Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lo thu hút FDI sụt giảm
Nguyên Đức - 13/04/2023 08:32
 
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sụt giảm lại một lần nữa trở thành vấn đề “nóng” được đề cập trong các phiên họp, trong các cuộc thảo luận gần đây của các cơ quan hoạch định chính sách, kể cả trong Chính phủ.

Đó thực sự là một điều đáng quan tâm, bởi lẽ, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I năm nay, FDI đăng ký vào Việt Nam giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 5,45 tỷ USD. Ngay cả vốn FDI giải ngân cũng giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 4,3 tỷ USD.

Cũng có điểm tích cực là số lượng dự án FDI đăng ký mới vào Việt Nam tăng tới 62,1% so với cùng kỳ (đạt 522 dự án), nhưng thực tế có tới 70% trong số này là dự án FDI quy mô nhỏ (dưới 1 triệu USD). Chính vì vậy, dù số lượng dự án tăng mạnh, nhưng tổng số vốn đăng ký lại chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo một con số khác, với mức giảm FDI trong quý I/2023 chỉ còn 19,3%.

 Lý do là vì, sau đó, Cục Đầu tư nước ngoài cập nhật thêm thương vụ 1,5 tỷ USD mà Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) đầu tư mua cổ phần của Ngân hàng VPBank. Nhưng kể cả như vậy, FDI vào Việt Nam vẫn đang giảm.

Năm ngoái, khi vốn FDI đăng ký, đặc biệt là vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam suy giảm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần bày tỏ nỗi lo về việc Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.

Năm nay, nỗi lo được đề cập lại liên quan đến một vấn đề đang được coi là “cấp bách” của không chỉ Việt Nam. Đó là thuế tối thiểu toàn cầu. Đã có dấu hiệu cho thấy, các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.

Đây là câu chuyện có thật. Bởi gần đây, khi chia sẻ thông tin với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, một số tập đoàn lớn đã bày tỏ lo ngại về việc nếu Việt Nam không sớm có phản ứng chính sách kịp thời, thì sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và rất có thể, họ buộc phải lựa chọn đầu tư sang thị trường khác.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, kể từ sau Covid-19, đầu tư toàn cầu bị suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao… càng khiến dòng đầu tư thêm “ngập ngừng”.

Nhưng trong các nguyên nhân sâu xa khiến dòng FDI vào Việt Nam suy giảm đã được chỉ ra, có những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến năng lực hấp thụ và sự chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng vốn lớn, bao gồm cả về đất đai, nhân lực, hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ…

Bởi thế, vấn đề lúc này không chỉ là cần sớm, thậm chí là “cấp bách”, “nhanh chóng” có phản ứng chính sách đối với thuế tối thiểu toàn cầu, mà còn phải giải quyết từ gốc những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế của các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh…

Tháng 6/2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030. Cuối tháng 3/2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Kế hoạch  Hành động thực hiện chiến lược này.

Theo đó, hàng loạt nhiệm vụ quan trọng đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có chuyện nghiên cứu để có phản ứng chính sách đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu; có việc báo cáo khả năng xây dựng luật đầu tư mạo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; có việc nghiên cứu cơ chế hợp tác với các tập đoàn để đào tạo lao động theo “đơn đặt hàng”... Rồi xây dựng các chương trình hỗ trợ thuế quan, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể…

Có lẽ, còn rất nhiều việc phải làm để không còn phải lo FDI sụt giảm, mà nếu có thì phải là do xu hướng toàn cầu, chứ không phải là vì các vấn đề trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Phải làm sao để những khẳng định của các tập đoàn, các tổ chức quốc tế, rằng “Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn” và là “lựa chọn hàng đầu” thực sự được hiện thực hóa bằng các cam kết hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đầu tư.

Hài hòa lợi ích khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu
Dù giải pháp ứng phó với vấn đề áp thuế tối thiểu toàn cầu chưa thể sớm được đưa ra, song thông điệp nhất quán về việc đảm bảo “hài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư