Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lo giá phân bón nhập về tăng phi mã
Thế Hải - 10/03/2022 09:03
 
Cùng với dầu thô, kim loại và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh bởi tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ukraine.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhập khẩu phân bón sẽ căng thẳng vì giá tăng

Giá phân bón liên tiếp “nhảy múa” trong 2 năm vừa qua đã đẩy sản xuất nông nghiệp vào thế khó khăn. Lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận tải tăng “phi mã” từ tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 chưa dứt, thì nay lại thêm cuộc chiến Nga - Ukraine.

Theo ông Phùng Hà, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA), 2 năm qua, giá phân bón tăng “phi mã”, cũng là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do giá dầu tăng vọt.

“Giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và giá phân bón tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá lương thực. Nga và Trung Quốc, vốn là 2 cường quốc xuất khẩu phân bón, đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa, dẫn đến tăng giá”, ông Hà nói.

Cụ thể, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15/10/2021, chưa rõ sẽ kéo dài đến bao giờ.

Từ giữa tháng 11/2021, Nga cũng hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong 6 tháng để kiềm chế sự tăng giá ở thị trường nội địa trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao. Hạn ngạch dự kiến được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.

Thêm nữa, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT như một biện pháp “trừng phạt” do “thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine” sẽ khiến các ngân hàng của nước này không thể chuyển tiền ra hoặc nhận tiền từ nước ngoài, kéo theo tác động nặng nề đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng, trong đó có phân bón.

Bên cạnh đó, do tình hình chiến sự, việc vận chuyển amoniac - nguyên liệu chính sản xuất urê, DAP, NPK… từ Nga qua cảng Yuzhny (Ukraine) cũng bị ảnh hưởng, mặc dù Nga chỉ sản xuất dưới 10% tổng sản lượng amoniac toàn cầu (đứng đầu là Trung Quốc, chiếm 32%).

Năm 2020, Nga là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, đạt 7 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (6,6 tỷ USD), Canada (5,2 tỷ USD) và Mỹ (3,56 tỷ USD). Nga cũng là thị trường cung cấp phân bón lớn của Việt Nam trong năm 2021, chỉ đứng sau Trung Quốc và Đông Nam Á.

Bởi vậy, với những diễn biến phân tích ở trên, việc nhập khẩu phân bón sẽ tiếp tục căng thẳng và đối mặt với bài toán tăng giá.

Làm gì khi giá phân bón tăng quá cao?

Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị vật tư nông nghiệp, có thể lên tới 50%. Hiện nay, giá mặt hàng này đang tăng mạnh. Để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, theo các chuyên gia, nông dân cần tìm cách thay thế, sử dụng các loại phân bón khác và thực hiện “5 đúng”: bón đúng chủng loại phân, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng vụ và thời tiết, bón đúng phương pháp.

VFA dự báo, trong thời gian tới, nguồn nhập khẩu phân bón sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn từ những tác động tiêu cực của cuộc chiến Nga - Ukraine. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất phân bón trong nước vừa có cơ hội, vừa có trách nhiệm phát huy hết công suất.

Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu một số loại phân bón, nhưng vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu phân SA và kali, do trong nước không có nguồn nguyên liệu. Hay như với DAP, MAP, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu song song với sản xuất trong nước, nhưng nếu nguồn nhập khẩu từ Nga gặp khó khăn, đẩy mặt bằng giá tăng lên, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài tác động tiêu cực.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Việc này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhập khẩu phân bón, giá DAP và kali trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm, mà ngược lại còn đang tăng nhẹ do chính sách hạn chế xuất khẩu DAP của Trung Quốc và nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới lên đến 4 triệu tấn của Ấn Độ cùng với sự cải thiện về giá nông sản thế giới.

Ông Phùng Hà cho biết, khi giá phân bón trên thị trường thế giới tăng, một số quốc gia có những chính sách điều tiết, hỗ trợ để người nông dân không phải chịu giá phân bón quá cao. Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng nên nghiên cứu các chính sách hợp lý để kìm giá phân bón.

Năm 2021, nước ta xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD, nhưng cũng chi tới 1,45 tỷ USD để nhập về 4,54 triệu tấn phân bón các loại, gấp 3 lần xuất khẩu. Giá nhập khẩu trung bình các loại phân bón trong năm 2021 tăng 27,8% so với năm 2020.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, nước ta nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ Trung Quốc với hơn 2 triệu tấn, trị giá 600 triệu USD; tiếp đến là từ Đông Nam Á (504.000 tấn, trị giá 190,4 triệu USD) và từ Nga (370.000 tấn, trị giá gần 144 triệu USD, tăng gần 8% về lượng, nhưng tăng hơn 30% về trị giá so với năm 2020).

Sàn chứng khoán đỏ lửa, cổ phiếu dầu khí, phân bón ngược dòng thăng hoa
VN-Index lại tuột mốc 1.500 điểm khi dòng ngân hàng cùng nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn lao dốc. So với đà rơi của các sàn chứng khoán khác, mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư