Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Lấy ý kiến sửa Luật Đất đai cần cầu thị, thực chất
An Nguyên - 08/08/2022 08:28
 
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vô cùng quan trọng.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.

Thưa đại biểu, khi trình bày chương trình hành động để vận động bầu cử Quốc hội đương nhiệm, khá nhiều ứng viên đã coi việc sửa Luật Đất đai là một trong những công việc ưu tiên khi trúng cử. Với ông thì sao?

Dù không nhắc trực tiếp đến việc sửa Luật Đất đai trong chương trình hành động của mình, song với cá nhân tôi, sửa đổi đạo luật quan trọng này luôn được quan tâm đặc biệt.

Lý do là, trong quá trình giúp việc cho lãnh đạo Quốc hội từ các nhiệm kỳ trước, tôi thấy Quốc hội luôn đau đáu với việc sửa Luật Đất đai, đã 4 lần quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhưng vì nhiều lý do, nên đến Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), dự thảo luật này mới có thể trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Qua các phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật hàng năm, nhiều ý kiến đại biểu rất sốt ruột, rất trăn trở, đề nghị sớm sửa đổi đạo luật rất quan trọng này. Đến nay, Nghị quyết 18-NQ/TW đã được ban hành với nhiều điểm mới về chính sách đất đai. Những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện chính sách đất đai 10 năm qua cũng đã được chỉ ra. Đây là cơ sở quan trọng để Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không lỡ hẹn thêm lần nào nữa.

Quốc hội đã quyết định sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp (bấm nút thông qua vào Kỳ họp thứ sáu, tháng 10/202 3), nhưng cá nhân tôi rất mong muốn có thể được thông qua ở Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023), có hiệu lực từ năm 2024 để những điểm nghẽn về đất đai được tháo gỡ sớm ngày nào tốt ngày đó.

Tại Kỳ họp thứ ba, trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo: trường hợp Dự án Luật Đất đai được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, thì sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua. Như vậy, khả năng đẩy nhanh tiến độ cũng đã được tính đến. Vậy theo ông, nếu thông qua sớm hơn một kỳ họp thì cần những điều kiện gì?

Trước hết, cơ quan trình dự án luật phải hết sức trách nhiệm, bởi trên thực tế, khi được thông qua, nhiều dự luật đã có sự thay đổi rất lớn so với dự thảo trình Quốc hội.

Với Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng rất nhiều bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, trong đó có vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp. Vì thế, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các cơ quan này thì mới giảm sức ép cho các cơ quan của Quốc hội.

Về phía Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cần vào cuộc sớm, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội để chủ động nghiên cứu thấu đáo những nội dung mới. Đến nay, với yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội, tôi được biết, Ủy ban Kinh tế cũng đã rất chủ động vào cuộc.

Sự vào cuộc của cơ quan báo chí, theo tôi, cũng rất quan trọng. Các báo điện tử có thể mở diễn đàn để bàn sâu một số chính sách mới được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Báo chí cũng có thể mở cuộc bình chọn về những phương án đang gây tranh cãi. Đó là kênh thông tin rất hữu ích cho người làm chính sách, trong đó có các nhà lập pháp.

Theo tôi được biết, ở nhiệm kỳ trước, khi đưa ra quyết định có tách Luật Giao thông đường bộ hay không, nhiều đại biểu Quốc hội đã tham khảo kết quả bình chọn trên một số tờ báo có tiếng, nhờ thế quyết định được đưa ra khách quan, toàn diện hơn.

Đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ là việc lấy ý kiến nhân dân cần thực chất, trong đó sự chủ động của các đoàn đại biểu Quốc hội là rất cần thiết. Lâu nay, khi dự án luật được gửi sang Quốc hội, cơ quan thẩm tra có công văn đề nghị, thì các đoàn đại biểu Quốc hội mới tổ chức lấy ý kiến. Nhưng tôi nghĩ, không cần chờ đến thời điểm đó, mà ngay từ khi Dự thảo được công bố lấy ý kiến nhân dân, các đoàn đã có thể chủ động lấy ý kiến chuyên gia, cử tri được rồi. Hơn ai hết, đại biểu công tác ở địa phương hiểu rất rõ những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay là gì, từ đó có cách thức tiếp cận phù hợp để tranh thủ được ý kiến của các đối tượng chịu tác động nhiều nhất khi sửa luật.

Bên cạnh việc làm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì với đạo luật được cho là rất phức tạp, nhạy cảm như Luật Đất đai, việc lấy ý kiến nhân dân có cần đổi mới để thực chất hơn không, thưa đại biểu?

Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 2 tháng là thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng đúng là lâu nay, việc lấy ý kiến theo cách này khá hình thức, vì không có kênh để người góp ý có thể tương tác với người có trách nhiệm tiếp thu.

Với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để việc lấy ý kiến thực chất hơn, theo tôi, có thể đăng công khai trên các báo lớn, tổ chức truyền thông mạnh mẽ về các chính sách mới và tác động của các chính sách đó để người dân có thể hiểu sâu hơn, kỹ hơn.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lấy ý kiến của các hiệp hội nghề nghiệp, của các doanh nghiệp, các tổ chức như Hội Nông dân...

Quan trọng nhất là việc lấy ý kiến phải thể hiện được tinh thần cầu thị, người góp ý cảm thấy được lắng nghe, tất cả góp ý đều được tập hợp đầy đủ và có phản hồi. Những ý kiến nào không tiếp thu thì cần được giải trình một cách thuyết phục.

Người làm chính sách phải biết nghe các ý kiến phản biện, thì chính sách mới gần với cuộc sống. Chính sách về đất đai hết sức phức tạp, nhạy cảm, nên càng cần được lắng nghe góp ý một cách thực chất.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã rõ hình hài
Vừa được công bố lấy ý kiến nhân dân, những chính sách mới tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tương đối rõ hình hài, với quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư