Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản
Anh Trung - 22/09/2016 14:32
 
Sáng nay 22/9, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức "Đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng" do Phó Chủ tịch UBND Hồ Kỳ Minh chủ trì.

Buổi đối thoại đã trở thành diễn đàn thường niên để chính quyền thành phố gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm lắng nghe và giải quyêt những kiến nghị, vướng mắc và đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI Nhật Bản vào Đà Nẵng trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đánh giá, dù những đóng góp của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản vào sự phát triển của thành phố thời gian qua là rất đáng kể nhưng việc thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của TP. Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn luôn là điều trăn trở của chính quyền thành phố.

Vị Phó Chủ tịch hi vọng qua diễn đàn, chính quyền thành phố sẽ giải đáp kịp thời các khúc mắc của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, để nhà đầu tư và người lao động có thể yên tâm sản xuất, góp phần kiến tạo một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản,

Tại buổi Đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra 23 kiến nghị, đề xuất tập trung vào các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng; thủ tục hành chính, chính sách pháp luật; lao động và 10 góp ý liên quan đến cảnh quan đô thị, môi trường sống của TP. Đà Nẵng. Các vấn đề được nêu ra đều rất thiết thực và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi nhà đầu tư và đời sống hàng nghìn các bộ công nhân viên.

Các vấn đề này được các cơ quan chức năng có liên quan giải đáp thẳng thắn và cam kết giải quyết trong thời gian ngắn nhất đối với những tồn đọng. Cụ thể, với một số vấn đề được nhiều đại diện doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm như việc thiếu hụt các cơ sở mẫu giáo, mầm non quanh các khu công nghiệp, khiến nhiều lao động nữ phải nghỉ làm trông con, dẫn đến việc doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn lao động, chính quyền thành phố cho biết hiện tại đang gấp rút triển khai đề án thay đổi công năng một số tòa nhà quanh khu công nghiệp để chuyển đổi thành nhà ở và nhà trẻ cho các cán bộ công nhân viên.

Với tuyến đường Nguyễn Tất Thành kéo dài đi qua nhiều khu công nghiệp, đáng ra phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 3/2016, tuy nhiên do việc giải phóng mặt bằng gặp một số khó khăn nên còn gần 100 hộ chưa được giải phóng. Chính quyền thành phố cam kết sẽ bàn giao mặt bằng sạch trong tháng 10/2016, và hoàn thành tuyến đường vào tháng 3/2017…

Thành phố cũng thông tin cụ thể tới các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư về kế hoạch xây dựng Cảng Liên Chiểu, kế hoạch xây dựng tuyến hành lang kinh tế đông – tây số 2 nối liền các khu kinh tế của Đông Dương và Đà Nẵng với Bangkok, Thái Lan.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP. Đà Nẵng đã giới thiệu một số cơ hội đầu tư mới tại thành phố và kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia. Trong đó đáng chú ý có Dự án Trung tâm Logistics đầu tiên của Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam với số vốn dự kiến 64,5 triệu USD, hình thức liên doanh với công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài có thể lên đến 50%, thời gian hoạt động trong 50 năm; dự án Khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi theo chuẩn Nhật Bản với số vốn dự kiến 95 triệu USD, hoạt động trong 50 năm; dự án Bệnh viện quốc tế với số vốn dự kiến 35-50 triệu USD, hoạt động trong 50 năm…

Nhiều ưu đãi đối với Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực ICT tại Đà Nẵng
Sáng nay (08/9/2016), tại TP Đà Nẵng, Hội thảo Hợp tác Đầu tư công nghệ Thông tin và truyền thông Nhật Bản – Đà Nẵng đã chính thức diễn ra....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư