Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Lợi nhuận ngành hàng tiêu dùng giảm tốc, ông lớn không là ngoại lệ
Thùy Liên - 21/02/2020 16:23
 
Khảo sát 899 doanh nghiệp khối phi tài chính của nhóm phân tích dữ liệu Fiin Group cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của khối doanh nghiệp này đang chậm lại. Đặc biệt, sự giảm tốc của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống trong bối cảnh sức mua và thu nhập của người dân tăng đang tăng đặt ra nhiều câu hỏi.
fa
Nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước đang phải  cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu

Doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp phi tài chính tăng chậm lại

Phân tích dựa của Fiin Group dựa trên báo cáo tài chính năm 2019 đã công bố của 899 doanh nghiệp khối phi tài chính cho thấy, doanh thu thuần tăng trưởng khá khiêm tốn ở mức 4,2% trong khi lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng tốt hơn ở mức 9,3% trong năm 2019.

Trong quý IV/2019, doanh thu của các doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ 1,2% trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng lưu ý là kể từ quý III/2018, tăng trưởng doanh thu thuần có xu hướng giảm tốc.

Mặc dù lợi nhuận kế toán tăng nhưng EBIT và EBITDA lại giảm tốc trong quý IV/2019 (EBIT +3,8%, EBITDA +5,1%). Thực tế này là do lợi nhuận tăng trưởng nhưng chủ yếu nhờ các khoản thu nhập tài chính từ chuyển nhượng vốn góp/thoái vốn hoặc gia tăng các khoản thu nhập khác.

Chất lượng tăng trưởng đi xuống của khối doanh nghiệp phi tài chính thể hiện rõ hơn khi chúng tôi có điều chỉnh sự ảnh hưởng của việc hợp nhất công ty con và tính các chỉ số tăng trưởng bằng cách loại ra số liệu của các công ty con đã được hợp nhất vào công ty mẹ.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2019 chỉ tăng trưởng 5,3% thay vì 9,3%. EBIT và EBITDA tăng trưởng âm ở mức -1,5% và -1,1% cho năm 2019 sau điều chỉnh. Đây là năm đầu tiên kể từ sau giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2012 mà EBIT và EBITDA tăng trưởng âm.

Ngành hàng tiêu dùng suy giảm bất ngờ, ông lớn không là ngoại lệ

Theo báo cáo của Fiin, các ngành có mức độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong năm 2019 là: Công nghệ Thông tin, Viễn Thông và Ô tô phụ tùng. Năm qua, các ngành này được Fiin xếp hạng là tăng tốc cả trên tiêu chí doanh thu và lợi nhuận.

Hai ngành có tốc độ tăng trưởng ở nhóm duy trì là: Y tế (dược phẩm) và viễn thông.

Theo Fiin, có 12/16 nhóm ngành được xếp là GIẢM TỐC: bao gồm Bất động sản, Thực phẩm & Đồ uống, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp, Xây dựng & Vật liệu, Tài nguyên Cơ bản và Hàng cá nhân & Gia dụng và một số ngành khác.

Như vậy, báo cáo của Fiin chỉ ra là, chất lượng tăng trưởng của các ngành phục vụ người tiêu dùng như Thực phẩm & Đồ uống, Bán lẻ, Hàng & Dịch vụ Tiêu dùng lại suy giảm hoặc giảm tốc về doanh thu và lợi nhuận, kể cả các doanh nghiệp đầu ngành. Đây là những nhóm ngành được giới đầu tư rất kỳ vọng.  

“Có nhiều khách hàng nước ngoài yêu cầu chúng tôi tìm hiểu và phân tích vì sao một thị trường như Việt Nam đang tăng trưởng về thu nhập và sức mua của người tiêu dùng nhưng ngành này lại tăng trưởng thấp như vậy. Điều này không chỉ xảy ra với Ngành Thực phẩm & Đồ uống với các tên tuổi lừng lẫy như Vinamilk (VNM), Masan (MSN) và Thế giới Di động (MWG, tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu suy giảm”, báo cáo của Fiin viết.

Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu độc lập phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, Fiin cho rằng, có hai nhóm lý do cơ bản dẫn tới sự suy giảm của ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam, bất chấp sức mua và thu nhập người dân tăng.

Thứ nhất là sự bão hòa ở các nhóm mặt hàng chủ chốt của các đơn vị này, nhất là ở khu vực thành thị. Trong khi đó, các nhóm mặt hàng mới và các khu vực thị trường nông thôn chưa được khai phá hết tiềm năng. Ví dụ Vinamilk chủ yếu chỉ tăng trưởng mạnh nhờ nhóm sản phẩm sữa tươi, sữa nước trong thời gian qua trong khi nhóm sản phẩm sữa bột thì gặp cạnh tranh khốc liệt từ sữa ngoại nhập, nhất là phân khúc cao cấp.

Thứ hai, áp lực cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm của tập đoàn nước ngoài, nhất là các nhóm sản phẩm cao cấp hơn.

“Thực tế, đúng là tăng trưởng ngành do sức mua và khả năng chi trả của người dân Việt Nam tăng lên, nhưng mặt trái của nó đến các doanh nghiệp Việt Nam là họ lại có xu hướng dịch chuyển sang dùng các nhóm mặt hàng cao cấp hoặc hàng nhập khẩu ở phân khúc trên vốn dĩ các doanh nghiệp trong nước cần thêm thời gian để có thể chiếm lĩnh”, chuyên gia phân tích của Fiin chỉ ra nguyên nhân.

Ông lớn ngành hàng tiêu dùng tấn công thị trường chuỗi cà phê
Kế hoạch tấn công thị trường chuỗi cà phê của các “ông lớn” trong ngành hàng tiêu dùng, nông nghiệp đã nâng mức độ cạnh tranh trong ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư