Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lạng Sơn tăng cường thu hút đầu tư
H.N - 23/10/2020 20:20
 
Với mục tiêu phấn đấu trở thành nền kinh tế động lực chủ đạo vùng Đông Bắc, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực đầu tư hạ tầng, tận dụng tối đa tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư.

Năm 2019, Lạng Sơn là “điểm đến thành công của nhà đầu tư” với 102 dự án ký kết Biên bản ghi nhớ, tổng nguồn vốn đăng ký hơn 105.000 tỷ đồng.

Hạ tầng hoàn thiện, chính sách ưu đãi thông thoáng là lợi thế để Lạng Sơn thu hút đầu tư.
Hạ tầng hoàn thiện, chính sách ưu đãi thông thoáng là lợi thế để Lạng Sơn thu hút đầu tư.

Điểm đến nhiều tiềm năng

Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Bắc, có biên giới tiếp giáp với Quảng Tây (Trung Quốc); có hệ thống cửa khẩu, mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt thuận tiện... là một trong những tỉnh có vị trí đắc địa, đầu cầu quan trọng kết nối khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thời gian qua, Lạng Sơn đã đầu tư hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cửa khẩu, khu kinh tế...

Ngày 19/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1797/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục dự án thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2025, gồm 37 dự án thuộc các lĩnh vực: hạ tầng công nghiệp; hạ tầng giao thông đô thị - xã hội; thương mại, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp - lâm nghiệp - nông thôn và lĩnh vực khác. Trong đó, có 21 dự án thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Đối với hệ thống đường tỉnh, Lạng Sơn cũng đã cân đối bố trí vốn hợp lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu để mở rộng cấp đường, đầu tư nâng cấp mặt đường đối với các tuyến trọng điểm, các tuyến phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, cũng như phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các tuyến quốc lộ cũng được Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ bố trí kinh phí để đầu tư cải tạo nâng cấp, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Các tuyến còn lại tỉnh đều bố trí kinh phí sửa chữa, mở rộng mặt đường, cải tạo các điểm đen, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, trong giai đoạn 2019 - 2025, Lạng Sơn ưu tiên thu hút đầu tư đối với dự án thuộc các lĩnh vực: logistics và kinh tế cửa khẩu; xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển du lịch. Đồng thời, cam kết tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Lạng Sơn đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 300 doanh nghiệp có mức vốn trên 100 tỷ đồng, trong đó 8-10 doanh nghiệp có mức vốn từ 500-1.000 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp trong tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt trên 40%.

Hứa hẹn bứt phá

Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều đề án, chính sách nhằm tạo đột phá trong phát triển. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường đối thoại, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

Lạng Sơn đã tổ chức tiếp xúc, làm việc, mời gọi một số nhà đầu tư chiến lược, uy tín. Hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Lạng Sơn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, phát triển lâu dài và thịnh vượng.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, Lạng Sơn đã đề ra 3 chương trình trọng tâm đột phá là: phát triển kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, những năm qua, tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 8-9%; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng đạt 7,63%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.383 tỷ đồng, tăng 16,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 4.750 triệu USD; GRDP bình quân đầu người đạt 43,4 triệu đồng.

Năm 2019 cũng là năm hoạt động xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả nhất từ trước đến nay của Lạng Sơn. Trong năm 2019, Lạng Sơn có 102 dự án được ký kết biên bản ghi nhớ, quyết định chủ trương đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 105.000 tỷ đồng. Lạng Sơn đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 8.112 tỷ đồng; thành lập mới khoảng 390 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã. UBND tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 25 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 60.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, Lạng Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm như tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; tiếp tục đảm bảo thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất nhập khẩu...

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2020; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ nông - lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng; đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Động thổ cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn quy mô vốn 20.900 tỷ đồng
Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115 km là công trình động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư