Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lạng Sơn: Ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển sản phẩm chủ lực
Thùy Linh - 14/12/2020 11:12
 
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương.
.
Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 16 sản phẩm đặc sản địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Nhiều ứng dụng khoa học - công nghệ được triển khai

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đã bám sát mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được triển khai đồng bộ. Công tác quản lý khoa học và công nghệ có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hầu hết sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: hoa hồi, hồng, na, quýt, thạch đen, cao khô, khoai lang, ba kích… đều có đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ, từ khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, đến chế biến sau thu hoạch và xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa…, giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 16 sản phẩm đặc sản địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (2 chỉ dẫn địa lý, 13 nhãn hiệu tập thể và 1 nhãn hiệu chứng nhận).

Năm 2019, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ (xã Hữu Lễ) được xếp hạng 3 sao, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện mỗi năm, xã Hữu Lễ sản xuất hơn 120.000 lít rượu cung cấp ra thị trường.

Được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sau khi xác định các sản phẩm chủ lực cũng như cá nhân, tập thể sở hữu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã tổ chức tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho từng chủ thể về hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị xếp hạng. Các chủ thể tham gia Chương trình được hỗ trợ bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn) cho biết, công tác xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đã được HĐND tỉnh quan tâm, thông qua việc ban hành Nghị quyết số 08 ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Nâng cao giá trị nông sản

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn sẽ triển khai kế hoạch xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với 3 dự án; hỗ trợ xác lập sở hữu trí tuệ đối với 15 dự án nhằm nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh, từng bước hướng tới xuất khẩu.

Về giải pháp phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, sẽ xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sinh học; bảo tồn nguồn gen; công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch; chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng…

Cùng với đó, tỉnh sẽ hỗ trợ nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; nghiên cứu bảo tồn và phát triển các cây trồng bản địa, hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Để triển khai hiệu quả các kế hoạch đặt ra, tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ địa phương triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa...

Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn chia sẻ, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều đặc thù, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nên mặc dù lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được quan tâm, có chuyển biến, nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra. Hàm lượng khoa học và công nghệ trên các sản phẩm còn thấp.

Do vậy, bên cạnh việc đề nghị các sở, ban, ngành cần có những nghiên cứu, đề xuất phù hợp với đặc thù của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn thêm cho tỉnh phát triển một số sản phẩm chủ lực, đưa khoa học và công nghệ thành lĩnh vực mũi nhọn, lựa chọn mô hình có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn lồng ghép hiệu quả chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ một lần 100% kinh phí (tối đa không quá 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân); hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; nhãn hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ; cơ sở được công nhận nhãn hiệu (không quá 100 triệu đồng/cơ sở). Đây là điều kiện thuận lợi để các huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản (theo Nghị quyết số 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh).
Lạng Sơn làm giàu bền vững từ tài nguyên xanh
Là tỉnh có hơn 80% diện tích là đất lâm nghiệp, những năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư