Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lô lúa mỳ nhập khẩu lẫn cỏ kế đồng: Cơ quan quản lý yêu cầu tái xuất, doanh nghiệp than gấp
Hồng Phúc - 15/10/2018 08:37
 
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng doanh nghiệp vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” trong yêu cầu tái xuất những lô lúa mỳ có lẫn cỏ Cirsium Arvense (tên tiếng Việt là cỏ kế đồng) bắt đầu áp dụng vào ngày 1/11 tới.
TIN LIÊN QUAN

Yêu cầu tái xuất: khó khả thi

Sau khi cơ quan kiểm dịch phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mỳ nhập khẩu lẫn cỏ kế đồng trong gần 4 triệu tấn lúa mì đã nhập khẩu từ đầu năm đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu những lô hàng này phải tái xuất từ ngày 1/11/2018.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hạt cỏ kế đồng có thể tồn tại 20 năm trong nước mà vẫn nảy mầm và nếu lẫn vào các nông sản khác của Việt Nam thì khả năng bị cấm xuất khẩu là rất cao. 

.
.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho rằng, đây là loài thực vật ngoại lai rất nguy hiểm. Nếu trên một mét vuông cây trồng có 20 - 30 cây cỏ kế đồng sẽ làm giảm 25 - 75% năng suất của cây trồng đó. 

Dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM) cho rằng, việc xử lý cỏ kế đồng cần được thực hiện linh hoạt, bắt đầu bằng việc đưa ra lời giải cho 3 vấn đề. Đó là, cần nghiên cứu cụ thể tại môi trường Việt Nam, cỏ kế đồng gây độc hại tới mức độ nào hay có thể gây thiệt hại ra sao; giải pháp đối với các doanh nghiệp khi họ chỉ còn khoảng nửa tháng để vừa chuẩn bị nguồn nguyên liệu, vừa phải tái xuất; và chiến lược nào để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu lúa mỳ nếu Việt Nam không cho phép nhập khẩu? 

Theo cả chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp, việc kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp tái xuất là khó khả thi. 

“Xuất ngược lại thì đối tác họ bán cho ai, uy tín doanh nghiệp trong hợp tác sau này sẽ ra sao? Chưa kể, khả năng những rào cản yêu cầu kỹ thuật cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ được dựng lên rất “cứng”. Bởi trong sản phẩm nông nghiệp nào cũng ít nhiều chứa các thành phần không tốt và họ sẽ đẩy lên thành rào cản”, ông Dũng phân tích. 

Đại diện đơn vị sản xuất bột mỳ từ lúa mỳ, ông Phan Thanh Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bột mỳ Bình An cho biết, doanh nghiệp không thể tìm nguồn thay thế nhanh như vậy, khi yêu cầu phải tái xuất từ đầu tháng 11. “Căn cứ nguồn nguyên liệu, giá thành của lúa mỳ để chúng tôi tính toán giá sản phẩm cũng như ký kết các hợp đồng. Nếu tái xuất hoặc cấm nhập, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh”, ông Hiếu bày tỏ. 

Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cũng là một doanh nghiệp sử dụng bột lúa mỳ làm nguyên liệu sản xuất. Trung bình mỗi ngày, ABC Bakery sử dụng khoảng 13 tấn bột mỳ. Vào mùa cao điểm, con số này lên đến 20 tấn/ngày. 

“Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 232.000 tấn bột mỳ. Trong 9 tháng năm 2018, con số này là 239.000 tấn. Nếu cấm nhập khẩu, nhìn thấy rõ là những nhà máy chế biến bột mỳ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, sau đó kéo nhiều ngành khác”, bà Kao Huy Phương, Phó giám đốc ABC Bakery nói. 

Nghiên cứu kỹ mức độ ảnh hưởng tại Việt Nam

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM bày tỏ băn khoăn, dù chứng minh được loại cỏ kế đồng gây hại, thì trình tự pháp lý trong việc yêu cầu tái xuất lô lúa mỳ có lẫn loại cỏ này liệu đã phù hợp?

“Theo Nghị định số 116/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định rõ, trong trường hợp vật thể có thể gây hại cho quần thể thực vật Việt Nam, thì trách nhiệm ban hành cấm nhập khẩu và xử lý thuộc quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu trường hợp đặc biệt khẩn cấp như cúm H5N1, thì tôi ủng hộ thực hiện nhanh chóng, nhưng với cỏ kế đồng, chúng ta còn chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng mà đã áp thời gian thi hành tái xuất vào đầu tháng 11 là quá gấp”, bà Lan nêu quan điểm.

Với cỏ kế đồng, chúng ta còn chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng mà đã áp thời gian thi hành tái xuất vào đầu tháng 11 là quá gấp.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM

TS. Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC, người từng có 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, cỏ kế đồng chỉ phù hợp khi trồng trong cánh đồng lúa mỳ. Loại cỏ này có cạnh tranh dinh dưỡng với lúa nước, ngô, đậu tương… ở Việt Nam hay không thì chưa rõ, do chưa trồng thực tế. 

Ông Khanh cũng không đồng tình với những ý kiến cho rằng, Việt Nam nên đầu tư trồng lúa mỳ, thay vì nhập khẩu như hiện tại. Bởi nếu Việt Nam trồng lúa mỳ, về chất lượng và sản lượng sẽ không thể so sánh với các “thủ phủ” của lúa mỳ như Canada, Nga, Australia... 

Theo vị chuyên gia này, từ tháng 7/2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn lúa mỳ mỗi năm, trong đó 25% dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Yếu tố này ảnh hưởng đến 70% giá sản phẩm thịt heo, bò, gà… Do đó, nếu cấm nhập khẩu lúa mỳ, có thể làm đảo lộn nền kinh tế, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nguồn nguyên liệu lúa mỳ trực tiếp hay gián tiếp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư