Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Liên tục công bố tình hình tài chính ảm đạm, Seedcom “khó nhằn” với mô hình New Retail?
Anh Hoa - 19/04/2022 08:20
 
Mô hình kinh doanh của Seedcom được ví như “nhà máy sản xuất start-up” hái ra tiền, nhưng cũng ẩn chứa quá nhiều rủi ro nếu thiếu tỉnh táo.
Doanh thu của Giao hàng nhanh chững lại sau nhiều năm tăng trưởng cho thấy thị trường đang rất “xương”, khiến Seedcom phải tìm kế thoát hiểm
Doanh thu của Giao hàng nhanh chững lại sau nhiều năm tăng trưởng cho thấy thị trường đang rất “xương”, khiến Seedcom phải tìm kế thoát hiểm.

“Điểm rơi” của hệ sinh thái

Việc Công ty cổ phần Seedcom liên tục công bố tình hình tài chính ảm đảm trong 2 năm qua cho thấy, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này có nhiều yếu tố cần xem lại.

Gần đây, truyền thông dồn dập đưa tin, năm 2021, Seedcom ghi nhận mức lỗ sau thuế trên 238 tỷ đồng, kéo theo đà giảm mạnh của vốn chủ sở hữu, từ 385,5 tỷ đồng, xuống còn 21,2 tỷ đồng. Năm 2020, Seedcom cũng lỗ 192,6 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 1.400 tỷ đồng, gấp gần 70 lần vốn chủ sở hữu.

Seedcom là thành viên thuộc hệ sinh thái Quỹ đầu tư Ficus Asia Investment (Ficus), trụ sở tại Singapore, do ông Đinh Anh Huân sáng lập.

Năm 2020, Ficus nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD từ eWTP Capital do Alibaba hậu thuẫn thông qua tổ chức của Quỹ tại Singapore là Redefine Capital Fund. Sau đó, eWTP Capital đã rót thêm 10 triệu USD vào Ficus. Doanh thu năm 2020 của Ficus giảm 11% từ 176 triệu USD xuống 157 triệu USD; lỗ ròng 38 triệu USD, cao hơn 52% mức lỗ của năm 2019.

Xuất hiện tại Hội nghị Đầu tư 2019 - Thương chiến toàn cầu và hành động của doanh nghiệp Việt, CEO Seedcom Nguyễn Hoành Tiến đã có những lý giải cụ thể hơn về khái niệm New Retail.

Theo phương thức bán lẻ truyền thống, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập một sản phẩm rồi cố gắng bán sản phẩm đó cho khách hàng. Còn với đường hướng New Retail, doanh nghiệp sẽ dự đoán được nhu cầu của khách hàng, sau đó chỉ làm những thứ khách hàng yêu cầu vào đúng lúc họ cần. Tức là, ngoài câu chuyện sản phẩm/dịch vụ đánh trúng tâm lý khách hàng ở hiện tại hoặc tương lai, New Retail còn nhắm vào tính thời điểm.

Theo như giới thiệu, mô hình kinh doanh New Retail của Seedcom là liên tục thích ứng, đặt khách hàng vào trung tâm bằng cách kết hợp công nghệ, thương mại và logistics. Seedcom chỉ đầu tư vào các công ty bán lẻ hoặc phục vụ bán lẻ, qua việc dự báo nhu cầu khách hàng và chuẩn bị để phục vụ tốt nhất. New Retail áp dụng hiệu quả nhất ở những thị trường có rất nhiều người dùng online (trực tuyến), nhưng chủ yếu vẫn mua offline (trực tiếp) và tỷ lệ mua online bắt đầu tăng lên.

Quan sát, có thể thấy, danh mục đầu tư của Seedcom tại Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, trong đó có bán lẻ, gồm chuỗi cà phê The Coffee House, các chuỗi bán lẻ thời trang Juno, Hnoss và hệ thống logistics Scommerce (Giao hàng nhanh, AhaMove).

Mô hình hoạt động của Seedcom là Venture Builder (VB - vườn ươm khởi nghiệp), tương tự như “nhà máy sản xuất start-up”. VB tự xây dựng start-up từ những ý tưởng và nguồn lực của chính họ. Trong khu vực Đông Nam Á có Rocket Internet; ở Việt Nam, ngoài Seedcom còn có Simple Tech Investment (STI), Fram... hoạt động theo mô hình này.

Giới đầu tư thừa nhận, vai trò quan trọng của VB ngày càng được khẳng định trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Nếu không có Rocket Internet, thì sẽ không có Lazada. Nếu không có Seedcom, thì không có The Coffee House. Năm 2020, Seedcom bơm thêm tiền vào The Coffee House sau khi chuỗi này đạt doanh thu 37 triệu USD vào năm 2019. Tháng 12/2021, Seedcom chào bán trái phiếu riêng lẻ, thu về 200 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, tài sản đảm bảo là gần 3 triệu cổ phần tại The Coffee House thuộc sở hữu của Seedcom, lãi suất danh nghĩa 11,5%/năm.

Giới đầu tư cho rằng, CEO Nguyễn Hoàng Tiến đã rất lỗ lực để tái cấu trúc hệ sinh thái của Seedcom, như dùng chung một nền tảng công nghệ để vận hành trơn tru hơn, nhưng hiệu quả chưa rõ rệt. Để cải thiện, toàn bộ hệ sinh thái của Seedcom cần phải vào cuộc. Ngoài ra, mảng bán lẻ của Seedcom khá u ám, mảng logistics được cho là lên ngôi trong hơn 2 năm qua nhưng các start-up Giao hàng nhanh, AhaMove lại có quá nhiều đối thủ trên thị trường, cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Đây là thời điểm rất khó khăn với Seedcom, cộng với các CEO thuê tuyển vào vận hành, Seedcom nắm cổ phần chi phối, nên từng start-up trong hệ sinh thái không thể tự mình gọi vốn đầu tư, mà phải do quỹ mẹ đi gọi vốn.

“Seedcom có thể thuyết phục được quỹ ngoại vào vòng 1, vòng 2, nhưng sau đó, các quỹ này phát hiện ra sẽ rất khó gọi vốn vòng tiếp theo cho cả Seedcom và toàn hệ sinh thái. Do đó, chắc chắn quỹ sẽ không đồng hành cùng Seedcom lâu dài”, đại diện một quỹ đầu tư cho hay.

Theo đại diện này, mỗi dự án của Seedcom phải tự cường thực sự mà không phụ thuộc vào gọi vốn, thì cần chờ đợi dịch chìm lắng, hệ thống vận hành trơn tru hơn và các CEO được tuyển vào rất giỏi, có thêm động lực từ việc ăn chia cổ phần nhiều hơn. Lúc đó, may ra Seedcom mới có thể phục hồi.

Để start-up thoát khỏi bóng “ô dù”

Ở Việt Nam, nhắc đến mô hình VB như Seedcom, thì không thể bỏ qua STI. Công ty này chuyên đầu tư vào các mô hình doanh nghiệp chuyển đổi số như 24h, SieuViet Group, Anycar, 30Shine.

Tuy nhiên, STI có chiến lược đầu tư khác với Seedcom và được giới đầu tư nhận định là khá tỉnh táo, đó là không lấy quá nhiều cổ phần của start-up cho mỗi thương vụ. Thông thường, với start-up có vài năm kinh nghiệm và có chỗ đứng tương đối trên thị trường, STI chỉ đầu tư để đổi lấy 20 - 30% cổ phần hoặc góp vốn tiền mặt cá nhân. Số tiền đầu tư có thể là 500.000 USD, hoặc 1 đến 2 triệu USD. STI không đưa ra một mức đầu tư cố định cho các start-up. Khi đầu tư, họ giúp các start-up khá nhiều về vận hành. Họ nhìn vào tiềm năng của start-up và của ngành để ra quyết định.

Điều này cho thấy, các start-up trong hệ sinh thái không bị phụ thuộc vào “ô dù” của STI.

Đặc biệt, ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch STI còn nỗ lực xây dựng mối quan hệ vững chắc với các nhà đầu tư chiến lược, các quỹ đầu tư.

Gần đây nhất, STI dẫn đầu nhóm nhà đầu tư rót vốn vào M Village - start-up trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú. Đây là một trong những dự án mới nhất của Nguyễn Hải Ninh sau khi rời The Coffee House cách đây 1 năm. Trong thương vụ này, STI chỉ chiếm dưới 20% cổ phần của M Village và chủ động lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp nhất cho start-up này.

Qua trường hợp phân tích ở trên, có thể thấy, mô hình VB ngày càng thân thiện với start-up và các công ty khởi nghiệp phải phát triển độc lập, không thể quá phụ thuộc vào công ty mẹ trong việc gọi vốn.

Mặc dù những năm gần đây, các quỹ đầu tư mạo hiểm gia tăng hoạt động đầu tư vào start-up ở Việt Nam, nhưng vẫn có rất nhiều start-up chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ các quỹ này. Khi đó, VB đóng vai trò quan trọng làm cầu nối giữa start-up và các quỹ đầu tư mạo hiểm cho những vòng gọi vốn tiếp theo.

Thế nhưng, có nhiều start-up được sinh ra từ một vài VB ở Việt Nam đang làm cho thị trường bị ảnh hưởng, gây ra những hệ lụy đáng lo ngại. Đó là hiện tượng VB nắm gần hết cổ phần của start-up, nói cách khác là “thuê” người thực hiện ý tưởng của mình. Vấn đề này quyết định tính sống còn của start-up

Đại diện một quỹ đầu tư cho hay, chỉ cần quỹ đầu tư nắm tỷ lệ cổ phần trên 50%, start-up đó đã không còn quyền tự quyết nữa, nhà sáng lập và CEO sẽ không còn động lực để phấn đấu. Đặc biệt, những người giỏi và bản lĩnh không bao giờ bằng lòng như vậy, nên sẽ rời đi.

 Trên thực tế, hầu hết các nhà sáng lập và CEO của start-up trong hệ sinh thái đầu tư của Seedcom đều đã rời đi. Để duy trì và phát triển start-up được như kỳ vọng, Seedcom buộc phải tìm kiếm các CEO giỏi về. Tuy nhiên, nếu CEO giỏi vẫn chỉ được nhận tỷ lệ cổ phần ít, chỉ làm công ăn lương, thì sớm muộn họ cũng lại rời đi.

Còn nhớ, thời điểm năm 2019, chỉ trong vài tháng, Seedcom và các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của họ đã 4 lần thay CEO. Start-up thay CEO đầu tiên là AhaMove (trực thuộc Scommerce), do xung đột về góc nhìn chiến lược của từng người. Các đơn vị tiếp theo có sự xáo trộn về bộ máy điều hành là Giao hàng nhanh (thuộc Scommerce), Seedcom, The Coffee House.

Theo lý giải của một đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm, khi người thực hiện không phải là nhà sáng lập, là CEO có quyền quyết định cuối cùng, họ là người làm công ăn lương với danh xưng là giám đốc quản lý, thì họ khó có thể hết mình với start-up đó. Việc VB nắm gần hết cổ phần của start-up vô hình trung làm triệt tiêu động lực và tinh thần khởi nghiệp của đội ngũ điều hành start-up. Chưa kể, nếu nhân sự quản lý là người nước ngoài, dù có kiến thức chuyên môn liên quan ở nước ngoài, nhưng nhân sự này chưa chắc đã thực sự am hiểu thị trường Việt Nam, nên càng khó để xây dựng sản phẩm phù hợp.

Một đế chế hùng mạnh phải được xây dựng từ những vị vua điều hành độc lập quyết đoán, mạnh mẽ và biết tận dụng các nguồn lực xung quanh để phát triển.

Vì vậy, VB nên tạo ra cơ chế linh hoạt nâng cao động lực cho các nhà điều hành start-up bằng việc trao cổ phần và trao quyền nhiều hơn cho start-up. Việc đặt ra KPI là một áp lực theo nghĩa tích cực để người quản lý, điều hành nỗ lực hơn nữa. Trong các KPI đó, thường có một KPI về gọi vốn. Nếu gọi vốn thành công, người quản lý, điều hành sẽ nhận được cổ phần, nhưng với các start-up mà VB nắm vốn chi phối, thì rất khó gọi vốn vòng Early-Stage (trước Series A).

Bởi vì, khi các quỹ đầu tư mạo hiểm cân nhắc đầu tư vào các start-up ở giai đoạn Early-Stage, họ rất quan tâm tới đội ngũ sáng lập, điều hành và sẽ e ngại nếu đội ngũ này chỉ là người được thuê.

Ở giai đoạn muộn hơn, nếu start-up đạt được các KPI đề ra, thì sẽ có cơ hội thương lượng với VB để nhận cổ phần. Lúc này, cổ phần của VB sẽ giảm dần xuống qua mỗi giai đoạn mục tiêu. Ngoài ra, ở giai đoạn muộn, start-up đã thể hiện được năng lực cũng như tiềm năng phát triển, nên các quỹ đầu tư mạo hiểm đỡ dè dặt hơn và có thể dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư.

Điển hình là trường hợp gọi vốn của Lazada. Rocket Internet đã hỗ trợ Lazada rất nhiều cho tới vòng Series A. Quỹ này và Summit Partners chính thức cùng rót 40 triệu USD đầu tư lần đầu tiên cho Lazada vào năm 2012. Ở các vòng sau, Lazada gặp thuận lợi trong việc gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm qua nhiều vòng cho tới vòng Series G được đầu tư và mua lại trên 80% cổ phần từ Alibaba.

Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - Bài 1: Giật mình doanh nghiệp FDI lỗ “khủng”
Con số 16.164 doanh nghiệp FDI có số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, với tổng trị giá lỗ lũy kế trên 623.337 tỷ đồng (tính đến hết năm 2020)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư