Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lo lụt tiến độ IPO “ông lớn” Vinalines
Anh Minh - 07/05/2018 08:53
 
Quá trình thẩm định phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cần tăng tốc thêm, nếu muốn đạt mục tiêu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối quý III/2018.

Ba lần chỉnh phương án

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ một lần nữa bắt đầu lấy ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên quan đến phương án cổ phần hóa Vinalines vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 4/2018 (Tờ trình số 4324).

Vinalines đã được lên phương án cổ phần hóa từ mấy năm nay. Ảnh: Lê Toàn
Vinalines đã được lên phương án cổ phần hóa từ mấy năm nay. Ảnh: Lê Toàn

Sở dĩ phải dùng từ một lần nữa là bởi đây là lần thứ 3 kể từ năm 2015, phương án cổ phần hóa “ông lớn” trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải này được bộ chủ quản trình lên người đứng đầu Chính phủ.

Trong phương án cổ phần hóa mới nhất được hiệu chỉnh theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/ 11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, hình thức cổ phần hóa Vinalines được Bộ GTVT kiến nghị áp dụng là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. 

Sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa, Vinalines sẽ có vốn điều lệ 14.046,058 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn nhà nước là 11.946,058 tỷ đồng (theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016) và giá trị phần vốn phát hành thêm là 2.100 tỷ đồng (nhu cầu bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh; đầu tưtái cơ cấu tài chính). Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tổng số lượng cổ phần phát hành lần đầu của Vinalines là 1.405.605.800 cổ phần. 

Được biết, so với phương án cổ phần hóa Vinalines được Bộ GTVT trình Thủ tướng hồi cuối tháng 12/2017 xây dựng theo Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (Phương án tháng 12/2017), quy mô vốn điều lệ của Vinalines tại Phương án tháng 3/2018 đã tăng thêm 130 tỷ đồng. 

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông của Vinalines cho biết, việc nâng quy mô vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư một số cảng biển và tái cơ cấu đội tàu của Tổng công ty trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Tại Tờ trình số 4324, cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại Vinalines được kiến nghị theo hướng Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ, tương đương 912.993.770 cổ phần; bán cho nhà đầu tư chiến lược 207.896.970 cổ phần, tương đương 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên 2.293.900 cổ phần, tương đương 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn 0,04% vốn điều lệ. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT muốn đem bán đấu giá công khai 280.921.160 cổ phiếu Vinalines (tương đương 20% vốn điều lệ) qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Lượng cổ phần bán đấu giá này tăng gấp 5 lần so với Phương án tháng 12/2017 (20%/4,84%) dẫn tới tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược giảm từ 30% còn 14,8%.

Do phải chỉnh sửa phương án cổ phần hóa, nên Vinalines đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh kế hoạch tiến độ cổ phần hóa công ty mẹ.

Theo đó, thay vì cuối tháng 3/2018, thời gian tiến hành IPO sẽ phải lùi đến tháng 8/2018, trước khi khép lại vào tháng 9/2018, với việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu. Kế hoạch này chỉ khả thi nếu như Vinalines hội được 2 điều kiện cần là Phương án tháng 3/2018 không thay đổi nhiều và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm nhất là trước 25/5/2018. Đây là tiến độ rất gấp bởi các bộ, ngành sẽ chỉ còn khoảng 2 tuần để cho ý kiến về phương án cổ phần hóa Vinalines để Văn phòng Chính phủ tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt. 

Nâng tiêu chí chọn nhà đầu tư

Mặc dù tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư đã giảm còn 14,8% vốn điều lệ, song nếu thắng đấu giá toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra công chúng, nhà đầu tư chiến lược vẫn có thể sở hữu 34,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển lớn nhất tại Việt Nam.

Cũng tại Tờ trình số 4324, Bộ GTVT muốn mở rộng cửa tham gia cho cả các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư quốc tế hội đủ các điều kiện chung và đáp ứng một trong hai điều kiện riêng. 

Cụ thể, trong số 3 nhóm điều kiện chung, đáng chú ý nhất là việc các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động kinh doanh 2 năm gần nhất tính từ thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi và không có lỗ lũy kế. Các nhà đầu tư phải có cam kết bằng văn bản về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Vinalines trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ khi chính thức được lựa chọn.

Đối với nhóm điều kiện riêng, với các nhà đầu tư là doanh nghiệp cùng ngành nghề, Bộ GTVT yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Đối với các nhà đầu tư ngoài ngành nghề, mức vốn điều lệ được yêu cầu cao gấp đôi (2.000 tỷ đồng) hoặc có quy mô tổng tài sản đang quản lý tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với các nhà đầu tư là các quỹ đầu tư. 

Tiêu chí cao gấp đôi so với phương án được Bộ GTVT đệ trình vào tháng 12/2017 được cho là để sàng lọc, lựa chọn được các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính tốt hơn, đủ sức đồng hành với Vinalines trong chặng đường tái cơ cấu sắp tới.

Được biết, trong trường hợp không bán hết số lượng cổ phần bán ra ngoài theo cơ cấu vốn điều lệ, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để Tổng công ty dùng phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp và số tiền thu từ bán bớt phần vốn nhà nước, điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ trước khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, do thời điểm trình phương án cổ phần hóa, chưa có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật sau khi phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Vinalines nói gì về việc hạ giá bán khởi điểm tàu Vinalines Sky
Sau 5 lần bán đấu giá, tàu Vinalines Sky chỉ được người mua đưa ra giá cao nhất là 89,595 tỉ đồng, thấp hơn giá khởi điểm 93,48 tỉ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư