Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Lãnh đạo Quảng Ninh sẵn sàng tiếp doanh nghiệp ngoài giờ hành chính
Thu Lê - 09/07/2015 16:43
 
Sáng nay, 9/7, Hội nghị gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp định kỳ 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra, với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, đơn vị được phân công là đầu mối tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đến hết ngày 7/7/2015, Ban tổ chức đã tiếp nhận 64 kiến nghị của doanh nghiệp.

Trong đó, nhóm kiến nghị của các doanh nghiệp thuộc ngành than là chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 23 đề xuất, kiến nghị. Tiếp đó là nhóm kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách về đất đai (đền bù giải phóng mặt bằng, thuê đất ) với 21 ý kiến. Còn lại là các kiến nghị liên quan đến quản lý tài nguyên môi trường, thủ tục hành chính, giao thông, quản lý tài nguyên khoáng sản, lao động, thuế…  

Các vấn đề này đã được các sở, ban ngành liên quan trả lời bằng văn bản và không có doanh nghiệp nào thắc mắc hay có ý kiến không đồng tình về những lý giải hay giải đáp đó tại hội nghị.

 

Trong hội nghị, tiếp tục có 12 ý kiến, kiến nghị được đại diện doanh nghiệp trình bày đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp ghi nhận. Với những vấn đề có thể giải đáp ngay, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu đại diện các đơn vị liên quan  trả lời.

Công ty TNHH Đông Thăng, đơn vị có dự án tại TP Móng Cái kiến nghị về việc chưa được hoàn thuế. Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ninh cho hay, tháng 6/2008, đơn vị này đã được hoàn thuế với giá trị là hơn 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp Đông Thăng vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình. Dư nợ thuế đến hiện tại của Đông Thăng đã là khoảng 9 tỷ đồng.

Đề nghị giãn nợ cũng của Đông Thăng được Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam tỉnh Quảng Ninh giải đáp trực tiếp. Theo đó, khoản nợ (gốc và lãi) 85 tỷ đồng của Đông Thăng là vay tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam tại Móng Cái. Theo báo cáo của chi nhánh này thì khoản nợ của Đông Thăng đã được bán lại cho VAMC.

Công ty Nhiệt điện Thăng Long tại huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh nêu ý kiền về việc 14 hộ dân đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, đã ký biên bản bàn giao nhưng không bàn giao đất trên thực địa, khiến Công ty bị chậm về tiến độ triển khai dự án. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ có ý kiến phản hồi với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại diện của lãnh đạo huyện này không có ai có mặt. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê bình lãnh đạo huyện Hoành Bồ ngay tại Hội nghị và yêu cầu đến ngày 15/7 này, huyện Hoành Bồ phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp và báo cáo lại UBND tỉnh.

Cũng liên quan đến vấn đề mặt bằng, Đại diện Công ty Dầu thực vật Cái Lân có kiến nghị, đã 6 năm nay, Công ty chưa được bàn giao mặt bằng 6 ha để tiến hành đầu tư mở rộng dự án. Giải đáp kiến nghị này, Chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết: “Ngày 6/10/2014, Thành phố đã tiến hành bàn giao mặt bằng sạch và cũng đã 2 lần phê duyệt kế hoạch bảo vệ mặt bằng đã bàn giao này cho Công ty. Tuy nhiên, khu vực đất rộng 6ha bàn giao cho công ty thường xuyên bị một nhóm đối tượng côn đồ tái lấn chiếm, khiến nhà đầu tư khó khăn thực hiện dự án. Đối tượng này cũng vừa mới được đưa ra xét xử”.

Để doanh nghiệp yên tâm hơn, ông Long tiếp tục yêu cầu lãnh đạo thành phố Hạ Long kiểm tra lại thực trạng khu đất và báo cáo lại tỉnh trước ngày 15/7 tới.

Công ty TNHH MTV Môi trường Hải Hà (huyện Hải Hà) đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để mua xe vận chuyển vệ sinh cho khu vực các xã trên địa bàn. Hiện nay huyện Hải Hà đã hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục vay vốn ngân hàng mua xe ép rác.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long một lần nữa khẳng định, việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt trong mọi chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

“Đối với Quảng Ninh, doanh nghiệp, nhà đầu tư mới là những người tạo nên diện mạo đô thị xanh, sạch đẹp, vùng đất nên đến và đáng sống của Quảng Ninh hôm nay. Do vậy, những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chính là những khó khăn vướng mắc của chúng tôi”, ông Long nói.

Được biết, để có thể giải quyết kịp thời và triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý với đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh về việc làm việc với Hiệp hội vào một số buổi chiều, sau giờ làm việc, hoặc vào ngày cuối tuần theo nhóm vấn đề. Giải quyết xong nhóm vấn đề này thì sẽ tới vấn đề khác.

Ông Hoàng Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua phản ánh và sau các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp của tỉnh, nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đã được tỉnh tháo gỡ, như: vấn đề vay vốn của các ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh, gỡ vướng mắc về quy hoạch, tiền ký quỹ...

 Chính những hành động cụ thể, quyết liệt trong việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như cải thiện thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu đầu tư, hoàn thiện thủ tục và cả trong quá trình đầu tư,... đã giúp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt của cả nước.

Hiệu quả của việc đồng hành này còn thể hiện ở kết quả hoạt động doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, hết tháng 6, trên địa bàn tỉnh đã có 516 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 6.548 tỷ đồng, tăng 40% về số doanh nghiệp và tăng 187,8 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp này cũng đã tạo ra khoảng 5.660 lao động, tăng  64 % so với cùng kỳ năm trước.

Tính lũy kế, đến nay, Quảng Ninh có 10.809 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Trong đó có 7.210 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế (66,6%). Số doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động đã quay lại hoạt động là 165 doanh nghiệp, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm dừng, dừng hoạt động đã giảm 6,4% so với cùng kỳ (256 doanh nghiệp). Các doanh nghiệp này đều có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.
Kết quả thu hút đầu tư trong 6 tháng đầu năm của tỉnh cũng rất ấn tượng, với tổng số vốn cả đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn là 28.031 tỷ đồng (trên 1.334 triệu USD), tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ(28.031/13.285 tỷ đồng). Trong đó, có hai dự án DDI lớn đầu tư vào hạ tầng giao thông của tỉnh. Đố là dự án sân bay Vân Đồn với vốn đăng ký 6.759 tỷ đồng và Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương vốn đăng ký 10.062 tỷ đồng.
Đầu tư sinh lời với bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh
Khi nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu về chất lượng nhà ở cũng như nhu cầu nghỉ dưỡng cũng theo đó mà ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư