Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Lo cơ chế, chính sách đặc thù làm tăng chênh lệch giàu, nghèo giữa các tỉnh
Khánh Linh - 29/05/2024 16:12
 
Các cơ chế, chính sách thí điểm đang là vướng mắc chung của các địa phương thì phải sớm được nhân rộng và áp dụng chung, đại biểu Quốc hội đề nghị sớm tổng kết, đánh giá các cơ chế đặc thù.

Nhân rộng cơ chế, chính sách đặc thù nếu đúng, trúng và hiệu quả

Nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc nên đánh giá lại các cơ chế, chính sách đặc thù sau khi Quốc hội đã cho cơ chế đặc thù tới 10 địa phương, trong phiên thảo luận chiều 29/5 tại Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị với Quốc hội thực hiện đánh giá, nếu trúng, đúng và hiệu quả thì nhân rộng cho các địa phương khác thực hiện theo để đỡ mất thời gian.

Với tinh thần này, Quảng Trị cũng lần đầu tiên đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù cho tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Đây là điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với cao tốc Bắc - Nam, kết nối vùng giữa Quảng Trị, chiều dài 56 km, dự toán 13.000 tỷ đồng.

Cơ chế đặc thù được đề xuất áp dụng cho dự án này, theo đại biểu Đồng, là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Trong giai đoạn này, ông đề nghị Trung ương hỗ trợ một phần vốn để làm vốn mồi.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh.

Liên quan đến nội dung này, trong phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị sớm cho phép nhiều địa phương được thực hiện cơ chế đặc thù tại  Nghị quyết 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Vì, nhiều địa phương đang thực hiện chương trình đầu tư hạ tầng và thực hiện đầu tư công 2021-2025 rất vướng mắc về thực hiện các lĩnh vực, như vốn ngân sách, vốn nhà nước để tham gia đầu tư công tư, giao UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư đối với các dự án giao thông quốc gia và không phải thực hiện các thủ tục trong giải quyết vấn đề vật liệu xây dựng.

"Luật Đất đai cũng đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, tôi đề nghị sớm thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù này cho nhiều địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện về ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả việc đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ cũng như giải ngân đầu tư công các dự án 2021-2025, bà Lan đề nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.

Theo phân tích của đại biểu, kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định và cơ hội tồn tại rất ngắn. “Do đó, thể chế của chúng ta phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương”, ông Ngân đề xuất.

Các tỉnh chưa có cơ chế đặc thù đang bị bó buộc hơn

Đến nay, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng tại 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 1 thành phố thuộc tỉnh, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong phiên làm việc thứ Sáu tới, ngày 31/5, Quốc hội sẽ thảo luận về về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An.

Phải khẳng định, việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù là một chủ trương đúng, đã kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn; các cơ chế đặc thù đã góp phần giúp các địa phương thí điểm cởi trói, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm của pháp luật; phát huy lợi thế, đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án, góp phần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông được quyết liệt triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

,
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ).

Tuy nhiên, phát biểu trong phiên làm việc sáng 29/5, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) lo ngại, nếu để thành phong trào xin cơ chế đặc thù, đặc thù đại trà sẽ đi ngược với nguyên tắc pháp quyền, dễ tạo lợi ích cục bộ mà chúng ta đang cố gắng phòng, chống trong xây dựng pháp luật, không đảm bảo sự bình đẳng giữa các địa phương trong thực thi pháp luật.

Mặt khác, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có vai trò, vị thế đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong đó, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế vừa là giải pháp, vừa là nguồn lực quan trọng nhưng chưa được quan tâm, xem xét một cách thấu đáo, toàn diện.

Hiện nay, các tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn thì được hưởng các cơ chế đặc thù, các tỉnh nghèo khó hơn thì chưa được tháo gỡ.

“Vấn đề này nếu không sớm được xem xét thì sẽ tạo thêm khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các tỉnh ngày càng xa”, đại biểu Nam nhấn mạnh.

Thực tế ở các địa phương chưa được hưởng cơ chế đặc thù và các chương trình, dự án không nằm trong nhóm được hưởng cơ chế đặc thù đều tồn tại chung những vướng mắc trong nhiều lĩnh vực như quản lý về quy hoạch, quản lý rừng, quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư, khoáng sản giống như các tỉnh đã thực hiện thí điểm.

Đặc biệt ở các địa phương có cùng điều kiện tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.

Hệ lụy của những khó khăn, vướng mắc này là làm cho các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, nguồn lực khu vực tư nhân chưa được khơi thông hiệu quả.

“Nó cũng cho thấy chiếc áo cơ chế mặc cho nhiều tỉnh đang chật chội, các tỉnh chưa có cơ chế đặc thù càng bị bó buộc hơn. Đây đã và đang là đòi hỏi bức thiết chung của nhiều địa phương”, đại biểu Nam nhấn manh,

Đây là lý do ông Nam đề nghị sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết đặc thù, chỉ giữ lại cơ chế đặc thù thực sự là đặc thù, tương thích với đặc điểm riêng biệt của địa phương, chủ yếu ở các đô thị đặc biệt.

Còn đối với các cơ chế, chính sách thí điểm đang là vướng mắc chung của các địa phương thì phải sớm được nhân rộng và áp dụng chung.

Trong thời gian chờ sửa các luật và quy định liên quan, đề nghị Quốc hội cho phép các tỉnh, trong đó có tỉnh Phú Thọ có vướng mắc chung và đặc điểm tương đồng như các tỉnh đang thí điểm được vận dụng các cơ chế chính sách này và được đánh giá, ghi nhận và bảo vệ theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị định số 73 của Chính phủ, quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đề xuất cơ chế đặc thù mới cho Đà Nẵng, Nghệ An
Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay 7 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 2 dự thảo nghị quyết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư