Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Lúng túng định vị thương hiệu du lịch Việt
Phan Long - 25/08/2013 15:50
 
Du lịch Việt Nam gần như chưa có thương hiệu bởi nhắc đến Việt Nam, du khách không biết sẽ nói đến thương hiệu nào.

Phát biểu tại Hội thảo “Định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam” tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch là yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Các chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, chiến lược quảng bá đến năm 2016-2020 đã chuẩn bị hoàn tất, đưa vào thực tiễn để thay đổi bộ mặt du lịch Việt Nam.

Du lịch Việt Nam gần như chưa có thương hiệu, bởi du khách
không biết sẽ nói đến thương hiệu nào

Nhận định về thương hiệu du lịch Việt Nam, PGS - TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cũng thừa nhận, Việt Nam chưa có thương hiệu du lịch, bởi các sản phẩm, thương hiệu đều nhàng nhàng giống nhau, mà thiếu sự bứt phá, nổi bật.

Một trong những khó khăn trong xây dựng thương hiệu du lịch là sự bất cập của cơ chế chính sách.

Theo cơ chế hiện hành, doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng 5% doanh thu cho hoạt động xúc tiến quảng bá.

Đây được xem là khoản đầu tư quá hẹp cho xây dựng thương hiệu, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ về quy mô kinh doanh.

Tuy nhiên, theo PGS -TS Phạm Trung Lương, có những cách để phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch rẻ tiền, ít tốn kém mà hiệu quả lại rất lớn. Trong đó, ẩm thực Việt Nam có thể là nền tảng tốt khi có tính biểu đạt và triết lý văn hóa cao, dễ truyền đạt nhưng lại tiết kiệm chi phí. “Ẩm thực Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại (chế biến nhanh, giàu dinh dưỡng).

Còn theo Ông Florian Sengstschmid, Chuyên gia Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ, mỗi địa phương cần xây dựng một thương hiệu cho mình dựa trên giá trị biểu trưng, độc đáo, bền vững với chiến lược xuyên suốt trong thời gian 3-5 năm hoặc dài hơn.

Đồng quan điểm, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho rằng, thương hiệu du lịch quốc gia có thể được hình thành qua thương hiệu của một vùng, một điểm đến nổi bật hoặc sự thành công của một doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, giống như Thái Lan gắn với Phuket, Indonesia gắn với Bali, Malaysia gắn với tháp đôi Petronas…

Do đó, Việt Nam cần tập trung đầu tư và quảng bá một số khu du lịch nổi bật, tạo điểm nhấn trong hình ảnh du lịch quốc gia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư