Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM
Lan tỏa tinh thần “Tôi yêu Việt Nam” vì một cuộc sống tốt đẹp hơn
Thanh Hương (thực hiện) - 03/09/2020 08:58
 
Chuyên gia Bùi Kim Thùy quan niệm, nỗ lực làm việc tử tế và truyền được cảm hứng này cho càng nhiều người để họ làm được những việc tích cực thì càng tốt cho Việt Nam.

LTS: Dân tộc Việt Nam có lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng. Ngày 2/9/1945 là một trong những mốc son chói lọi, ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới với tư cách một quốc gia độc lập. Từ đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định sức sống và bản lĩnh Việt Nam trong công cuộc Đổi mới, hội nhập, khẳng định vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế.

Trong cuộc chiến Covid-19 khiến bao cường quốc chao đảo, Việt Nam tiếp tục nổi lên là điểm sáng, với bản lĩnh và sáng tạo, kiên cường và nhân văn, vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, để một lần nữa, hai tiếng Việt Nam lại vang lên tự hào trong mỗi người Việt Nam và tự đáy lòng cảm phục của bạn bè quốc tế.

Nhân kỷ niệm 75 Quốc khánh, Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu những chia sẻ tâm huyết, những suy tư, trăn trở, những ấp ủ và hành động, những xúc cảm dâng trào hướng về Tổ quốc, với niềm tự hào "được là người Việt Nam". 

*

*        *

Động lực tham gia sáng lập và hỗ trợ quá trình phát triển của Học viện Lãnh đạo hay các chương trình giáo dục khác của Bùi Kim Thuỳ nghe khá đơn giản khi nhắc tới “giáo dục là gốc rễ của mọi vấn đề”. Tuy nhiên đây lại chính là đúc kết của từ cả quá trình học tập và làm việc miệt mài trong những môi trường khắc nghiệt, tham gia xử lý hàng núi công việc hậu trường của nhiều chương trình lớn chỉ với tâm niệm “vì một Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn”.

.
Bà Bùi Kim Thùy (áo trắng) tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

KHI YÊU NƯỚC, HÃY BIẾN THÀNH HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC

Nhiều người thắc mắc đâu là động lực để Thuỳ dành nhiều tâm huyết cho công việc giáo dục, thậm chí tham gia sáng lập một Học viện trong khi công việc của Thuỳ rất bận rộn, nhất là mới đây lại được bổ nhiệm vị trí Đại diện Cấp cao của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN?

Đơn giản vì tôi nhận thấy gốc rễ của mọi vấn đề, của nền kinh tế hay mọi thể chế vẫn là giáo dục. Ở đây xin đừng hiểu giáo dục theo nghĩa hẹp, chỉ nằm trong khuôn viên trường, dù đó là những ngôi trường danh tiếng như Harvard Kennedy, Trường chính sách Công Lý Quang Diệu hay trường Ngoại giao. 

Khi nhìn thấy căn nguyên là giáo dục và cũng không thể thay đổi ngay lập tức toàn bộ nền giáo dục của Việt Nam, bởi đó là công việc cần nhiều thời gian và công sức thì ít nhất mình cũng có thể nuôi dưỡng các tài năng và mầm non trong bầu đất mà mình vun trồng và cho vào đó các dưỡng chất (không thuần tuý là tài chính), nhằm góp phần nhỏ bé đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ có học mà còn có hành. 

Khi thế hệ này được trang bị một cách sâu sắc, có hiểu biết, có định hướng với tinh thần nếu yêu nước thì bất kể bạn định cư ở đâu cũng đều có cách để hiện thực hoá thành hành động. 

Chúng tôi muốn các bạn ấy hiểu rằng, tình yêu nước rất thiêng liêng và khi yêu xin hãy biến thành hành động tích cực. Có thể không nhất thiết phải trở thành Đảng viên mới có những đóng góp tích cực cho xã hội, cũng không nhất thiết phải ngồi ở Việt Nam mới đóng góp được cho Việt Nam tốt lên từng ngày, bởi nền kinh tế và công nghệ hiện nay đã làm nhoà lằn ranh biên giới mềm giữa các quốc gia. 

Rất mừng là các bạn trẻ hiểu vấn đề, bởi chỉ có hiểu thì mới có phương án thích hợp.

.
"Tri thức chỉ thực sự trở thành sức mạnh nếu chuyển hóa tri thức thành hành động" - chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy

Là người giảng mở đầu cho khoá 1 của Học viện Lãnh đạo ABG, trước những người trẻ nhưng đều đã có thành tích xuất sắc trong học tập và công việc trước đó, Thuỳ đã chọn chủ đề nào để khơi dậy khát vọng cống hiến vì một Việt Nam tốt đẹp hơn ở các bạn trẻ nhưng không phải theo hướng sáo, chỉ nói suông? 

Khóa học bắt đầu đúng lúc thế giới đang chứng kiến cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn dâng cao, dịch bệnh Covid tràn tới, còn tại Việt Nam - mong muốn đóng vai trò nhất định trong quá trình dịch chuyển của chuỗi cung ứng thế giới, hay khát vọng Make in Việt Nam đang bùng cháy, cùng với các FTA mới được ký kết và thực hiện gần đây, nên bài nói chuyện của tôi đã nhấn mạnh vào thực tế hoạt động của hệ thống thương mại quốc tế, các quan hệ làm ăn khi những cuộc thương chiến nổ ra hay cơ hội cho Việt Nam… 

Điều tôi muốn truyền tải tới các bạn trẻ là việc, Việt Nam sẽ không dễ dàng đón nhận được các luồng đầu tư mới theo cách nhiều người đang tư duy và kỳ vọng rằng sẽ có sự chuyển dịch của các ông lớn tới Việt Nam.

Các bạn trẻ trước khi tới Học viện vốn đã rất giỏi ở những khía cạnh mà các bạn ấy đang hoạt động, học tập rồi, giờ đây với sự chia sẻ có sẵn từ các anh chị có nhiều trải nghiệm thực tế hơn mà không nhất thiết phải là giảng viên hay thày giáo, hy vọng các em sẽ ra đời lần 2 tự tin hơn, mạnh dạn hơn, dũng cảm hơn để nhảy lại vào cuộc đời, đóng góp cho Việt Nam mỗi ngày tốt đẹp hơn, thay vì ngồi bàn phím và bình luận chưa chính xác những điều mà các em chưa hiểu hết trước đó.

.
Bà Bùi Kim Thùy (áo trắng) và Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (thứ hai từ phải qua) tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

“Học phải đi đôi với hành để không trở thành lý thuyết suông và giáo điều” thì ai cũng hiểu nhưng để làm được trong thực tế thì không hề dễ…

Trong quá trình học tập ở các môi trường bên ngoài Việt Nam như Trường Chính sách công Lý Quang Diệu hay Harvard Kennedy, tôi nhận thấy tính thực tiễn rất được coi trọng trong quá trình truyền dạy kiến thức nhằm đào tạo ra những người xuất chúng nhưng phải thực tế, chứ không chỉ là cái máy và giáo điều. 

Không đâu xa, ngay trong khu vực ASEAN, chúng ta nhìn sang Singapore sẽ thấy rõ mô hình này. Người Singapore có 3 từ rất ý nghĩa là MPH. 

M - Meritocracy, nghĩa là người tài phải được đặt đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ và phải trọng dụng thì mới tối ưu hoá được nguồn lực quốc gia. Cần đặt người cụ thể vào vị trí cụ thể để phát huy được hết ưu điểm, sở trường thay vì làm sở đoản. 

Bởi vì phát huy được đúng người, đúng việc, đúng nơi, đúng lúc nên Singapore đã tiến rất nhanh, from Zero to Hero chỉ trong 35 năm, tính từ khi lập quốc - năm 1965, đến lúc Singapore dẫn đầu thế giới trong nhiều chỉ số vào năm 2000. 

Chúng ta muốn tiến nhanh và tiến xa thì tiêu chí đầu tiên chính là người tài phải được đặt đúng vị trí để phát huy được sở trường của họ. Đây cũng chả phải là phát kiến gì mới mẻ của Singapore mà họ cũng chỉ đi lại những điều mà các nước văn minh, những người lãnh đạo đỉnh cao đã làm với quốc gia của mình để đưa đất nước tiến lên.

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay lại có không ít người đang bị và phải làm những việc không phải sở trường. Nghĩa là “làm được” với “được làm” ở Việt Nam chưa gặp nhau tại một điểm và trong một con người nên đã chưa thể tối ưu hoá được nguồn lực, phát huy hết sở trường. 

Chữ P - Pragmatism, tính thực tiễn. Không ở đâu tính thực tiễn, nhìn thẳng vào thực tế lại được người Singapore áp dụng triệt để và điều này thể hiện trong câu “Think Economic - Talk Economic - Do Economic” nghĩa là “Có tư duy kinh tế - Nói ngôn ngữ kinh tế - Làm một cách kinh tế”. 

Những điều này phải logic, xâu chuỗi xuyên suốt và nhất quán.  Nghĩa là lời nói và hành động của người làm kinh tế không thể lý thuyết suông và xa xời thực tế, dẫn tới tạo ra chính sách trong phòng lạnh, khiến có  một số văn bản quy phạm pháp luật ra đời chỉ 1 thời gian ngắn đã bị người dân và cộng đồng doanh nghiệp phản đối vì ko gần với thực tế. Người Singapore có tính thực tiễn rất cao, và nhờ vậy đã rút ngắn được thời gian ngồi nói lý thuyết để hành động với suy nghĩ nhất quán. 

Cuối cùng là H - Honesty, tính trung thực còn được hiểu là sự liêm chính, chính nghĩa. Không có nơi nào tuyệt đối không có tham nhũng nhưng Singapore có tỷ lệ tham những gần như thấp nhất thế giới, độ minh bạch hoá cao nhất thế giới và người dân được tiếp cận với chính sách công rất cao. 

Giờ đây Singapore đã vươn lên đứng top đầu không chỉ về chỉ số xanh, đẹp mà còn trở thành Trung tâm tài chính ngân hàng của thế giới. 

Để đạt được kết quả này, những người lãnh đạo Singapore đã xây dựng, dẫn dắt nền giáo dục của họ vươn lên hàng đầu thế giới. Trường Đại học Quốc gia Singapore NUS đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng toàn cầu, đứng nhất trong bảng xếp hạng châu Á và một số ngành học của trường được đánh giá tốt nhất không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.

Đầu tư vào tri thức là khoản đầu tư đem lại lãi suất cao nhất. Nói “Tri thức là sức mạnh” là chưa đủ. Tri thức chỉ thực sự trở thành sức mạnh nếu chuyển hóa tri thức thành hành động. Kết quả của hành động là các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao là sự phản ánh chuẩn xác nhất kết quả của việc đầu tư vào tri thức.

Chuyên gia Bùi Kim Thùy

Ví dụ khác là Trường chính sách công Lý Quang Diệu hiện đứng top 3 thế giới về đào tạo chính sách công nhưng được đánh giá rất cao ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương vì học viên sau khi học xong có thể áp dụng được ở ngay quốc gia của mình. 

Tại ABG, đối tượng tuyển sinh là những bạn đã đi làm, phải có những thành tích nổi trội trong công việc hiện tại, tuổi từ 22-33, chúng tôi ưu tiên các bạn trẻ từ khu vực công và từ các địa phương chứ không chỉ ở các thành phố lớn của Việt Nam. Các bạn sẽ được các giảng viên và những chuyên gia trang bị thêm kiến thức không chỉ là lý thuyết mà nhiều vấn đề rất thực tế để có thể đóng góp các ý kiến của mình vào các chính sách, giúp chính sách được tạo ra thiết thực, mang hơi thở của cuộc sống. 

Dĩ nhiên, chính sách không có gì hoàn hảo và tuyệt đối, chỉ có là đối tượng thụ hưởng chính sách đông hơn thì đó là một chính sách tốt và mong muốn đóng góp của tôi với giáo dục chính là để đối tượng thụ hưởng chính sách đông hơn đối tượng chịu đựng chính sách.

THU HÚT ĐẦU TƯ, XIN ĐỪNG NHÌN VÀO SIZE, KÍCH CỠ

Làm việc nhiều với giới doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Mỹ, Thuỳ nhìn nhận cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng hoạt động, đầu tư tại Việt Nam hiện nay ra sao? Nhất là khi cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?

Trong quá trình được các nhà đầu tư tham vấn tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam tôi nhận ra rằng, không được ham và tham, mà phải nói đúng thì mới có lợi cho ta và cho nhà đầu tư. Các địa phương cũng vậy, xin đừng chỉ săn đón nhà đầu tư mà hãy take care các nhà môi giới đầu tư để nói đúng thì nhà đầu tư đến sẽ nhanh tiếp cận được nguồn lực. Còn nếu không, dù đón cả trăm đoàn nhưng vẫn không chắc đã đậu được ai. 

Trong quá trình làm việc với cơ quan hữu trách, tôi cũng nhận thấy các bên cần phải không ngừng học hỏi để hiểu các vấn đề mới đang phát sinh hàng ngày trong bối cảnh nền kinh tế số như hiện nay và sau đó lượng hoá vào trong các quyết định, các văn bản quy phạm pháp luật để nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mới mong khuyến khích được nhà đầu tư vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. 

Thu hút đầu tư bên ngoài cũng xin đừng nhấn vào size/ kích cỡ bởi như thế có thể khiến cho các nhà đầu tư nhỏ chạnh lòng.

.
Bà Bùi Kim Thùy (áo trắng, thứ 6 từ trái qua) và một số bạn trẻ của Học viện lãnh đạo ABG tại sự kiện kỷ niệm 35 năm thành lập Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

Số hoá đang là xu hướng của thế giới, Việt Nam có thể tiếp cận được vấn đề này theo cách đi tắt, đón đầu được không?

Trong thể giới phẳng, nhờ số hoá như hiện nay thì việc định hướng không chỉ nên là “đầu tư vào Việt Nam” mà nên là “đầu tư cho Việt Nam”.

Nhìn vào danh sách top 10 thương hiệu thế giới hiện nay sẽ thấy có 8 thương hiệu đến từ Mỹ và 2 thương hiệu đến từ Trung Quốc. Trong số 8 thương hiệu đến từ Mỹ thì cũng chỉ có 1 thương hiệu là Mc Donald là có sản phẩm hữu hình, còn lại 7 thương hiệu đều là số, cũng như 2 thương hiệu của Trung Quốc trong danh sách này là Alibaba và Tencent. 

Với thực tế Số đang định vị lại toàn bộ nền kinh tế thế giới, định vị được vị thế của quốc gia nên không nên làm tổ đón đại bàng như cách chúng ta đang nhắc tới bởi số không hiện hữu bằng nhà máy to với diện tích lớn hay số lượng lao động đếm theo đầu người và cũng không dễ để đo lường/ tính toán được họ đã làm được gì cho Việt Nam. 

Đơn cử như một thị trường nhỏ như Việt Nam có thể chỉ cần 400 kỹ thuật viên nhưng bởi triển vọng kinh doanh nên có những công ty công nghệ đã thuê tới gấp 4 lần số kỹ thuật viên nói trên. Hay như Amazon liên tục đào tạo offline và online miễn phí cho hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam về phương thức kinh doanh trên nền tảng số để bán được hàng trên Amazon…

Giờ đây trụ cột của nền kinh tế ở nhiều nơi là số - năng lượng xanh, sạch - hạ tầng cơ sở… Vì vậy, xin đừng đòi hỏi đầu tư nhà máy, ống khói cao vút, mấy trăm ha, mấy nghìn công nhân, bởi đó không phải là cốt yếu của nền kinh tế Mỹ. Chưa kể nhiều công ty Mỹ phân bổ nguồn lực đầu tư vào Việt Nam thông qua các thị trường như Hongkong, Singapore….

Quay trở lại với Việt Nam, mà cụ thể là EVFTA, chị đã nhìn thấy sự tận dụng của các doanh nghiệp Việt Nam ra sao đối với cơ hội mới này?

Như đã từng chia sẻ, cơ hội tuy được mở ra nhưng kèm theo là các thách thức cũng không nhỏ và nếu không có quyết tâm thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó lòng xoay chuyển tình thế hiện nay. 

Dệt may và da giày vẫn là những ngành được cho là có nhiều cơ hội, nhưng nếu chỉ gia công thì lại chủ yếu dùng nguyên liệu từ bên ngoài EVFTA và không gia tăng được nhiều trong giá trị của thành phẩm khi xuất sang EU.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy đã có những doanh nghiệp Việt Nam chọn lối khó với quyết tâm cao. Giovanni là ví dụ. Đây đang là công ty duy nhất ở ASEAN dùng tới 70% nguyên liệu từ EU, nhân lực gồm cả người châu Âu và Việt Nam. Họ đang dùng các nguyên liệu đầu vào được cung cấp cho Hugo Boss hay Gucci; sử dụng nhà thiết kế đến từ Ý, từng thiết kế cho các thương hiệu nổi tiếng; các chuyên gia cũng đến từ Ý để đào tạo liên tục từ 6 tháng tới 1 năm nhằm tạo ra những người thợ Việt Nam lành nghề. 

Hiện Giovanni cũng đang làm chuyển đổi số để giúp công khai truy xuất nguồn gốc chính xác thông qua tem sản phẩm. Chỉ cần quét mã sản phẩm, khách hàng sẽ biết cụ thể và chính xác từng chi tiết như chỉ, vải, da, khóa móc của nhà sản xuất nào cung cấp. Hiện cũng chưa có doanh nghiệp sản xuất nào của Việt Nam nào dám làm tới mức này, đây cũng bởi trong quá khứ Giovanni đã phải đương đầu xử lý một số thông tin chưa chính xác về nguồn nguyên phụ liệu. 

Việc thuê nhà thiết kế Ý, chuyên gia Ý trong quá trình tạo ra những sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu này cũng giống như cách mà một thương hiệu rất nổi tiếng của Hàn Quốc là Hyundai đã từng làm khi thuê nhà thiết kế Mỹ, quản lý người Mỹ khi muốn bán hàng vào thị trường Mỹ. Hyundai nhờ vậy đã thành công bởi có hơi thở Mỹ trong sản phẩm và đã đạt danh hiệu thương hiệu xe bán tốt nhất ở Mỹ vào năm 2012. 

Với cách đi này, thương hiệu Giovani đi sang châu Âu sẽ được hưởng ưu đãi xuất xứ từ EVFTA và chúng ta có thể tin rằng thời trang Việt Nam đi ra thế giới có linh hồn Việt Nam nhưng thấm đẫm hơi thở, tinh thần Ý/ châu Âu.

TÔI CHỌN CÁCH XẮN TAY ÁO LÊN VÀ LÀM

Nhiều người có cái nhìn không mấy tích cực về giáo dục Việt Nam, còn chị thì sao?

Có rất nhiều người chọn việc nhẹ nhàng khi chỉ thích phàn nàn, chê trách hay liên tục đánh giá sai lệch về giáo dục Việt Nam. Tôi thì chọn cách xắn tay áo lên và làm, đau đáu với điều đó nhưng phải tìm ra cách để giải quyết vấn đề và đó chính là để góp phần đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam với mong muốn vì một Việt Nam tươi sáng hơn mỗi ngày, vì một Việt Nam tử tế hơn mỗi ngày.

Càng ngày càng thấy giáo dục là quan trọng, nhưng đó không phải là giáo dục bó hẹp trong trường học cụ thể, hàn lâm mà là giáo dục thực tiễn như thế nào? Không phải nhồi nhét mà phải là chung tay cùng làm. Nếu cứ thờ ơ, phàn nàn và không có những giải pháp cụ thể, sáng suốt thì không thể hy vọng xã hội tốt lên.

Tôi cho rằng, trường đời quan trọng hơn nhiều. Trường đời không ngừng dạy dỗ, dội nước vào ta mỗi ngày và cách mà các học viên, sinh viên tiếp thu trường đời hàng ngày để hấp thụ và lớn lên sẽ khác nhau. Nhưng trường đời không ngừng dạy và ta không ngừng học. Ai ngừng học là chết và khi học ta phát hiện ra càng học càng trẻ, dừng học là bị già.

Các cá nhân phải sống trong môi trường bình thường nhất để trưởng thành chứ không phải trong môi trường nhung lụa để trở thành xuất chúng. Người tài không phải chỉ xuất hiện ở chỗ có điều kiện, giàu có. Nhiều người xuất chúng đến từ môi trường phổ thông, bình dân và họ trưởng thành trong khó khăn với những ý chí và kỹ năng xuất chúng bởi nếu không trường đời đã nhấn chìm họ.

Khi vây xung quanh bởi một số điều xấu, tiêu cực, bi quan thì thờ ơ, im lặng nghĩa là đồng loã với những điều đang diễn ra và nếu ở quá lâu trong môi trường đó sẽ dễ bị bào mòn cả liêm sỉ lẫn lòng tự trọng. Bởi vậy mình nỗ lực làm việc tử tế và truyền được cảm hứng này được cho ngày càng nhiều người để làm được những việc tích cực thì càng tốt cho Việt Nam.

Nếu tự “chấm điểm” bản thân, theo thang điểm 10, chị sẽ cho mình mấy điểm?

Tôi tự đánh giá mình là 8 điểm. Nếu ai đó cho 5-6 điểm thì xin phép không nhận vì đó không phải là mình, còn cho 9-10 điểm thì tôi cũng không nhận vì mình chưa được như vậy. Chọn mức 8 bởi như Steve Job nói “stay hungry, stay foolish”, nghĩa là khao khát học hỏi, khao khát tìm hiểu cái mới và không dừng lại được việc học mỗi ngày. Mình khao khát học hỏi, có động lực để vươn đến điểm 9 – 10, vì không biết điểm 9 - 10 ở đâu nên lúc nào cũng cố gắng. Tôi chỉ có một bài học lớn: Đó là không ngừng học mỗi ngày.

Tôi luôn tâm niệm, không ai, không cái gì có thể làm được cho mình buồn ngoại trừ chính mình cảm thấy việc đó là đáng buồn. Mình không vì ai nói xấu, làm điều gì đó ác với mình hay bị ngoại cảnh tác động. Tôi luôn luôn tích cực và lạc quan trong mọi việc.

Sống và làm việc tại Việt Nam là điều vô cùng hạnh phúc
Về Việt Nam, tôi vừa có thể giúp đất nước phát triển, vừa có thể phát triển nghề nghiệp, ứng dụng những kinh nghiệm thực tiễn đã thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư