Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Lừa đảo xuất khẩu lao động ở Thanh Hóa
Sỹ Chức - 04/07/2013 06:14
 
Gần đây, thông qua môi giới, nhiều người ở tỉnh Thanh Hóa đã bị lừa đảo đi lao động xuất khẩu  ở Angola, Libya...Sự việc chỉ được phát giác khi một số nạn nhân may mắn trở về và trình báo với chính quyền địa phương. 
TIN LIÊN QUAN

Lừa đưa lao động đi Angola

Qua quá trình điều tra, tìm hiểu về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phóng viên Báo Đầu tư điện tử được biết, riêng tại xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) có 13 trường hợp bị lừa đảo sang làm việc tại Angola. Sự việc chỉ được phát giác, khi một số nạn nhân may mắn trở về và trình báo với chính quyền địa phương.

Bà Bùi Thị Thanh, mẹ anh Triệu Văn Tuấn (một nạn nhân bị lừa lừa đảo
đi xuất khẩu lao động tại Angola) kể lại toàn bộ vụ việc

Theo thông tin ban đầu, ngày 8/5/2013, UBND xã Ngư Lộc đã nhận được đơn tố cáo của 12 hộ gia đình đề nghị can thiệp việc con, em, người thân của họ bị lừa đảo khi đi làm việc tại Angola.

Cụ thể, thông qua môi giới của Nguyễn Văn Hà, người thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, 13 người đã ký hợp đồng đi lao động nước ngoài tại Angola.

Song khi sang tới Angola theo hợp đồng, số người này lại không có việc làm, bị ngược đãi, sức khỏe sa sút và thậm chí, ngay cả tính mạng cũng bị đe doạ.

Căn cứ vào đơn thư này, UBND xã Ngư Lộc đã làm việc với Hà và được biết, trung tuần tháng 1/2013, Hà đã môi giới số người trên ký hợp đồng với Công ty Tổng hợp II (có địa chỉ tại tòa nhà C6, Mỹ Đình I, quận Từ Liêm, Hà Nội) để đi lao động có thời hạn tại Angola. Hiện tại, xã Ngư Lộc đã có 8 người đi lao động tại Angola (theo sự môi giới của Hà) về nước.

Theo thông tin do UBND xã Ngư Lộc cung cấp, phóng viên Baodautu.vn đã đến nhà nạn nhân Triệu Văn Tuấn (ở thôn Thành Lập, Ngư Lộc).

Trở về sau hơn 3 tháng tại Angola, cuộc sống của gia đình anh Tuấn nay lâm vào cảnh nợ nần, riêng anh Tuấn đã tiếp tục ra Hà Nội tìm việc làm để có tiền trả nợ.

Bà Bùi Thị Thanh, mẹ anh Tuấn kể lại: “Cuối năm 2012, thông qua môi giới của anh Hà, gia đình tôi đã nộp hơn 136 triệu đồng tiền mặt. Cộng thêm tiền khám sức khỏe, làm thủ tục, tiêm phòng, chứng chỉ…, tính ra, tổng chi phí bình quân lên tới gần 200 triệu đồng/người. Công ty hứa hẹn, tùy năng lực của từng người, mức lương bình quân là 800 USD/tháng, được bao mọi chi phí ăn ở…”. Song trên thực tế, sau khi đặt chân tới Angola, anh Tuấn đã không được bất cứ một công ty, tổ chức nào đón nhận, không có việc làm, bị các cơ quan an ninh nước sở tại bắt, đưa về khu nhà hoang để ở tạm.

Trước tình thế đã rồi, bơ vơ nơi xứ người, lại bất đồng về ngôn ngữ, số lao động trên chỉ còn biết trông chờ vào sự giải cứu của gia đình thông qua việc gây sức ép đối với người môi giới. Khi các gia đình gây sức ép với Hà, thì chính Hà đã yêu cầu gia đình đưa tiền mua vé máy bay cho các nạn nhân trở về.

Người lao động như “ếch bỏ rọ”!

Tình trạng người lao động ở Thanh Hóa bị lừa đi làm việc tại Libya, cũng tương tự như đi Angola.

Hai tháng sau khi thoát khỏi Libya trở về, anh Lê Sỹ Ngọc (ở xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương) vẫn chưa hết cảm giác bàng hoàng, sợ hãi, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng đi lao động nơi xứ người. Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2012, khi có một người giới thiệu là nhân viên của Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực Việt - Nhật (VITECH.,JSC có địa chỉ tại số 7, Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội) về xã môi giới tuyển dụng đi xuất khẩu lao động. Sau khi nộp 40 triệu đồng, một tuần sau, anh Ngọc đã được người môi giới làm thủ tục đi lao động ở Libya.

“Sang Libya làm việc gần nửa năm, với nhiều chỗ làm việc khác nhau, song tôi không hề nhận được bất cứ một đồng lương nào. Điều kiện làm việc thiếu thốn đủ thứ, lại bị ngược đãi, khi bị tai nạn lao động cũng không được đưa đi chữa trị. Vì thế, tôi đã tìm cách liên hệ với đơn vị xuất khẩu lao động để được về nước”, anh Ngọc kể lại.

Cùng cảnh ngộ trên, anh Lê Sỹ Anh (người cùng xã Quảng Trạch) đi Libya cùng đợt với anh Ngọc cho biết, trước khi sang Libya, đại diện Công ty Việt Nhật hứa hẹn, ngoài mức lương 350 USD/tháng, người lao động được bao ăn, ở, điều trị khi ốm đau, bệnh tật… Những điều này còn được ghi rõ trong Hợp đồng đi làm việc tại Libya được ký kết giữa Công ty Việt Nhật với người lao động. Tuy nhiên, khi sang Libya, người lao động mới biết, các điều kiện như trong hợp đồng đều không có thực.

Anh Sỹ Anh cho biết, mỗi ngày, mỗi người chỉ được cấp 400 gr gạo, 120 gr thịt gà hộp, nước uống từ giếng khoan (không được đun sôi). Trong khi đó, công việc lao động cơ bắp cực nhọc, mỗi ngày một người lao động (nghề thợ xây) phải xây được 97 viên gạch, (bình quân mỗi viên gạch nặng khoảng 18 kg). Sau hai tháng làm việc như thỏa thuận, nhưng anh vẫn không nhận được lương; khi có khúc mắc thì bị ngược đãi, đánh đập…

“Chúng tôi như “ếch bỏ rọ”, khi ở nơi đất khách quê người, lại bất đồng ngôn ngữ, công việc không như thỏa thuận, điều kiện ăn uống thiếu thốn… Anh em đình công thì bị đuổi khỏi công trường”, anh Sỹ Anh bức xúc và cho biết, khi người lao động đề nghị được đưa về nước, đại diện Công ty đã có hành vi dọa nạt, ép lao động viết đơn tự nguyện về, thông báo về nhà gửi sang 2.000 USD để lấy tiền mua vé về nước, hoặc ở lại lao động thêm 2 tháng để lấy tiền về.

Được biết, từ đầu năm đến nay, ở xã Quảng Trạch có 15 người đã phải về nước trước thời hạn. Ở đây có một điều rất khó hiểu là, khi về tới Việt Nam, thì mọi người mới biết tất cả các visa đi làm việc tại Libya chỉ có thời hạn 45 ngày, tức là đều đã hết hạn từ lâu.

Lỗ hổng trong quản lý

Được biết, trêân địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tuyển dụng, đào tạo và xuất khẩu lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử, ông Lê Quang Tích, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết, cho đến thời điểm hết tháng 5/2013, cơ quan này chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho phép doanh nghiệp tuyển dụng lao động xuất khẩu tại Angola.

Ông Tích cho biết thêm, với một số thị trường xuất khẩu lao động khác, như Libya..., khi về địa phương tuyển lao động, doanh nghiệp tỉnh ngoài (không thuộc diện trong danh sách đăng ký trên) chỉ cần đảm bảo đủ tư cách pháp nhân, không cần thông báo kế hoạch tuyển dụng, các điều kiện tuyển dụng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cũng không cần qua chính quyền địa phương các cấp.

Thực tế, các vụ việc lừa đảo xuất khẩu lao động đi nước ngoài đều bắt nguồn từ những trường hợp thông qua môi giới. Hiện tại, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương hầu như không thể có biện pháp và chế tài gì để can thiệp và xử lý. Chỉ khi vụ việc đã xảy ra, có đơn thư tố cáo, thì các cơ quan chức năng mới có thể vào cuộc.

Chính sách xuất khẩu lao động là phù hợp với nguyện vọng của người lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập để xóa đói, giảm nghèo và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động... Song qua những trường hợp kể trên, việc người lao động bị lừa đảo đã tạo tâm lý và dư luận không tốt một phần cũng do những lỗ hổng trong cơ chế quản lý hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư