Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Long Hậu (LHG) khát vốn đầu tư dự án mới
Hạc Hiên - 01/07/2021 15:24
 
Với tham vọng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư dự án khu công nghiệp để bổ sung quỹ đất cho thuê sau này, Long Hậu đã thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt dự án.
.
Khu công nghiệp Long Hậu. 

Tại Đại hội cổ đông năm 2021 vừa tổ chức, CTCP Long Hậu (mã chứng khoán: LHG) đã thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt dự án mới, với tổng vốn đầu tư lên tới 5.995,95 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp ước tính sẽ sử dụng 3.255,95 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương ứng 54,3% tổng vốn đầu tư; 2.740 tỷ đồng vốn vay, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư.

Trong báo cáo thường niên năm 2020, Long Hậu cho biết, hiện tại các dự án như KCN Long Hậu với quy mô 137,02 ha, KCN Long Hậu mở rộng với quy mô 108,48 ha, khu lưu trú KCN Long Hậu với diện tích 15.182 m2 đều có tỷ lệ lấp đầy 100%.

Ngoài ra, Công ty đang phát triển dự án KCN Long Hậu 3 - giai đoạn I, với diện tích 123,98 ha, tính tới ngày 31/12/2020, doanh nghiệp đã thực hiện bồi thường được 108,67 ha, đạt 88% tổng diện tích của dự án, phần diện tích còn lại đang gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng do không thỏa thuận được giá đền bù.

Theo CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) ước tính tại Dự án KCN Long Hậu 3 - giai đoạn I, tỷ lệ lấp đầy hiện tại là 26%, diện tích cho thuê còn lại là 65 ha. Mỗi năm doanh nghiệp sẽ cho thuê khoảng 10-11 ha, doanh thu ước tính giai đoạn 2021-2026 là 2.194 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng cho thuê nhà xưởng cũng kỳ vọng tạo ra doanh thu, tuy nhiên không đóng góp trọng số như dự án KCN.

Ngoài ra, Long Hậu có thuyết minh trong báo cáo quý I/2021 về nghĩa vụ hoàn trả chi phí bố trí tái định cư cho Dự án KCN Long Hậu 1. Cụ thể, năm 2007, Công ty thanh toán các chi phí theo yêu cầu của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) số tiền 58,15 tỷ đồng, năm 2018 tiếp tục tạm ứng cho IPC số tiền 65,1 tỷ đồng. Nhưng Công ty nhận được từ IPC các văn bản thông báo số tiền tạm tính khác nhau tại ngày 15/6/2018 là 62,5 tỷ đồng, tại ngày 26/7/2018 là 111,1 tỷ đồng và ngày 23/8/2018 là 328,7 tỷ đồng. Tại thời điểm lập báo cáo, Công ty đang tiếp tục làm việc với IPC để xác định chi phí tái định cư này nên chưa thu thập đủ thông tin để xác định giá trị nền tái định cư của dự án và chưa ghi nhận chi phí bố trí tái định cư này.

Như vậy, rủi ro trong giai đoạn sắp tới khi doanh nghiệp đàm phán với IPC và phải ghi nhận chi phí bố trí tái định cư theo số tiền ngày 23/8/2018 là 328,7 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với số tiền mặt tại quỹ tiếp tục giảm xuống và ghi nhận chi phí đột biến trong kỳ.

Được biết, Long Hậu ghi nhận lợi nhuận năm 2017 là 165,8 tỷ đồng, năm 2018 là 176 tỷ đồng, năm 2019 là 142,7 tỷ đồng và năm 2020 là 198,6 tỷ đồng. Như vậy, so với mức lợi nhuận trung bình hàng năm, số tiền (nếu có thỏa thuận với IPC) về chi phí bố trí tái định cư cho Dự án KCN Long Hậu 1 sẽ chiếm trọng số và nếu như doanh nghiệp ghi nhận 1 lần trong một năm tài chính nhất định, điều này sẽ ảnh hưởng trọng yếu tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tính tới ngày 31/3/2021, Long Hậu đang sở hữu tổng lượng tiền và đầu tư tài chính là 1.080,3 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng tài sản; tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 204,1 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng tài sản.

Như vậy, với nhu cầu đẩy mạnh phát triển quỹ đất khu công nghiệp trong giai đoạn sắp tới, với tổng vốn đầu tư lên tới 5.995,95 tỷ đồng, trong khi lượng tiền mặt hiện tại chỉ chiếm 18% tổng vốn đầu tư và 33% nhu cầu vốn chủ sở hữu để phục vụ việc đầu tư dự án, Long Hậu đang khát vốn để triển khai đồng bộ các dự án tạo quỹ đất cho thuê sau này. Việc này có thể dẫn tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh huy động vốn chủ sở hữu, cũng như vốn vay mới có đủ vốn thực hiện các dự án nêu trên.

Một điểm đáng chú ý trong Đại hội cổ đông năm 2021 khi ông Võ Tấn Thịnh được bầu vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025. Được biết, ông Thịnh đang sở hữu 20,02% vốn điều lệ và là cổ đông lớn thứ hai sau cổ đông IPC sở hữu 48,67% vốn điều lệ.

Trong năm 2020, ông Thịnh liên tục gom vào cổ phiếu LHG để trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau cổ đông Nhà nước. Ông Thịnh là Tổng giám đốc Công ty Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát, với vốn điều lệ đăng ký là 350 tỷ đồng, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà xưởng, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Năm 2006, Công ty Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát đầu tư dự án KCN Thịnh Phát tại Long An với diện tích 74 ha. Đến cuối năm 2018, dự án này được Thủ tướng chấp thuận mở rộng quy mô lên 113 ha.

Ông Thịnh được biết đến là người sở hữu khối tài sản lớn sau khi ông và người liên quan đã bán 100% vốn tại Thipha Cable và một số đơn khác như CTCP Kim loại màu và Nhựa Đồng Việt cho Tập đoàn Stark của Thái Lan, ước tính giá trị giao dịch 240 triệu USD, tương đương 5.600 tỷ đồng.

Giới đầu tư kỳ vọng Long Hậu có thể được bổ sung thêm kinh nghiệm của ông Võ Tấn Thịnh trong phát triển các dự án KCN, cũng như có thể hỗ trợ một phần tài chính của mình cho Long Hậu trong thời gian tới để đẩy mạnh triển khai đồng loạt các dự án đang lên kế hoạch đầu tư. Được biết, với tiềm lực tài chính hiện tại, Long Hậu khó lòng thực hiện đồng bộ tất cả các dự án cùng thời điểm do quỹ tiền có giới hạn, trong khi nhu cầu vốn đầu tư lớn.

Vĩnh Long: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án khu công nghiệp Đông Bình
Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) Đông Bình, với quy mô sử dụng đất là 350 ha, tổng vốn đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư