Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Long An tăng cường kết nối giao thương, liên kết tiêu thụ nông sản
Trúc Giang - 05/09/2024 14:44
 
Long An chú trọng đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản.
Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ nông sản được tỉnh Long An thực hiện thường xuyên
Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ nông sản được tỉnh Long An thực hiện thường xuyên

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nằm trong vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, Long An có các loại cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, với các mặt hàng nông sản nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như: chanh, thanh long, dưa hấu, khóm và nhiều cây ăn trái khác. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Theo số liệu của UBND tỉnh Long An, năm 2023, tổng diện tích lúa gieo cấy của tỉnh đạt 516.299 ha, sản lượng 3,072 triệu tấn; trong đó sản lượng lúa chất lượng cao hơn 2 triệu tấn, chiếm 65,3% tổng sản lượng lúa. Tỉnh đã triển khai được 381 lượt “cánh đồng lớn”, diện tích thực hiện 26.689 ha, với 6.232 hộ tham gia.

Bên cạnh đó, Long An còn có các mặt hàng nông sản chủ lực như cây chanh diện tích trồng đạt 11.370,7 ha, diện tích chanh cho trái khoảng 10.190 ha; sản lượng đạt gần 183.596 tấn. Cây thanh long có diện tích trồng 7.943,5 ha, diện tích cho trái khoảng 7.848 ha; sản lượng đạt hơn 236.128 tấn. Cây mít có diện tích trồng 3.119,5 ha, diện tích cho trái hơn 2.245 ha, sản lượng đạt hơn 42.793 tấn. Rau màu các loại có diện tích trồng 13.371 ha, sản lượng hơn 252.636 tấn.

Về chăn nuôi, tổng đàn trâu có 5.564 con; đàn heo 115.328 con; đàn gia cầm 9,98 triệu con; đàn bò 115.328 con. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 394 tấn; thịt bò hơi 7.381 tấn; sữa tươi là 33.899 tấn; thịt heo hơi là 22.559 tấn; thịt gia cầm hơi là 45.861 tấn.

Tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 8.893 ha, nuôi lồng/vèo 17.000 m3. Trong đó, diện tích thả tôm nuôi 6.150 ha, thu hoạch 5.500 ha với tổng sản lượng 16.263,5 tấn; diện tích cá tra thương phẩm nuôi 1.230 ha, thu hoạch 1.090 ha, sản lượng 58.418,4 tấn.

Nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá của tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá lớn: lúa 59.672 ha; rau 2.072,26 ha; thanh long 5.700,67 ha; chanh 3.738 ha; tôm 69,35 ha. Toàn tỉnh hiện có 180 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (47 sản phẩm 4 sao, 133 sản phẩm 3 sao).

Tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất không ngừng gia tăng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được đa dạng hóa, hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai thực hiện thành công trên diện rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đại biểu tham quan gian trưng bày nông sản tại Hội nghị Kết nối giao thương - xúc tiến xuất khẩu Long An năm 2023
Đại biểu tham quan gian trưng bày nông sản tại Hội nghị Kết nối giao thương - xúc tiến xuất khẩu Long An năm 2023

Liên kết, hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Bên cạnh tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Long An chú trọng đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản.

Tỉnh Long An đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy giao thương, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử. Đặc biệt, tăng cường kết nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ với các tỉnh, TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn vào kênh phân phối hiện đại của TP.HCM (siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch…).

Hiện có nhiều doanh nghiệp lớn của TP.HCM đã đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển các cơ sở phân phối, giúp gắn kết và hợp tác hiệu quả từ thu mua, tiêu thụ sản phẩm, bình ổn thị trường tại địa phương.

- Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An đã hỗ trợ trên 300 lượt doanh nghiệp tham gia các sự kiện kết nối giao thương với các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến.

 -Vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh Long An (http://longantrade.com/) để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm kết nối với Sàn thương mại điện tử hợp nhất của Bộ Công thương (https://sanviet.vn/)... Đến nay, đã có 68 gian hàng tham gia Sàn với 265 sản phẩm).

-Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Long An, như gạo, thanh long, chanh không hạt, chuối, mít, thủy sản chế biến, rau quả…, đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023.

Thời gian qua, Sở Công thương Long An duy trì mối liên hệ thường xuyên với các hệ thống phân phối như Co.op Mart, Go!, San Hà, siêu thị Tứ Sơn, các chợ đầu mối..., để kết nối tiêu thụ, tăng lượng mua hàng hóa nông sản của địa phương. Lũy kế đến nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được 282 hợp đồng cung ứng hàng hóa với doanh nghiệp các tỉnh, TP.HCM.

Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và liên kết tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Long An với thị trường TP.HCM diễn ra thường xuyên, bình quân từ 5 - 10 sự kiện/năm. Đây là các sự kiện lớn, chuyên ngành và mang tầm quốc tế, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, phát triển xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Long An cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM thường xuyên thông tin, giới thiệu kết nối nguồn hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu trên nhiều lĩnh vực hàng hóa, logistics…; hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài theo chương trình của TP.HCM; phối hợp thực hiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Long An tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM, cũng như kịp thời định hướng, thông tin các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm khi cung ứng hàng hóa vào thị trường TP.HCM.

Nhiều hàng hóa nông sản của tỉnh Long An tham gia, duy trì cung cấp vào các kênh phân phối tại TP.HCM như: Chợ đầu mối Bình Điền khoảng 200 tấn/đêm; Chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 140-160 tấn/đêm; cung ứng vào các siêu thị, nhà hàng, các chuỗi cửa hàng tiện ích tại TP.HCM.

Đồng thời, tỉnh Long An còn hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, giúp quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường, phát triển giao dịch thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử uy tín như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart; giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh trên báo đài, zalo, facebook, fanpage, trang thông tin điện tử của Sở Công thương Long An, cũng như tại các sự kiện kết nối giao thương kể cả trực tiếp và trực tuyến.

Theo Sở Công thương Long An, vừa qua, Sở đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH dịch vụ EB (EBS) - đại diện Central Retail và Công nghệ OSB - đại diện Sàn thương mại điện tử Alibaba về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh Long An, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp. Đến nay, đã có 24 doanh nghiệp của tỉnh hợp tác với Central Retail Việt Nam; 30 doanh nghiệp Long An tham gia sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba. Central Retail hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Trung tâm thương mại của Tập đoàn Central Retail Thái Lan.

Nhằm tiếp tục kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, hỗ trợ kết nối giao thương tìm thị trường đầu ra cho nông sản, Sở Công thương Long An cho biết, những tháng cuối năm nay, Long An sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như phối hợp Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu Long An năm 2024 (tháng 11/2024); triển khai hỗ trợ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tham gia kết nối cung cầu tại siêu thị Tứ Sơn ở An Giang, TP.HCM…

Long An thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao hơn 322 ha
KCN Bình Hòa Nam 1 có quy mô 322,30 ha, vị trí quy hoạch thuộc địa bàn xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ. Đây sẽ là KCN công nghệ cao và ít gây ô nhiễm môi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư