Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Lợi nhuận ngân hàng quý IV/2021 dự báo khả quan, cảnh báo nợ xấu
Thùy Vinh - 28/11/2021 08:12
 
Việc tăng thu dịch vụ, bán bảo hiểm, vốn giá rẻ, room tín dụng nới thêm... sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận quý cuối năm của các ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu tăng là điều khó tránh.

Tăng thu ngoài lãi

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Bộ phận Phân tích chứng khoán của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 và 2022 của TPBank lần lượt đạt 5.800 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và 7.200 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng tới 44,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 4.371,4 tỷ đồng, đạt 75,4% mục tiêu của Ngân hàng đặt ra cho cả năm.

Kết quả trên cho thấy khả năng thích ứng nhanh của TPBank với những thách thức rất lớn của thị trường.

Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải (MSB), ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cho biết, đến hết tháng 10/2021, Ngân hàng đạt lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. MSB dự kiến cán mốc trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2021, vượt xa so với mục tiêu đưa ra là 4.100 tỷ đồng trước thuế. Đạt được kết quả này, theo ông Linh, một phần nhờ phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử.

Ông Trần Bình Minh, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, trong những tháng còn lại của năm 2021, Ngân hàng sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp cốt lõi, như kiểm soát chi phí vốn, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong tổng huy động, đồng thời thúc đẩy hoạt động thu ngoài lãi, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sinh lời tốt, đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn. Tính đến cuối tháng 10/2021, tổng tài sản của VietinBank tăng 8,1%, tổng nguồn vốn tăng gần 8%.

Tín dụng tăng, nợ xấu khó tránh

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, tín dụng chững lại trong quý III, nhưng nhờ môi trường lãi suất cho vay giảm thấp, nên nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý IV/2021. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 chỉ xoay quanh mức 10 - 12%, do cầu tín dụng chưa thể phục hồi nhanh và ngân hàng còn thận trọng.

Các chuyên gia phân tích của SSI đánh giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới và một trong các biện pháp chính là tăng room tín dụng để tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng. Nhưng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay chỉ giảm nhẹ.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, một điểm cần lưu ý là, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến ở mức 7,1 - 7,7%. Số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2021 vừa công bố cho thấy, dư nợ xấu tại 27 ngân hàng niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng lên con số 113.006 tỷ đồng tính đến ngày 30/9, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm nay.

Điều đó đòi hỏi nhà băng tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đơn cử, VietinBank sẽ trích lập 17.000 tỷ đồng chi phí dự phòng, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 169%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,4%. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này dự kiến ở mức 1,6%.

Chủ tịch VietinBank, ông Trần Bình Minh cho hay, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2021, nhưng Ngân hàng vẫn sẽ đảm bảo thực hiện đúng các chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. VietinBank tự tin hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay là 13.910 tỷ đồng.

Cho vay gấp 3 lần Techcombank, vì sao lãi thuần của Vietcombank chỉ cao gấp 1,6 lần?
Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của Vietcombank (HoSE: VCB) cho thấy, mặc dù vẫn là quán quân hệ thống, song tốc độ tăng lợi nhuận của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư