Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lập nhóm tác chiến “kéo” đầu tư tư nhân vào nông nghiệp
Thùy Liên - 28/06/2015 07:09
 
Bộ NN&PTNT đang đề xuất thành lập Câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp với sự tham gia của nhiều Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ, khoảng 30 tập đoàn, DN lớn đã và đang đầu tư vào nông nghiệp, cùng 8 tỉnh tiên phong tái cơ cấu nông nghiệp.

Ý tưởng lập nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra từ năm 2014 và Nhóm Công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn chính thức ra mắt từ đầu năm nay, thu hút tới gần 30 DN, tập đoàn lớn trong nước tham gia. Hiện, Bộ đang muốn nâng cấp Nhóm công tác lên thành Câu lạc bộ các nhà đầu tư vào nông nghiệp.

Được biết, trong số gần 30 DN này, có rất nhiều tên tuổi lớn như Vinaseed, Dabaco, T&T, Hòa Phát, Trung Thành, TH true MILK, VinaMit, Trung Nguyên, Vingroup, Viettel, FPT, Vĩnh Hoàn, thủy sản Minh Phú…

Nhiều doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực sẽ tham gia nhóm đầu tư vào nông nghiệp (ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực sẽ tham gia nhóm đầu tư vào nông nghiệp (ảnh minh họa)

 

Thực chất, đây là một hình thức đối tác công tư hoàn toàn mới ở Việt Nam, bao gồm một số lãnh đạo Cục, Vụ của Bộ NN&PTNT và các những “đầu tàu” đã và đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp, do Viện nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD)làm đầu mối.  Hoạt động của nhóm được kết nối chặt chẽ với 8 tỉnh quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp và được Bộ NN&PTNT lựa chọn thực hiện thí điểm  tái cơ cấu nông nghiệp gồm: Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình định, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Quảng Ninh.

Đề xuất nâng cấp hoạt động của Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn lên Câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp cũng nhằm mục đích tạo cơ chế và diễn đàn hợp tác công tư, tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp cũng sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp, từ đó cơ quan quản lý dễ dàng tháo gỡ các khó khăn và đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 17/4, Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đứng đầu.

Bộ NN&PTNT kỳ vọng, 8 tỉnh tiên phong và gần 30 DN đầu tàu trên sẽ là lực lượng “bộ đội chủ lực”, là lực lượng tiên phong để tạo sự đột phá  trong đổi cơ cấu và phương thức sản xuất của toàn ngành.

Trao đổi với báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng: “Nông nghiệp là ngành có tiềm năng và lợi thế nhất của Việt Nam, đây là ngành duy nhất  xuất siêu và có thể cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, Việt Nam mới chỉ huy động tài nguyên và năng lực hộ nông dân để cạnh tranh với các quốc gia khác, còn những yếu tố khác thì còn khá kém: đầu tư nhỏ, hạ tầng yếu kém, đất đai manh mún, chính sách vĩ mô bất thuận cho ngành nông nghiệp… Hiện nay, ngành nông nghiệp đang đứng trước bối cảnh mới, không thể phát triển theo kiểu cũ mà đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao hơn. Và lúc này, vai trò chủ đạo không chỉ có người nông dân mà bắt buộc phải có DN. Chỉ có DN mới giải quyết được 3 nút tắc nghẽn của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trọ gia tăng và phát triển bền vững, đó là: thị trường, vốn và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại”.  

Cũng theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, thời gian qua, tín hiệu vui là nhiều tập đoàn, DN lớn trong ngành tài chính, bất động sản… đang chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp.  Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp hiện nay chưa đủ sức tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, một phần chưa quy định nguồn lực rõ ràng. Đây cũng là lý do khiến số DN đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm khoảng 1% tổng số DN cả nước.

Chính vị vậy, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng,  cần có những cú đột phá mạnh để không chỉ kéo DN đầu tàu đầu tư vào nông nghiệp để tạo sự dẫn dắt mà cần cả sự vào cuộc của các địa phương để kết nối với nông dân và DN.

Để tạo được sự đột phá, trước hết phải có hệ thống chính sách phù hợp để tạo sân chơi cho các DN lớn, đồng thời kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho họ. Đây cũng là lý do khiến Bộ NN&PTNT thành lập Nhóm thu hút đầu tư vào nông nghiệp và đề xuất nâng cấp lên thành Câu lạc bộ các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Thực tế, đây là  diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa DN với cơ quan quản lý và chính quyền địa phương để giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DN.

Đơn cử, mới đây, Công ty thủy sản Minh Phú bày tỏ khó khăn trong việc tìm kiếm diện tích đất đủ rộng để đầu tư dự án 1 tỷ USD nhằm hiện đại hóa ngành tôm, cá rô phi và cá tra, trong đó có sản xuất và ứng dụng giống mới, ngay lập tức Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương liên kết giữa các trang trại với DN. Đến nay, dự án đã bắt đầu được trien khai.

Một ví dụ khác, khi Vingroup bày tỏ ý định đầu tư vào dự án rau sạch, Bộ NN&PTNT cũng nhanh chóng kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc để tập đoàn này triển khai dự án rau sạch 700 tỷ đồng.

Được biết, hiện Bộ NN&PTNT cũng đang nghiên cứu triển khai bộ phận một cửa để phản hồi thông tin và giải quyết nhanh nhất các vướng mắc cho DN đầu tư vào nông nghiệp.   

CEO Hòa Phát: Không chạy theo mốt đầu tư nông nghiệp
Ông Trần Tuấn Dương nhận định đây là thời điểm chín muồi về thị trường cũng như tài chính để Tập đoàn Hòa Phát tham gia vào ngành thức ăn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư