Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sử dụng nước mặt thay thế nước ngầm tại Hà Nội
Lời giải bền vững trong cung cấp nước sinh hoạt
Kim Lan - 24/03/2019 11:37
 
Chủ trương thay thế nguồn nước ngầm bằng nước mặt được Hà Nội đặt ra nhiều năm nay. Cùng với nguồn nước sạch Sông Đà, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống là lời giải bền vững đối với việc cung cấp nước sinh hoạt cho Thủ đô trong tương lai.
Cán bộ kỹ thuật đang vận hành hệ thống cấp nước của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Ảnh: Dũng Minh
Cán bộ kỹ thuật đang vận hành hệ thống cấp nước của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Ảnh: Dũng Minh

19 năm khoan giếng là 19 năm nhà chị Lê Thị Ngọt (thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) phải làm bể lọc bởi nỗi sợ từ những hiện tượng mà mọi người chưa biết nguyên nhân. Chị Ngọt cho biết, nếu đi 10 nhà, thì cả 10 nhà đều có bể chứa nước ố vàng. Nước có mùi rất tanh, nếu bơm nước trực tiếp thì có mùi tanh như mổ cá.

Cách nhà chị Ngọt chỉ một con ngõ, nước sinh hoạt của gia đình bà Cánh không bị ố vàng, nhưng không thiếu những dấu hiệu nhận biết để thấy rằng… không sạch, khi nước từ nguồn trực tiếp hay nước từ vòi chảy ra đều có cặn. Không ai lý giải được hiện tượng này, chỉ biết rằng, ở làng có nhiều người mắc ung thư. 

Không chỉ ở Gia Lâm, mà nhiều quận từ nội thành đến ngoại thành Thủ đô, hàng ngàn hộ dân đang dùng nguồn nước ô nhiễm có màu vàng khè. Ngay cả một số khu đô thị ở quận Thanh Xuân cũng rơi vào cảnh tương tự khi sáng ra mở vòi nước để vệ sinh cá nhân thì gặp toàn nước cặn nước màu đen vàng, nhiều khi còn có váng sánh như mỡ. 

Tại buổi hội thảo đầu kỳ lập điều chỉnh Quy hoạch Cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 8/2018, đại diện Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch Cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) thông tin, nguồn cấp nước cho đô thị Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu là nguồn nước ngầm. 

Trong khi đó nhiều giếng có hàm lượng sắt cao tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Các giếng tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên có hàm lượng man-gan cao. Các giếng tại các quận ở phía Nam và Đông Nam Thành phố bị ô nhiễm nặng, hàm lượng amoni rất cao như các nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai và có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.

Lời giải bền vững 

Theo ông Trần Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, việc Hà Nội chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước mặt là việc cần thiết. Tuy nhiên, việc giảm sử dụng nguồn nước ngầm tại khu vực nào, giảm đến mức độ bao nhiêu, cần phải gắn với việc đánh giá về chất lượng và trữ lượng tại khu vực đó và có sự so sánh với tiêu chuẩn của nguồn nước. Khi các nhà máy khai thác nước ngầm vẫn đạt tiêu chuẩn, thì Thành phố cần đưa về chế độ dự phòng, đảm bảo an ninh nguồn nước hoặc trở thành các trạm điều tiết áp lực để phục vụ cấp nước, tránh lãng phí.

Tại buổi làm việc với Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (xã Trung Màu, Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc xây dựng nhà máy này, cùng với nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đà, sẽ cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô, giảm dần và đóng lại hoàn toàn việc sử dụng nước ngầm.

Ông Hoàng Trung Hải ủng hộ việc tiếp tục phát triển, mở rộng Nhà máy, đề nghị Nhà máy tiếp tục phát triển mạng lưới vì đầu tư nước sạch mà không có mạng lưới thì không làm được. Ông Hải nhấn mạnh, nhu cầu nước sạch còn rất lớn, trong tương lai cần đến khoảng 3 triệu m3/ngày đêm.

“Phải triển khai, chuẩn bị các dự án để đáp ứng được nhu cầu. Tránh trường hợp chậm. Các đồng chí vừa nói nước ngầm ở nhiều nơi rất ô nhiễm, thì phải sắp xếp theo thứ tự, khi đầu tư nước mặt đến đấu nối thì đóng cửa, giảm dần các nguồn nước ngầm đúng theo định hướng của thành phố. Người dân cũng mong mỏi như vậy”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Thông tin cụ thể cho người dân

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, hiện nay, ngay trong khu vực nội thành cũng mới chỉ đáp ứng được gần 100% nhu cầu sử dụng trong khi chất lượng và áp lực nước chưa đảm bảo. Còn tại các huyện ngoại thành, nhu cầu cũng rất lớn và hiện mới đáp ứng được khoảng 55%.

“Đối với hệ thống mạng lưới cấp nước phải được tính toán và đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn đô thị để tránh lãng phí. Đây là việc phải làm sớm và khẩn trương. Trước mắt, đảm bảo cung cấp nước sạch cho các hộ dân khu vực của các dự án nhà máy nước”, ông Hải nói.

Ông Hải đề nghị các sở, ngành của Thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống cũng như các dự án cấp nước của Thành phố mở rộng quy mô và triển khai dự án với tinh thần khẩn trương nhất để nước mặt cung cấp đến đâu sẽ ngừng sử dụng nước ngầm đến đó.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng phối hợp, kết nối với các nhà đầu tư, nhà cung cấp nước để đảm bảo hiệu quả, đồng bộ và không trùng lặp trong đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quan trắc và kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải để đảm bảo chất lượng nước sông Đuống. Đặc biệt lưu ý, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống phải kết nối với hệ thống quan trắc của thành phố để thông tin về chất lượng nước cho người dân.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống do Công ty CP Nước mặt Sông Đuống (Aqua One) hợp tác với CHLB Đức xây dựng, sau gần 2 năm triển khai đã khánh thành giai đoạn I với tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, đưa vào hoạt động với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Dự án đang triển khai giai đoạn II nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm vào tháng 10/2019.
Nóng thị trường máy lọc nước vì lo nước sinh hoạt không đạt chuẩn
Chưa bao giờ thị trường các sản phẩm lọc nước lại nóng như hiện tại. Đặc biệt, ở nhiều khu chung cư, người dân đã phải tìm đến phương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư