Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Long Mỹ (Hậu Giang) phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp
Huy Tự - 05/02/2016 21:03
 
Ông Lê Văn Khởi, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cho biết, huyện Long Mỹ sẽ tận dụng thế mạnh tự nhiên để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững.

Sau khi chia tách đơn vị hành chính mới, huyện Long Mỹ đã tập trung vào những tiềm năng và lợi thế lớn nào để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, thưa ông?

Ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 933/NQ-UBTVQH13, tách một phần diện tích huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ. Hiện tại, huyện Long Mỹ có 8 đơn vị hành chính cấp xã.

Là huyện nông thôn của tỉnh Hậu Giang, Long Mỹ được biết đến với nhiều di tích văn hoá lịch sử như căn cứ Khu ủy Tây Nam bộ, Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, được người dân địa phương xây dựng trong khói lửa ác liệt của chiến tranh... Huyện có tiềm năng đất đai với quy mô lớn. Môi trường, thổ nhưỡng của huyện rất thích hợp cho cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất lớn, hiệu quả bền vững, nguồn lao động nông nghiệp dồi dào, người dân cần cù, sáng tạo và năng động…

Huyện Long Mỹ tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phục vụ thiết thực đời sống người dân, nhất là giao thông
Huyện Long Mỹ tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phục vụ thiết thực đời sống người dân, nhất là giao thông

Hiện trên địa bàn huyện có Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (diện tích 5.200 ha) đầu tiên của vùng ĐBSCL. Trên cơ sở quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, huyện sẽ xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thu hút vốn, quy tụ các nguồn lực vào sản xuất, góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, nâng cao đời sống thu nhập người dân là nhiệm vụ rất quan trọng của huyện, nhất là ở địa phương vừa chia tách như Long Mỹ, ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Sau khi chia tách, cơ quan hành chính mới của huyện dời về xã Vĩnh Viễn với xuất phát điểm hầu như không có gì, kinh tế thuần nông, hạ tầng cơ sở còn yếu kém… Cùng với ổn định nơi làm việc, cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện, huyện Long Mỹ tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn như: khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản phát triển theo chiều sâu, chất lượng và bền vững. Xây dựng các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, xây dựng nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp điển hình tiên tiến, nâng chất lượng mô hình trang trại, cải tạo vườn tạp. Hoàn thiện và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đổi mới diện mạo nông thôn lên một bước… Nhờ vậy, năm qua, Long Mỹ tăng trưởng đạt 9,03%, giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 28,59 triệu đồng/năm, đạt 102,11% so với Nghị quyết đề ra.

.
Ông Lê Văn Khởi, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang)

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm và có những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phục vụ thiết thực đời sống người dân, nhất là lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, chợ... Đến nay, toàn huyện thực hiện được 57.250 m2 đường giao thông, đạt 221% chỉ tiêu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện năm qua đạt  815 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện các công trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều công trình trọng điểm. Trong năm qua, huyện đã tổ chức khánh thành và khởi công 8 công trình dự án có vốn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và 8 công trình trường học.

Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khá cao, 97%. Tổng số hộ có điện trong toàn huyện đạt 99,54%, góp phần nâng thêm một bước đời sống kinh tế, sinh hoạt và văn hoá tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Thời gian tới, Long Mỹ sẽ tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Long Mỹ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng, khu vực theo quy hoạch. Kết hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang”, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả và chương trình xây dựng nông thôn mới thiết thực và gắn kết với cộng đồng địa phương…

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất. Thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện.

Đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ, du lịch cả về quy mô, lĩnh vực hoạt động và chất lượng, tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như: phát triển thương mại và dịch vụ thương mại; quản lý tốt dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tín dụng, ngân hàng, dịch vụ ăn uống... Xây dựng tuyến du lịch miệt vườn, du lịch tâm linh và Khu di tích chiến thắng Chương Thiện (xã Vĩnh Viễn) và Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm).

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động trong cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài huyện, huy động sự đóng góp của nhân dân, tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, đô thị, nước sạch. Thực hiện các công trình chuyển tiếp, tăng cường sự phối hợp, trách nhiệm giữa các ngành, phối hợp giữa cấp tỉnh, huyện, thực hiện tốt các quy trình thủ tục sớm triển khai các công trình, dự án theo kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phấn đấu giải ngân đạt từ 95% trở lên.

Về phát triển đô thị: thực hiện đồng bộ đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thành chi tiết quy hoạch khu vực trung tâm huyện, ở các trục giao thông mới và quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị các xã, gắn kết hài hòa với quy hoạch đô thị mới và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Vận dụng cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ, kêu gọi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các khu đô thị và các lĩnh vực khác. Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị theo hướng xã hội hóa. Xây dựng trung tâm xã Xà Phiên, Vĩnh Thuận Đông trở thành đô thị loại 5 và phát triển xã Vĩnh Viễn trở thành đô thị loại 4.

Cụ thể, Long Mỹ sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng ngày càng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; ưu tiên cho cây lúa, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, mở rộng mô hình liên kết 4 nhà, cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Hai là, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trọng tâm là giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, từng bước hình thành các cụm kinh tế - xã hội. Tranh thủ nguồn vốn của tỉnh, Trung ương xây dựng khu hành chính của huyện, đường ô tô về trung tâm xã Vĩnh Viễn A, đền thờ Bác Hồ xã Lương Tâm.

Ba là, tích cực chăm lo cho người nghèo, người thiếu việc làm, thu nhập thấp; giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, người hoạt động kháng chiến và các đối tượng bảo trợ xã hội.

Bốn là, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phát huy dân chủ; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA HUYỆN LONG MỸ NĂM 2016:

Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) đạt 2.599 tỷ đồng, trong đó, Khu vực I: 1.436 tỷ đồng, Khu vực II: 423 tỷ đồng và Khu vực III: 740 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế: Khu vực I (nông, lâm, thủy sản): 55,25%; Khu vực II (công nghiệp, xây dựng): 16,27%; Khu vực III (thương mại, dịch vụ): 28,48%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn: 830 tỷ đồng

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 279,242 tỷ đồng. Giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 95% trở lên theo kế hoạch vốn tỉnh giao.

Tập trung xây dựng xã Vĩnh Thuận Đông, xã Lương Tâm đạt cơ bản từ 15 - 17 tiêu chí nông thôn mới.

Cải tạo từ 25 - 30% diện tích vườn tạp

Nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức giảm sinh 0,05‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 10,9‰.

Giảm hộ nghèo từ 2% trở lên, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1-2%.

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi còn dưới 13,5%. Suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi dưới 25,1%

Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 96%, tỷ lệ chất thải rắn ở trung tâm các xã được thu gom đạt 98%. Tỷ lệ hộ dân khu vực chợ, trung tâm xã, khu dân cư tập trung được cấp nước sạch 100%. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 99,78% trở lên.

Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó điện an toàn 96,5%.

Giải quyết việc làm 2.000 lao động; dạy nghề cho 500 lao động.

Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 73,5% dân số.

Huy động trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ đạt 65%; trẻ 3 - 5 tuổi vào mẫu giáo đạt từ 70%. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp dưới 1%. Có 5 trường đạt chuẩn quốc gia (nâng tổng số lên 21 trường).

Công tác tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao; xây dựng, huấn luyện diễn tập và giáo dục quốc phòng - an ninh đạt kế hoạch. Kiềm chế tội phạm hình sự và kéo giảm tai nạn giao thông, tất cả phải giảm 5% so với cùng kỳ năm 2015.

Xây dựng chính quyền xã đạt trong sạch vững mạnh từ 85 - 90%.
Nhật Bản muốn hợp tác phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL
Nhận lời mời của Ban tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) - Sóc Trăng 2014, tỉnh Ibaraki có thế mạnh về nông nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư