Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Lê Yên Thanh, Giám đốc công nghệ Dự án Talo: Khát khao cống hiến của “chàng trai vàng” tin học Việt Nam
Đào Phương - 04/09/2018 08:53
 
Bỏ lại lời mời làm việc của Google và cuộc sống nhiều người mơ ước trên đất Mỹ, Lê Yên Thanh - “chàng trai vàng” của tin học Việt Nam trở về nước khởi nghiệp bởi khát khao cống hiến với mong ước “làm được điều gì đó để góp phần giúp đất nước mình phát triển hơn, chất lượng cuộc sống của người dân nước mình được cải thiện hơn”.
TIN LIÊN QUAN

“Có khát khao thì sẽ làm được”

“Bộ sưu tập” hơn 100 giải thưởng tin học, công nghệ trong và ngoài nước mà Lê Yên Thanh - chàng trai sinh năm 1994, quê An Giang, đạt được trong quá trình học tập khiến rất nhiều người ngưỡng mộ và đặt cho anh cái tên “chàng trai vàng” của tin học Việt Nam. 

Năm 2016, Yên Thanh là một trong 7 người Việt Nam xuất sắc được thực tập tại Google. Sau đó, anh được Google nhận vào làm việc với mức lương đề nghị rất cao. Cùng lúc ấy, còn có nhiều công ty khác ở Singapore cũng gửi lời mời, nhưng Yên Thanh từ chối tất cả. 

.
.

Hai năm sau ngày đưa ra quyết định trở về, Yên Thanh vẫn nhớ như in những ánh mắt ngạc nhiên và cả những lời khuyên gan ruột của người thân, bạn bè. Tâm sự với chúng tôi, Yên Thanh cho biết, tuy chỉ ở Mỹ 3 tháng, song anh nhận thấy môi trường sống và làm việc tại Mỹ rất tốt, tiện nghi, thoải mái.

“Khi đó, tôi nghĩ về cha, mẹ, về người dân nước mình và rất muốn làm việc gì đó để đóng góp cho đất nước. Tôi biết, nghe tôi nói điều này, có người sẽ không tin hoặc cười giễu, nhưng tôi tin, có khát khao thì nhất định sẽ làm được. Tôi sẽ cố gắng và sẽ cống hiến…”, Yên Thanh quả quyết.

Trở về Việt Nam, dự án khởi nghiệp mà Lê Yên Thanh thực hiện liên quan đến lĩnh vực giáo dục và thi cử, bởi anh cho rằng, một đất nước muốn giàu mạnh thì cần quan tâm phát triển giáo dục. “Vậy nên, tôi bắt đầu với Dự án Talo - mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain trong thi cử, tuyển dụng”, Lê Yên Thanh, Giám đốc công nghệ Dự án Talo chia sẻ.

Khởi nghiệp với Talo

Cùng sáng lập và thực hiện Dự án Talo với Thanh là Kevin Tùng và Robert Vong. Họ là một nhóm “tâm đầu ý hợp”, mỗi người trong nhóm đều có một điểm mạnh đủ để bù đắp những điểm yếu của nhau.

Từng học ở Đại học Stanford (Mỹ), Tùng mạnh về kinh doanh, phát triển sản phẩm và rất nhạy bén trong việc nghiên cứu, tung sản phẩm ra thị trường. Còn Robert Vong từng tốt nghiệp lập trình viên và quản trị kinh doanh, nên anh luôn biết kết hợp hài hòa sức mạnh công nghệ và kinh doanh.

Ngoài ra, đội ngũ đồng hành với Thanh còn có nhiều người trẻ. Mỗi thành viên đều có chí hướng và lý tưởng riêng, nhưng tất cả đều có chung một mục tiêu là tạo nên sản phẩm thực sự có ý nghĩa, giúp ích được cho mọi người. 

Ứng dụng Talo dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Với hệ thống này, thí sinh sẽ không còn làm bài thi trên giấy mà sẽ thi trực tiếp trên hệ thống của Talo bằng máy tính hoặc máy tính bảng. Bài thi sẽ được gửi lên hệ thống bằng công nghệ blockchain ngay tại thời điểm thí sinh nộp bài, không qua một khâu trung gian nào. Quá trình chấm điểm diễn ra nhờ hợp đồng thông minh (smart contract). Sau đó, kết quả các bài thi được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống một cách minh bạch và chi tiết. Dựa trên kết quả các bài thi, ứng viên có một hồ sơ năng lực trên Talo. Như vậy, việc sử dụng ứng dụng Talo sẽ tránh được tình trạng gian lận trong quá trình thi cử.

Trả lời câu hỏi, liệu có thật sự phải sử dụng đến công nghệ blockchain cho các ứng dụng thi cử hay không, Yên Thanh cho rằng, thực tế, một phần mềm đơn thuần cũng đủ để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, các phần mềm thường được lưu tại máy chủ và do quản trị viên kiểm soát. Như vậy, quản trị viên có quyền chỉnh sửa và thậm chí xóa dấu vết đã chỉnh sửa nếu muốn. Theo đó, chỉ có công nghệ blockchain với những đặc tính bất di bất dịch của nó mới có thể góp phần chống được mọi hành vi gian lận, cố tình sửa đổi bài thi và kết quả thi. 

Mô hình Talo có thể áp dụng với tất cả các kỳ thi khác nhau. Ngoài ưu điểm là tăng tính minh bạch trong thi cử, nền tảng này còn cho phép các trường đại học, đơn vị tuyển dụng, đơn vị cung cấp chứng chỉ thực hiện kỳ thi một cách dễ dàng và hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.

Hiện tại, Talo tập trung giải quyết các bài thi như: trắc nghiệm, điện tử, code. Theo đánh giá của Yên Thanh, các kỳ thi được chuyển sang dạng trắc nghiệm và tự động hóa sẽ trở thành xu thế tất yếu, và như thế, Talo sẽ càng có ưu thế trong cuộc cạnh tranh này.

Bên cạnh đó, Talo sẽ tích hợp với các nền tảng tìm việc (như JobHop...) để giúp nhà tuyển dụng tìm ứng viên một cách dễ dàng hơn. Nhà tuyển dụng có thể xác thực trình độ, kỹ năng của ứng viên trong lĩnh vực nhất định thông qua hồ sơ trên Talo.

Trên thực tế, nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng ứng dụng của blockchain, bởi đây là một công nghệ mới. “Người ta nói về blockchain giống như nói về máy học, về trí tuệ nhân tạo (AI) của 10 năm về trước”, Yên Thanh chia sẻ về những khó khăn khi đưa ứng dụng Talo vào cuộc sống.

Anh cho biết, việc ứng dụng Talo cho một kỳ thi đại trà với sự tham gia của hàng ngàn thí sinh không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, thời điểm áp dụng ứng dụng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự phát triển của công nghệ blockchain, hạ tầng, chính sách và hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Tháng 7/2018, Talo đã phát hành phiên bản chạy thử nghiệm (MVP), giúp người sử dụng hiểu cách thức làm một bài thi và chấm điểm bằng công nghệ blockchain. Sau gần hai tháng ra mắt, đến nay, ứng dụng đã có hơn 1.000 người dùng trải nghiệm. Từ đánh giá của người dùng, Talo sẽ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện. Dự kiến, phiên bản thương mại sẽ ra mắt vào cuối năm 2019.

Thời điểm này, Yên Thanh cùng các cộng sự đang trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp và có kế hoạch gọi vốn từ các nhà đầu tư. “Chàng trai vàng” của tin học Việt Nam kỳ vọng, Dự án Talo sẽ trở thành một trong những công ty khởi nghiệp tỷ đô, một start-up kỳ lân của Việt Nam đủ sức vươn ra thị trường quốc tế.

Trò chuyện với Lê Yên Thanh:
Anh có thể chia sẻ về một số dự án đã từng thực hiện?
Dự án đầu tiên của tôi là Chương trình BusMap - xe bus thành phố với hơn 70.000 lượt sử dụng, từng đoạt Giải Nhất cuộc thi Tin học trẻ TP.HCM năm 2013.
Dự án thứ hai là Umbala, một sản phẩm giúp người dùng tạo ra được những video clip với hiệu ứng thú vị, đón đầu các trào lưu mới nhất của giới trẻ, giúp mọi người thể hiện bản thân bằng những clip vui nhộn, độc đáo.
Dự án thứ ba là JobHop, một ứng dụng tìm kiếm việc làm, kết nối ứng viên và nhà tuyển dụng.
Từ bỏ Google để về nước khởi nghiệp, anh có nghĩ mình sẽ truyền nhiệt huyết cho các bạn trẻ?
Tôi chưa nghĩ về điều này. Khi quyết định về nước, tôi chỉ suy nghĩ, trước tiên là tự vượt qua thử thách và sau đó có thể làm được điều gì đó để góp phần giúp đất nước mình phát triển hơn, chất lượng cuộc sống của người dân nước mình được cải thiện hơn.
Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khởi nghiệp?
Tôi nghĩ, với người khởi nghiệp, cần có một mục tiêu rõ ràng và phải tìm hiểu kỹ những yếu tố cần thiết để chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp đầy gian nan, bao gồm: đội ngũ, tài chính, ý tưởng và quan trọng nhất là nhiệt huyết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư