Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Lộ kịch bản đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Anh Minh - 30/12/2014 12:33
 
Tuyến cao tốc huyết mạch kết nối khu vực Đông Nam Bộ từ Biên Hòa tới Vũng Tàu dài 77,6 km, quy mô 4 làn xe sẽ kêu gọi vốn đầu tư BOT hoặc PPP.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
DN Ấn Độ mua 49% vốn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
3.658 tỷ nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang
14.678 tỷ đồng xây cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Nhượng quyền dự án cao tốc: Những câu hỏi khi chưa có tiền lệ
VEC lên phương án bán quyền thu phí 5 cao tốc trị giá 5 tỷ USD

Mặc dù phải sau ngày 30/12/2014, quy mô đầu tư tuyến cao tốc này mới được Bộ Giao thông - Vận tải chốt chính thức, nhưng những kịch bản đầu tư, gọi vốn cũng đã dần được lộ diện.

Phối cảnh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Phối cảnh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cụ thể, theo đề xuất của Ban Quản lý dự án 85, đơn vị được giao nhiệm vụ lập dự án đầu tư, tuyến cao tốc tương lai đi qua Đồng Nai và Biên Hòa có chiều dài 77,6 km, trong đó phần tuyến cao tốc dài 66 km, phần đường đô thị khoảng 2,8 km, phần tuyến kết nối Quốc lộ 51 theo quy mô đường cấp II khoảng 8,8 km. Trong số này, đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ (cao tốc) dài 38 km; đoạn Phú Mỹ - đường ven biển TP. Vũng Tàu (cao tốc) dài 28 km; đoạn từ đường ven biển TP. Vũng Tàu đến Quốc lộ 51C dài 2,8 km và đoạn nối Phú Mỹ - Quốc lộ 51 (vào Cảng Cái Mép - Thị Vải) dài 8,8 km.

Trước đó, theo Quyết định 1949/QĐ - BGTVT ngày 12/7/2010 của Bộ Giao thông - Vận tải về việc phê duyệt đề xuất Dự án, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ, quy mô 6 làn xe.

“Tuy nhiên, xét thấy chiều dài tuyến không lớn, lưu lượng xe tải, xe khách trên tuyến lớn, nên để tăng hiệu quả đầu tư Dự án, phù hợp với tốc độ khai thác của phần lớn phương tiện, tư vấn lập dự án đề xuất duy trì tốc độ thiết kế vào khoảng 100 km/giờ”, ông Đỗ Quang Minh, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 cho biết.

Hiện đơn vị tư vấn - Tổng công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) đã lập 4 phương án phân kỳ đầu tư và hoàn vốn cho Dự án theo hình thức BOT thay vì phương án PPP như đề xuất của Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) vào đầu năm 2014.

Theo đó, phương án 1 -  xây dựng đoạn cao tốc từ Biên Hòa - Quốc lộ 51 theo quy mô 4 làn xe hạn chế (chiều rộng mặt đường 16,50 m), tốc độ thiết kế 80 km/giờ; giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe đầy đủ được đánh giá là có tính khả thi tài chính cao nhất. Với phương án này, tổng mức đầu tư Dự án là 8.313 tỷ đồng. Nếu tiến hành hoàn vốn đồng thời cho ngân hàng và nhà đầu tư, thời hạn hoàn vốn là 27 năm 3 tháng; trường hợp hoàn vốn cho ngân hàng trước và nhà đầu tư sau sẽ mất khoảng 28 năm 7 tháng.

Để có thể đưa công trình vào khai thác trong năm 2018, ông Minh cho rằng, Dự án cần được phê duyệt đề xuất đầu tư, hoàn tất bước thiết kế kỹ thuật, đấu thầu thi công, giải phóng mặt bằng trước tháng 12/2015.

Được biết, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước và cũng là khu vực tập trung các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không lớn.

Hiện Quốc lộ 51 là tuyến đường bộ duy nhất nối TP.HCM với Vũng Tàu (là cửa ngõ thông thương ra biển). Qua số liệu điều tra khảo sát và tính toán dự báo cho thấy, với quy mô của Quốc lộ 51 hiện tại, đến năm 2020, đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ sẽ có nguy cơ ùn tắc và hạn chế lưu thông cục bộ. Đối với đoạn Phú Mỹ - Vũng Tàu lưu lượng dự báo đến năm 2030 mới đạt khoảng 62.000 phương tiện quy đổi chuẩn (CPU)/ngày đêm và đến lúc đó với xuất hiện tình trạng giảm khả năng lưu thông của các phương tiện.

“Đây là lý do mà TEDI cho rằng, đến năm 2020, cần phải xây dựng xong tuyến cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ với quy mô tối thiểu 4 làn xe và sau năm 2030 cần mở rộng tuyến này thành 6 làn xe, cùng với việc nâng cấp đoạn Phú Mỹ - Vũng Tàu lên quy mô 4 làn xe”, đại diện Ban quản lý dự án 85 phân tích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư