Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Liên kết chuỗi giá trị kinh tế hiệu quả ngành hàng dừa sáp Trà Vinh
Huy Tự - 26/08/2024 21:13
 
Tiếp tục chuỗi hoạt động Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh, chiều 26/8/2024, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển, nhằm liên kết chuỗi giá trị thương hiệu và hiệu quả kinh tế bền vững ngành hàng dừa sáp Trà Vinh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng nhấn mạnh, hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp hóa giải thách thức mà ngành hàng dừa sáp Trà Vinh đang đối mặt; phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng mới hoặc cải tạo vườn dừa sáp hiện có, ứng dụng công nghệ mới. Thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa sáp trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho sinh trưởng, trong gần 20 năm trở lại đây (2005-2024) diện tích dừa sáp của Trà Vinh tăng rất nhanh, từ 43 ha năm 2005, lên 170 ha năm 2017 và đạt 1.277,6 ha (tương đương khoảng 250.000 cây dừa) năm 2024, chiếm 4,67% diện tích dừa của toàn tỉnh (trong đó có khoảng 70 ha nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng tỷ lệ sáp trên mỗi buồng dừa), tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 19,54%, tương đương mỗi năm trồng mới khoảng 65 ha.

Một số doanh nghiệp chủ động áp dụng công nghệ mới, cho ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư thực hiện Đề tài Nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi tại tỉnh Trà Vinh và Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô tạo điều kiện cải tạo giống có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế… là tiền đề quan trọng cho phát triển thương hiệu chuỗi ngành hàng dừa sáp Trà Vinh.

Llãnh đạo Hiệp hội Dừa Việt Nam trao bằng công nhận cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam

Tuy nhiên, hiện nay cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh sản xuất chưa theo quy hoạch, manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung nên dễ bị lai tạp, thoái hóa giống. Việc phát triển nhanh diện tích dừa sáp như hiện nay dẫn đến tình trạng “cung có khả năng vượt cầu”, do đó thị trường đầu ra sẽ gặp nhiều khó khăn.

Dừa sáp hiện nay chủ yếu bán dừa tươi, còn ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm từ dừa sáp. Đặc điểm trái dừa sáp khá lạ lẫm với người tiêu dùng nhưng lại phổ biến trong chế biến các món thực phẩm hàng ngày như sinh tố, kem, bánh mứt và ăn tự nhiên… nhưng chưa được quảng bá và sử dụng rộng rãi.

Có được lợi thế là trái ngon độc nhất vô nhị, thế nhưng dừa sáp Trà Vinh hiện vẫn chưa ổn định về mặt giá cả và vươn xa được ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Việc tổ chức lại sản xuất theo các loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã còn quá ít, chưa hình thành các làng nghề thủ công mỹ nghệ, cơ sở chế biến khai thác hiệu quả của cây dừa sáp kết hợp với du lịch…

Đại diện doanh nghiệp VICOSAP phát biểu tham vấn tại Hội thảo

Bà Lâm Ngọc Tú - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap - doanh nghiệp tiên phong trong chế biến và cung ứng sản phẩm từ dừa sáp của tỉnh) đề nghị, cần có chính sách, chủ trương thiết thực trong việc phát triển bền vững ngành dừa sáp. Cụ thể, thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa và dừa sáp; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa; phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu…

Đồng quan điểm trên, ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trưởng đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa Quốc tế - ICC cho rằng, để phát huy hết các giá trị tiềm năng của cây dừa sáp tại tỉnh Trà Vinh, cần có nhiều chương trình khởi nghiệp từ chính cộng đồng doanh nghiệp địa phương, cùng với chính sách ưu đãi đầu tư thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp ngành dừa trong và ngoài nước tham gia đầu tư trồng, khai thác ngành dừa sáp với sự hỗ trợ chính sách, chủ trương từ chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển và bảo tồn cây dừa sáp theo từng giai đoạn; cần có kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị cho cây dừa sáp sát với thực tế, đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Phó chủ tịch Nguyễn Trung Hoàng cho biết, định hướng phát triển đến năm 2030, Trà Vinh sẽ tiếp tục phát triển ổn định khoảng 1.500 ha, sản lượng khoảng 3,8 triệu quả dừa sáp đặc sản theo hướng tập trung, khuyến khích nhà vườn trồng dừa sáp nuôi cấy phôi hoặc cấy mô. Có ít nhất 200 ha dừa sáp trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP, liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ sản xuất dừa sáp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ. Hướng tới đầu tư xây dựng ngành công nghiệp dừa sáp để sản xuất thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, tạo nên những sản phẩm đặc thù riêng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Ấn tượng Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024
Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 sẽ diễn ra liên tục trong 7 ngày, từ ngày 25/8 đến ngày 31/8/2024 (22 -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư