Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 12 năm 2024,
Lợi nhuận doanh nghiệp xi măng gấp nhiều lần cùng kỳ, tuy nhiên tồn kho tăng cao
Kim Ngân - 14/11/2022 16:41
 
Nhiều doanh nghiệp xi măng có lãi lớn, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ vì ảnh hưởng từ dịch bệnh. Một số doanh nghiệp còn ghi nhận tăng trưởng cao, gấp vài lần cùng kỳ.

Nếu như cùng kỳ năm trước, ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình giãn cách kéo dài, ảnh hưởng lưu thông, hoạt động kinh doanh bị đình trệ thì năm nay, mọi việc đã khác. Nhiều doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận tăng trưởng tốt trong quý III, thậm chí lãi gấp vài lần năm trước.

Cụ thể, Xi măng Vicem Hoàng Mai (HNX: HOM) có doanh thu tăng 3%, lợi nhuận gấp 6 lần cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 484 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng. Hay Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH) tăng lợi nhuận thêm 15%, đạt hơn 13 tỷ đồng.

Một nhóm các doanh nghiệp khác năm nay ghi nhận lợi nhuận dương trong khi cùng kỳ lỗ như Xi măng Vicem Hà Tiên (HoSE: HT1), Xi măng Vicem Hải Vân (HoSE: HVX) và Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS). Trong đó, Xi măng Vicem Hà Tiên lãi 36,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 20 tỷ đồng. Còn Xi măng Vicem Hải Vân và Xi măng Vicem Bút Sơn lãi lần lượt 147 triệu đồng và 8 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lỗ duy nhất trong quý này là Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) với mức lỗ gần 38 tỷ đồng so với mức lỗ 8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân lỗ từ giá vốn tăng cao, các loại chi phí bán hàng, chi phí tài quản lý cũng gia tăng.

Tính chung 9 tháng, Xi măng Vicem Hoàng Mai có lợi nhuận tăng cao nhất, gấp 10,4 lần cùng kỳ, đạt 15,2 tỷ đồng. Tiếp đến là Xi măng Vicem Hải Vân gấp 4,1 lần, đạt 1,6 tỷ đồng. Duy nhất Xi măng Vicem Hà Tiên có lãi giảm 36% về 204 tỷ đồng do biên lãi gộp thu hẹp. SSI Research dự báo giá than tiếp tục tăng hơn 10% trong những tháng cuối năm và gây áp lực lên biên lợi nhuận của Hà Tiên trong quý IV. Tuy nhiên, sang năm 2023, giá than giả định sẽ giảm 10% so với mức đỉnh năm 2022, cùng với đầu tư công được đẩy mạnh sẽ giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng khoảng 54% so với cùng kỳ.

Cũng khảo sát trên 6 doanh nghiệp này, mức tồn kho tại ngày 30/9 là 2.546 tỷ đồng, gấp rưỡi đầu năm. Trong đó, Xi măng Vicem Hà Tiên là đơn vị chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41%, tương ứng 1.033 tỷ đồng và tăng 55% so với đầu năm. Một số doanh nghiệp khác có tồn kho ở mức cao như Xi măng Bỉm Sơn (617 tỷ đồng), Xi măng Vicem Bút Sơn (519 tỷ đồng).Một báo cáo gần đây của SSI Research cho biết trong 9 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam đạt 49 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ, nhờ mức so sánh thấp của năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu xi măng cả nước tiếp tục suy giảm. Cụ thể sản lượng xuất khẩu trong 3 quý đầu năm đã giảm 28% so với cùng kỳ xuống 24 triệu tấn, điều này làm gia tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa.

Xuất khẩu xi măng, clinker lao dốc
Xuất khẩu xi măng, clinker 9 tháng năm 2022 giảm mạnh, chỉ còn 24,75 triệu tấn, trị giá gần 1,1 tỷ USD, giảm tương ứng 25,6% và 13,7% so với cùng kỳ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư