Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 06 năm 2024,

Liên danh trong nước sẵn sàng rót vốn xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại TP.HCM
Lê Quân - 22/01/2024 09:26
 
Một liên danh nhà đầu tư trong nước đề xuất xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm tại TP.HCM theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 2.288 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án chưa thể thực hiện vì phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN

Đề xuất xây nhà máy trên diện tích 5 ha

Mới đây, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển môi trường SFC đã đề xuất TP.HCM cho phép đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm với công suất 300.000 m3/ngày. Theo tính toán sơ bộ của nhà đầu tư, Dự án có tổng mức đầu tư 2.288 tỷ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng và xây dựng đường ống chuyển tải nước thải dài 11,3 km do vốn ngân sách TP.HCM thực hiện.

Về vị trí, nhà đầu tư đề xuất đặt nhà máy tại khu đất 77 ha ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, trong đó diện tích xây nhà máy là 5 ha. Hình thức đầu tư được đề xuất là BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Để hoàn vốn dự án, nhà đầu tư vận hành kinh doanh Nhà máy trong 24 năm 11 tháng, sau đó sẽ bàn giao lại cho Thành phố.

Tại dự án này, việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư được thực hiện qua việc thu tiền theo lượng nước thải được xử lý, với đơn giá tăng dần theo lộ trình là 5% sau 5 năm. Để giảm áp lực cho Thành phố trong thời gian đầu, nhà đầu tư đề xuất thu với đơn giá khởi điểm là 1.805 đồng/m3. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức giá tạm tính, đơn giá thu hồi vốn chính thức được xác định khi thực hiện quyết toán công trình.

Về công nghệ xử lý, nhà đầu tư cam kết dùng công nghệ xử lý từ châu Âu. Để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, liên danh nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm.

Chờ điều chỉnh quy hoạch

Cách đây gần 10 năm, Liên doanh Tập đoàn Hanwha E&C và Công ty K-Water của Hàn Quốc cũng đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm với mức đầu tư 300 triệu USD. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, Dự án không thực hiện được.

Việc có nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án là tín hiệu tích cực đối với TP.HCM, vì các dự án xử lý nước thải hiện nay rất khó thu hút đầu tư do việc thu hồi vốn kéo dài. Sau khi nhận được đề xuất của nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành nghiên cứu sự phù hợp của Dự án.

Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị, về công nghệ xử lý, cần lấy ý kiến Sở Khoa học và Công nghệ. Đối với kết nối về giao thông, đường ống thu gom, hạ tầng kỹ thuật để xác định vị trí khu đất, cần lấy ý kiến Sở Giao thông -Vận tải và Sở Xây dựng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đề nghị làm rõ việc đề xuất vốn đầu tư công để giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích 77 ha, trong khi chỉ sử dụng 5 ha cho xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Đến đầu tháng 1/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có văn bản trả lời nhà đầu tư rằng, Thành phố đang hoàn thiện Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có việc định hướng quy hoạch vị trí các nhà máy xử lý nước thải tập trung để phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị trong thời gian tới. Sau khi Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố sẽ tổ chức mời gọi đầu tư các dự án nhà máy xử lý nước thải, nếu liên danh nhà đầu tư vẫn còn quan tâm, thì có thể nghiên cứu và đề xuất chính thức bằng văn bản để được xem xét.

“Trong thời gian này, liên danh nhà đầu tư có thể nghiên cứu, làm rõ ý kiến góp ý của các sở, ngành để tiếp tục hoàn thiện ý tưởng và có đề xuất chính thức ở thời điểm thích hợp, như công nghệ áp dụng cho dự án; điều kiện kết nối về giao thông, đường cống thu gom, hạ tầng kỹ thuật; diện tích sử dụng đất; loại hợp đồng phù hợp với mô hình dự án theo Điều 45, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…”, văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi nhà đầu tư nêu rõ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư