Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Lê Văn Phát, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiên liệu xanh Tấn Lê: Khởi nghiệp ở tuổi 50
Hồng Phúc - 22/12/2016 08:22
 
Tuổi 50 không hẳn là thời điểm tốt để bắt đầu, nhưng với ông Lê Văn Phát, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiên liệu xanh Tấn Lê, khởi nghiệp kinh doanh không khi nào là muộn.
Ông Lê Văn Phát tại vườn dưa hấu mini.
Ông Lê Văn Phát tại vườn dưa hấu mini

Ảo tưởng tuổi 50

Là dân cơ khí, từng là Phó giám đốc Công ty TNHH Cơ khí - Thương mại - Xây dựng điện TP.HCM, nhưng một ngày đẹp trời, ông Phát, 50 tuổi, quyết định trở thành ông chủ… sản xuất phân hữu cơ.

“Đọc nhiều thông tin về an toàn thực phẩm, thấy phân hữu cơ tốt cho đất, cho cây và quan trọng là an toàn cho người sử dụng và có thể cải tạo được môi trường đang bị nhiễm độc. Tôi lại đọc thấy người nông dân phàn nàn không biết mua ở đâu. Tôi cho đây là cơ hội của mình”, ông Phát kể lại cơ nguyên của quyết định gây sốc của mình.

5 tỷ đồng được ông bỏ ra để xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ viên nén tại huyện Ba Tri (Bến Tre). Tất nhiên, không phải ông Phát là người ngoại đạo với công việc này. 20 năm hoạt động trong ngành cơ khí đã cho ông kinh nghiệm về sản xuất.

Cộng với đó, các sản phẩm phân hữu cơ cũng không phải quá mới. Sản phẩm chính của Công ty Tấn Lê là phân hữu cơ nhiên liệu xanh dạng ép viên và phân bón lá vi sinh - tinh chất hữu cơ. Quy trình sản xuất phân hữu cơ tuân thủ các công đoạn truyền thống, từ ủ phân, trộn nấm vi sinh, lựa lọc vật thể kim loại, đá sỏi, thủy tinh..., qua hệ thống ép áp lực cao có gia nhiệt trên 150 độ C để diệt các vi khuẩn có hại cho cây trồng; các hạt cỏ dại, vi khuẩn có hại cho con người. Sau đó, sản phẩm được đưa vào Cylon làm lạnh đột ngột để cố định tối đa hàm lượng hữu cơ và trộn thêm nấm vi sinh trước khi nén viên thành phẩm...

Nhưng chính lúc quan trọng nhất là bán hàng, ông Phát mới tá hỏa, khai thác cơ hội không dễ như nắm bắt.

 “Tôi bị ảo tưởng, cứ nghĩ rằng, thị trường cần phân bón hữu cơ, nhưng thực ra chẳng mấy người chịu dùng. Tôi còn tính, mỗi tháng xuất được một trăm tấn. Nhưng bây giờ còn tồn kho rất nhiều”, ông Phát chua xót kể lại.

Là người có sở trường về sản xuất, nhưng sở đoản là thương mại khiến cho việc tiêu thụ hàng trăm tấn phân bón hữu cơ càng vất vả. Ông đi thuyết phục “gãy cả lưỡi” với bà con nông dân Ba Tri dùng phân hữu cơ vào đồng lúa, nhưng chẳng mấy kết quả. “Họ nói với tôi: Đừng chỉ dạy tôi làm ruộng, tôi đã có kinh nghiệm hơn 40 năm!”, ông Phát kể.

Thêm một lần khởi nghiệp

Cho đến khi lượng phân hữu cơ tồn trong kho còn nhiều, ông Phát vẫn chưa giải xong 2 bài toán khó. Một là, làm sao liên kết được với người nông dân, thuyết phục họ tự giác sản xuất thực phẩm an toàn. Hai là, làm sao thuyết phục mọi người đầu tư tiền cho nông dân thay vì trả tiền chữa bệnh.

Ông Phát cho rằng, người nông dân đều hiểu muốn cây cối đạt sản lượng, chất lượng cao, đất trồng màu mỡ thì phải bón lót phân hữu cơ. Ví dụ, 1 ha trồng cải bắp cần 20-30 tấn phân hữu cơ để lót, rồi đưa phân vô cơ vào, thì mới đạt 80-100 tấn/ha. Ý nghĩa của phân hữu cơ là làm cho đất ngày càng màu mỡ, nhiều dinh dưỡng, phì nhiêu và làm chất xúc tác để phát huy tối đa tác dụng của phân vô cơ… Rồi còn phải đầu tư nguồn nước, nhà kính…

Đơn cử, để trồng ớt chuông, chi phí đầu tư nhà kính lên tới khoảng 1 tỷ đồng cho 1 công (1.000 m2), phải khoan 5-6 cái giếng mới có nước. Nhưng, làm đúng quy trình nghĩa là chi phí, công sức của người nông dân bị đội lên, trong khi giá bán không tăng được. Song, nếu không giải được bài toán này, quyết định bước chân vào sản xuất phân hữu cơ với vô vàn mong muốn tốt đẹp của ông Phát trở nên vô nghĩa.

“Người nông dân sẵn sàng sản xuất ra sản phẩm sạch, nhưng chẳng ai chịu mua vì giá đắt. Nếu không thay đổi được thói quen tiêu dùng này, người nông dân và cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch, xanh cũng khó tồn tại”, ông Phát lo lắng.

Không còn cách nào khác, ông Phát phải tự “vác cuốc ra đồng”, trở thành người trồng và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Thời gian đầu, ông chọn cách liên kết với chính công nhân tại nhà máy để tiến hành thử nghiệm tại ruộng lúa của gia đình họ. Kết quả, vụ hè thu 2016, các gia đình này đạt năng suất 500 kg/công. Điều không tưởng với người dân  Ba Tri từ trước đến nay.

Ông đã phối hợp cùng công ty TNHH La Ba và HTX Thủy Sơn (Lâm Đồng) cùng khoảng 40 nông dân tại vùng này để trồng thử nghiệm cải bắp, ớt chuông, cải thảo. Kết quả rất tích cực, dù đến tháng 3/2017 các ruộng mới cho thu hoạch.

Hiện tại, ông đã chuẩn bị mọi thứ, từ đất đai, nhà kính, nguồn nước cho việc trồng 12 ha rau các loại. Ông tính, đầu năm 2017 tới, mỗi tháng sẽ xuống giống khoảng 4 ha, sau 3 tháng có thể thu hoạch mỗi tuần 1 ha, với năng suất 90 tấn/ha cải bắp. “Tôi lại bơi trong dòng chảy mới, nhưng lần này sẽ đi từng bước nhỏ. Mọi kế hoạch kinh doanh không thể bóc ngắn cắn dài được”, ông Phát đúc rút.

7 bài học sau khi thua lỗ nửa tỷ đồng vì bỏ việc để khởi nghiệp
Bỏ việc lương cao để khởi nghiệp, doanh nhân trẻ này nuôi ước mơ sẽ kiếm được hàng triệu USD. Nhưng rất tiếc, đời lại không như là mơ…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư