Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lao động sau Tết: Đến hẹn... không lên
Gia Huy - 18/02/2016 07:54
 
Sáng ngày 15/2 (tức ngày mùng 8 Tết Âm lịch), hầu hết các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại, tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, rất nhiều lao động vẫn… còn ở quê ăn Tết! Thậm chí, một số lao động sau khi nhận lương và thưởng Tết đã nộp đơn xin nghỉ việc, khiến các doanh nghiệp phải bấn loạn ngay trong những ngày đầu năm.

Đăng tuyển lao động sau Tết: Nỗi vất vả thường niên!

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, sau Tết Nguyên đán, TP.HCM thiếu khoảng 19.000 lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Còn tại Đồng Nai, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh này cũng thông báo, các doanh nghiệp tại tỉnh đang thiếu khoảng 31.000 lao động sau Tết.

Ghi nhận của phóng viên tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7 TP.HCM), qua tìm hiểu 10 nhà máy, thì có tới 9 nhà máy đăng thông tin tuyển lao động với số lượng từ 50 tới hàng trăm lao động. Chẳng hạn, Công ty TNHH ICM chuyên về may mặc cần tuyển 100 công nhân may, Công ty TNHH INAHVINA chuyên về gia công vàng, bạc, nữ trang cũng có nhu cầu tuyển 50 công nhân, Công ty TNHH Sứ Đại Đồng cũng tuyển hơn 200 lao động…

Công ty May T.N cắt cử người ra tận đường tuyển lao động 	ảnh: g.h
Công ty May T.N cắt cử người ra tận đường tuyển lao động. Ảnh: G.H

Tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), các công ty tại đây cũng bắt đầu treo băng rôn tuyển hàng ngàn lao động, trong đó Công ty TNHH Điện Tử Đại Việt đăng thông tin tuyển hơn 300 công nhân. Khát lao động hơn cả là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, điện tử.

Đăng tuyển rầm rộ, chính sách lương, thưởng, đãi ngộ cao, nhưng có rất ít lao động nộp hồ sơ. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty May Tiến Lợi (Khu công nghiệp Tân Bình) cho biết, Công ty đang có hợp đồng gia công số lượng lớn và phải giao đợt I trước ngày 30/4, vì vậy Công ty đã “khai Xuân” từ ngày mùng 6 Tết.

“Trước Tết, để đảm bảo việc công nhân về quê nghỉ Tết sẽ trở lại làm việc, Công ty quyết định tổ chức xe đưa công nhân về quê, thưởng Tết giữ lại một ít để người lao động sau Tết vào lấy tiếp, nhưng tới nay mới có 70% lao động quay lại làm việc khiến việc sản xuất bị ảnh hưởng lớn. Để đảm bảo tiến độ, Công ty đã đăng tuyển thêm 50 lao động chủ yếu bộ phận may, chỉ có điểu, tới nay vẫn chưa tuyển được một lao động nào”, ông Hùng cho biết.

Cũng trong cảnh thấp thỏm vì lao động chưa quay lại làm việc quá nhiều, ông Trần Văn Thưởng, Giám đốc Công ty Q.V chuyên về cơ khí (quận Bình Tân) cho biết, trước Tết, Công ty ông trúng thầu gói cung cấp thiết bị cơ khí và điện cho công trình đường cao tốc. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, Công ty cho công nhân làm tới ngày 28 Tết và ngày mùng 7 Tết họp mặt công nhân. Nhưng tới ngày hẹn, mà chỉ có chưa tới 40% trên tổng số 280 lao động có mặt và 1 ngày sau bắt đầu làm việc, thì cả Công ty chỉ có 60% công nhân. “Một phần lớn công nhân nhận lương thưởng cuối năm đã xin nghỉ việc với lý do về quê làm việc, tới thời điểm này Công ty chưa biết tuyển đâu ra số lượng nhân công thay thế, bởi sau Tết, nơi nào cũng thiếu công nhân”, ông Thưởng cho biết.

Cầm bộ hồ sơ trên tay với ý định nộp vào doanh nghiệp sản xuất giày tại quận 9, chị Nguyễn Thị Cúc, quê Thanh Hóa cho biết, trước Tết chị làm cho một công ty gia công may mặc, nhưng lương thấp và chế độ không phù hợp nên xin nghỉ để tìm chỗ làm mới. "Đầu năm 2015, tôi nộp hồ sơ xin việc tại công ty may với mức lương hứa là 4,5 triệu/tháng, ăn một bữa trưa, bảo hiểm y tế và nếu tăng ca lương sẽ thêm 20%, nhưng khi vào làm việc, 3 tháng đầu tôi chỉ được hưởng hương 3,4 triệu đồng, một bữa trưa, tăng ca chỉ được thêm 10%. Lâu lâu con nhỏ bệnh xin nghỉ phép thì không được hưởng lương, bảo hiểm cũng không thấy có... Cực lắm mới phải nhảy việc", chị Cúc bức xúc.

Tới hẹn lại… thiếu!

Dường như theo một quy luật từ nhiều năm nay, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động lại đua nhau nghỉ việc, còn các công ty thì nháo nhào bằng mọi cách tìm kiếm lao động thay thế.

Đơn cử như Công ty May T.N (Khu chế xuất Tân Thuận) mấy ngày nay đã cắt cử người thuộc bộ phận nhân sự ra hẳn đầu đường Khu công nghiệp để treo băng rôn tuyển lao động và nhận hồ sơ ngay tại đây. Tuy nhiên, từ ngày 13/2 Công ty mới nhận được đúng 5 bộ hồ sơ ứng tuyển, trong khi nhu cầu lên đến vài trăm lao động.

Trong con số 19.000 lao động mà Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra, có đến 30% việc làm bán thời gian, lao động thời vụ. Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động là: marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, phục vụ tổ chức sự kiện - hội chợ - hội nghị khách hàng, vệ sinh công nghiệp - dân dụng, thiết kế cảnh quan - chăm sóc cây cảnh, nghiên cứu thị trường...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, những lao động thiếu hụt chủ yếu là lao động phổ thông như: giao hàng, nhân viên bảo vệ, sửa chữa xây dựng, điện dân dụng - điện lạnh - điện - điện tử, chế biến thủy sản - thực phẩm, dệt may - giày da, thiết kế - quảng cáo - truyền thông… là nhóm ngành cần nhiều lao động.

“Nắm bắt được tình hình thiếu hụt lao động sau Tết, nên trước Tết nhiều doanh nghiệp đã chủ động hoạch định chính sách tuyển dụng nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh sau Tết, nhưng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động”, ông Tuấn cho biết.

Cũng trong tình trạng thiếu hụt lao động một cách trầm trọng sau Tết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, năm nay tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết của tỉnh này tăng 30%, trong đó đã có 500 doanh nghiệp đăng ký cần tuyển trên 31.000 lao động mới sau kỳ nghỉ Tết.

Bà Trần Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn Công ty V.N (vốn FDI tại Khu công nghiệp AMATA, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, để đưa chân người lao động quay về làm việc sau Tết, Công ty đã tổ chức thưởng Tết cho công nhân ở mức tối đa. Đặc biệt, người lao động không phải làm thêm giờ kéo dài, tất cả các chủ nhật đều nghỉ, nếu làm thêm được nghỉ bù. Cùng với việc chăm lo đảm bảo tiền lương, thưởng Tết cho người lao động, công đoàn còn xây dựng kế hoạch tổ chức cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết tại nơi cư trú đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Hỗ trợ xe và tiền xe cho công nhân về quê ăn Tết. 

“Việc trả lương thưởng Tết, việc hỗ trợ tiền tàu xe, lì xì năm mới là biện pháp tốt để thu hút người lao động quay lại làm việc sau Tết, vì vậy, tới ngày 15/2, khi Công ty bắt đầu làm việc, đã có tới 90% công nhân các bộ phận quay lại làm việc, đây là thành công lớn mà không mấy công ty làm được”, bà Hương cho biết.

Được biết, để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, nhiều công ty có đơn hàng lớn đã tìm đủ mọi cách, trong đó tìm tới những trung tâm giới thiệu việc làm để được hỗ trợ. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM, chị Đoàn Thanh Thúy, nhân viên Phòng Xúc tiến việc làm cho biết, trước Tết, Trung tâm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng tuyển lao động của các doanh nghiệp trong Thành phố và để đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng lao động, Trung tâm sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại các khu công nghiệp trong vài ngày tới.

Ông Trần Văn Thưởng, Giám đốc Công ty Q.V thì cho biết, để kịp tiến độ giao hàng, trong tình hình lao động thiếu hụt, Công ty đành tổ chức cho tăng ca, với mưc lương phụ cấp tăng ca cao hơn mức bình thường, đồng thời giao công đoàn gọi điện liên hệ với các công nhân chưa đến làm việc, động viên và giải đáp những thắc mắc của người lao động để họ yên tâm quay lại làm việc.

Kỹ năng nghề thấp: Điểm yếu của lao động khi vào AEC
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được lợi thế khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, do nguồn nhân lực yếu, mặc dù Việt Nam là nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư