “bán rẻ” cổ phần để có được hậu thuẫn tài chính tốt hơn. Nhưng theo ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, nhà đầu tư Nhật Bản khi rót vốn vào doanh nghiệp hoặc ngân hàng Việt đều định giá công bằng và phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.

“Các tổ chức Nhật có xu hướng đầu tư vào các công ty mục tiêu có chất lượng tốt, hơn là chọn các công ty hoặc ngân hàng đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng có mức giá hấp dẫn. Với lợi thế là lượng dự trữ tiền mặt khổng lồ, các tập đoàn Nhật Bản sẽ ‘xuống tay’ khi thực hiện các giao dịch mà họ cho là phù hợp với định hướng phát triển lâu dài”, ông Masataka “Sam” Yoshida nói.

Khó khăn với các ngân hàng Việt Nam “xuất ngoại”
Ông Kent Wong, Chủ tịch Tiểu ban Pháp chế, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi các ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư