Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Liên tiếp các ca tai biến sau khi tiêm chất làm dầy để làm đẹp
D.Ngân - 29/09/2022 06:35
 
Một bệnh nhân nữ 38 tuổi đã gặp biến chứng nặng sau khi tiêm filler để nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoại tử da, áp xe sau tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc để nâng ngực.

Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tai biến sau thẩm mỹ khiến người dân gánh chịu hậu quả nặng nề.

Bác sĩ Ninh cho biết, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Tuy nhiên, với những trường hợp bị biến chứng do tiêm filler thường cần phải theo dõi một thời gian dài mới có thể ổn định, nhiều trường hợp đôi khi bị tái đi tái lại.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó chị có đọc được quảng cáo trên mạng về việc nâng ngực không đau, không phẫu thuật nên đã tìm đến một spa tại Hà Nội để thẩm mỹ vòng 1 sau hai lần sinh nở. 

Tại đây, sau khi được tư vấn, chị quyết định bỏ ra hơn 20 triệu đồng để nâng ngực bằng tiêm chất làm đầy (filler). Và hậu quả là gặp biến chứng nặng nề, cần phải can thiệp mới mong phục hồi.

Theo chuyên gia, tiêm filler mang hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai..., không phù hợp để độn mông, ngực. 

Riêng vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm filler số lượng lớn có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng và ảnh hưởng tới tuyến sữa.

Ngoài ra, nếu  tiêm filler không rõ nguồn gốc có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề như tắc động mạch máu, xuất huyết, hoại tử gây biến dạng, thậm chí tổn thương vĩnh viễn một số chức năng và tử vong.

Trước đó, cũng về tai biến sau thẩm mỹ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 36 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc nặng (huyết áp không đo được), giảm oxy máu, nhiễm toan chuyển hoá nặng, lơ mơ…

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân chia sẻ có đến cơ sở thẩm mỹ để tẩy mụn trứng cá ở lưng. Nhân viên spa đã bôi thuốc tê nửa lưng cho khách rồi ủ tê bằng màng bọc thực phẩm. Sau khi lau thuốc tê, bước tiếp theo là dùng bàn lăn kim (dài 2mm) kết hợp với thuốc đông y để trị mụn. 

Khoảng 30 phút bệnh nhân xuất hiện đỏ toàn thân, ngứa, khó thở và rối loạn ý thức. Bệnh nhân được cơ sở Spa sơ cứu tại chỗ rồi chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS.Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình thẩm mỹ đã thông tin về 1 nữ bệnh nhân (47 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mất thị lực hoàn toàn mắt trái sau khi tiêm filler nâng mũi.

Theo lời bệnh nhân, khoảng 10h ngày 2/4, bệnh nhân đã tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Tiêm xong khoảng 10 phút, khi đang nắn chỉnh mũi, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nóng toàn bộ đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật…, mắt trái không nhìn thấy gì nữa. Nhân viên y tế dừng ngay và tiêm thuốc giải cho bệnh nhân, nhưng không cải thiện.

Bệnh nhân được chuyển cấp cứu tới bệnh viện huyện, rồi về Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sau đó chuyển khẩn đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau 3,5 tiếng xảy ra sự việc trên.

Về trường hợp này theo bác sĩ Hà, hệ lụy của việc tiêm filler không chuẩn xác, ngoài gây mù mắt, các mạch máu cấp cho các cơ quanh mắt cũng gây liệt, sụp mi, tím đen dọc vùng trán, mũi, nếu không được can thiệt sẽ gây hoại tử vùng da, các cơ xung quanh….

Thậm chí, không loại trừ các biến chứng nặng hơn, buộc phải khoét mắt, lắp mắt giả.

Vài năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh. Việt Nam đối mặt với một làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui”. Rất nhiều cơ sở không được phép như spa, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc thực hiện.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các hoạt động phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sỹ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển phải qua đào tạo từ 12 tới 14 năm mới được hành nghề.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, việc thẩm định cấp phép cho một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi đáp ứng rất nhiều yếu tố, trong đó bắt buộc phải có phòng mổ, các trang thiết bị máy móc và hệ thống hồi sức cấp cứu.

Cơ quan chức năng cần tiến hành thẩm định nghiêm túc, trách nhiệm. Về phần nhân sự, quan trọng nhất vẫn phải có người đảm bảo trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; bên cạnh sự giám sát về chuyên môn bởi cơ quan y tế địa phương.

Để tránh những ca tử vong hay biến chứng nặng nề gây ra bởi phẫu thuật thẩm mỹ, theo ý kiến của các chuyên gia Bộ Y tế, sở y tế và các phòng - trung tâm y tế cấp quận/huyện phải có cơ chế quản lý. Theo đó, các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường/xã hoặc các tổ dân phố, ấp...) đều phải có trách nhiệm giám sát.

Doanh nhân Trần Minh Khôi, CEO Công ty Thẩm mỹ Annie: “Tay sale triệu đô” luôn thấu hiểu khách hàng
Với bí quyết lắng nghe và thấu hiểu tâm lý khách hàng, Trần Minh Khôi đã trở thành một “tay sale triệu đô” tại Mỹ. Anh đang chinh phục mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư