Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Lướt sóng” ngàn tỷ từ mảnh đất công của Vinafood 2 - Bài 3: “Phù thủy” tài chính và sự trùng hợp kỳ lạ
Ngô Nguyên - 09/11/2023 08:35
 
Mảnh đất mua với giá 730 tỷ đồng bỗng vọt lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ trong 11 tháng thông qua những lần định giá, chấp nhận cho vay ngắn hạn. Đó chính là chiêu thổi giá, đảo nợ có bàn tay của “phù thủy” tài chính.
Mảnh đất mua với giá 730 tỷ đồng bỗng vọt lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ trong 11 tháng thông qua những lần định giá, chấp nhận cho vay ngắn hạn. Đó chính là chiêu thổi giá, đảo nợ có bàn tay của “phù thủy” tài chính. Kỳ lạ là, nhiều công ty được Ngân hàng SCB giải ngân liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.

 Bài 3: “Phù thủy” tài chính và sự trùng hợp kỳ lạ

Mảnh đất mua với giá 730 tỷ đồng bỗng vọt lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ trong 11 tháng thông qua những lần định giá, chấp nhận cho vay ngắn hạn. Đó chính là chiêu thổi giá, đảo nợ có bàn tay của “phù thủy” tài chính. Kỳ lạ là, nhiều công ty được Ngân hàng SCB giải ngân liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.

SCB nhận thế chấp đất có dự án khống để cho vay

Sau khi thâu tóm xong mảnh đất công hơn 6.200 m2 từ Vinafood 2, theo xác minh của Thanh tra Chính phủ, Công ty Việt Hân Sài Gòn lập Dự án The Goldmark Premium Tower khống trên mảnh đất. “Khống vì không tồn tại dự án này, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Nhưng một tháng sau, khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh lần thứ 5 (thay đổi vốn góp từ Công ty Việt Hân và Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông sang Công ty cổ phần Saigon Dimension nắm giữ 60% vốn góp, Công ty Đầu tư BOB nắm 40% vốn góp), Công ty Việt Hân Sài Gòn (vẫn giữ nguyên tên) thuê Công ty Thẩm định giá BTE (xin viết tắt tên) thẩm định giá toàn bộ 4 cơ sở nhà đất “thuộc Dự án The Goldmark Premium Tower” được gần 7.300 tỷ đồng, tức vọt lên gấp gần 10 lần chỉ sau 11 tháng mua lại với giá 730 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Việt Hân Sài Gòn thế chấp sổ đỏ “thuộc Dự án The Goldmark Premium Tower”, phối hợp với 2 chi nhánh Phạm Ngọc Thạch và Củ Chi của Ngân hàng SCB và các cơ quan công chứng để thực hiện ký cùng lúc 7 hợp đồng thế chấp có cùng giá trị tài sản bảo đảm gần 7.300 tỷ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của nhiều doanh nghiệp vay vốn.

Các hợp đồng vay vốn của nhiều công ty lại cùng mục đích sử dụng vốn vay là “bổ sung vốn để thực hiện thi công Dự án The Goldmark Premium Tower giai đoạn I tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất”.

Một góc mảnh đất vàng của Vinafood 2 đã sang tay tư nhân
Một góc mảnh đất vàng của Vinafood 2 đã sang tay tư nhân.

Đảo nợ, thổi giá đất?

“Soi” kỹ việc vay và trả nợ, chúng tôi phát hiện, các khoản vay này khi đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác, nhưng cùng một “mẹ” để giải ngân như cho vay mới. Phương thức và cách làm này được lặp lại nhiều lần, với số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước.

Minh chứng, lần vay đầu tiên, từ tháng 2 đến tháng 3/2017, SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch giải ngân hơn 5.800 tỷ đồng.

Tháng 8/2017, sau khi trả nợ hết gốc và lãi cho các hợp đồng vay trên, Công ty Việt Hân Sài Gòn chuyển sang thế chấp vay tại SCB - Chi nhánh Củ Chi và được giải ngân gần 5.400 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2018, sau khi trả hết nợ gốc và lãi vay, Công ty Việt Hân Sài Gòn lại thế chấp tại SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ cùng một nội dung, chỉ thay đổi số hợp đồng và giải ngân hơn 6.300 tỷ đồng.

Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo gần 7.300 tỷ đồng và lập hồ sơ Dự án đầu tư khống lấy tên là The Goldmark Premium Tower rồi thế chấp, để các công ty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn (vay món) của SCB, có mục đích sử dụng vốn vay là “bổ sung vốn để thực hiện thi công Dự án The Goldmark Premium Tower giai đoạn I tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này” và được giải ngân ngay. Các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này khi đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác giải ngân như cho vay mới. Phương thức và cách làm này được lặp lại nhiều lần như nhau, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước là vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Quy chế Cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng của Thống đốc ngân hàng Nhà nước, Chính sách tín dụng, Quy chế Phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần.

- Thanh tra Chính phủ

Theo một chuyên gia ngân hàng, ở đây có bàn tay “phù thủy tài chính”, đã dùng chiêu trên để đạt 3 mục tiêu: “thổi” giá đất lên gấp gần 10 lần, từ 730 tỷ đồng lên gần 7.300 tỷ đồng trong thời gian cực ngắn (11 tháng); vay được nguồn tiền lớn hơn giá trị thế chấp cho các công ty con đảo nợ; rút ruột ngân hàng.

Trong trường hợp không trả được nợ và với giá trị mảnh đất thế chấp không đúng giá trị thật, thì việc ngân hàng chấp thuận cho vay ngắn hạn tới 6.300 tỷ đồng sẽ bị thiệt hại lớn khi thanh lý tài sản thu hồi vốn.

Trong khi đó, ở lần vay cuối cùng với hơn 6.300 tỷ đồng, theo giải trình của SCB với Thanh tra Chính phủ, đến tháng 4/2019, các công ty vay đã đề nghị dùng giá trị bất động sản của Dự án Khu dân cư Lô 9A2-Khu 9A+ B, Khu chức năng số 9 - Đô thị mới Nam Thành phố (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Việt Liên Á để thay thế sổ đỏ thế chấp của Công ty Việt Hân Sài Gòn.

SCB cho vay nhiều công ty “dính” đại án Vạn Thịnh Phát

Ở lần thứ nhất, Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp và được SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch giải ngân hơn 5.800 tỷ đồng cho 9 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Three Dimension (932 tỷ đồng), Công ty cổ phần Global Fortune (931 tỷ đồng), Công ty cổ phần Four Square (933 tỷ đồng), Công ty cổ phần Union Trend (923 tỷ đồng), Công ty cổ phần Gold Stone (302 tỷ đồng)…

Lần thứ hai, Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục ký hợp đồng thế chấp sổ đỏ của khu đất và được SCB - Chi nhánh Củ Chi giải ngân gần 5.400 tỷ đồng cho 7 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư Gimpo (849 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Masa (862 tỷ đồng), Công ty cổ phần Galaxy Dragon (868 tỷ đồng), Công ty cổ phần Rich Power (870 tỷ đồng)…

Lần cuối cùng, SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch giải ngân hơn 6.300 tỷ đồng cho 7 công ty, gồm Công ty cổ phần Bạch Minh Long (928 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Nha (910 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Khai Gia (900 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Thanh Man (890 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Clover Peak (890 tỷ đồng)…

Trong số trên, có tới 14/23 doanh nghiệp được Công ty Việt Hân Sài Gòn sử dụng sổ đỏ của khu đất thế chấp và được SCB giải ngân nằm trong danh sách 762 công ty mà Bộ Công an đã “đóng băng” tài sản phục vụ điều tra liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.

Nhiều công ty được vay lại cùng một đại diện pháp luật như Công ty cổ phần Theer Dimension và Công ty cổ phần Four Square có cùng người đứng tên đại diện pháp luật là ông L.V.T; Công ty cổ phần Global Fortune và Công ty cổ phần Union Trend do bà N.T.N đứng tên; Công ty cổ phần Đầu tư Gimpo và Công ty cổ phần Đầu tư Masa do ông D.H.T đứng tên…

Trùng hợp kỳ lạ trong việc “chọn mặt trao tiền” của SCB

Chiêu thức nhận thế chấp cho vay của SCB còn được áp dụng với Công ty cổ phần Tân Thành Long An (Tân Thành Long An), một doanh nghiệp cũng bị Bộ Công an “đóng băng” tài sản để điều tra liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát. Công ty này cũng đang là “điểm nóng” khi thế chấp đất cho SCB phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu và thế chấp bảo lãnh cho Vạn Trường Phát phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng không trả lãi lẫn gốc, khiến hàng ngàn trái chủ kêu cứu khắp nơi.

Cụ thể, năm 2011, Tân Thành Long An ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư sinh thái Vina Yến (thuộc Tập đoàn Hưng Thuận) thuê 45.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Việt Phát (Long An). Vina Yến đã thanh toán cho Tân Thành hơn 3,9 tỷ đồng.

Sau khi được cấp sổ đỏ, bao gồm cả diện tích đất mà Vina Yến đã thuê, thì đáng lẽ phải chuyển quyền sử dụng đất cho đối tác theo hợp đồng, Tân Thành Long An lại thế chấp tại SCB các chi nhánh Cống Quỳnh, Bến Thành, Chi nhánh 6, Phạm Ngọc Thạch, Đông Sài Gòn và Sài Gòn để bảo đảm cho hàng chục công ty khác vay vốn hơn 33.000 tỷ đồng.

Cụ thể, chỉ trong ngày 21/5/2018, Tân Thành Long An ký 9 hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho 19 doanh nghiệp được vay tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng; ngày 26/12/2018, Tân Thành Long An ký hợp đồng thế chấp và được Chi nhánh SCB cho Công ty Rise Crown vay 260 tỷ đồng; tháng 2/2019, Tân Thành Long An ký 14 hợp đồng thế chấp đảm bảo các khoản vay cho 14 doanh nghiệp và được giải ngân tổng cộng 9.200 tỷ đồng; ngày 2/4/2019, Tân Thành Long An lại ký 7 hợp đồng thế chấp và được SCB giải ngân 4.572 tỷ đồng cho nhiều doanh nghiệp khác.

Kỳ lạ và trùng hợp, nhiều công ty được Tân Thành Long An mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Vina Yến đi thế chấp các chi nhánh SCB để bảo đảm các khoản vay lại cũng có tên trong danh sách các doanh nghiệp được Công ty Việt Hân Sài Gòn thế chấp sổ đỏ và được SCB cho vay tiền, như Công ty cổ phần đầu tư Gimpo, Công ty cổ phần Rich Power...

Lại cũng trùng hợp, có nhiều công ty được SCB cho vay sau khi chấp nhận thế chấp của Tân Thành Long An cũng có tên trong danh sách 762 công ty mà Bộ Công an “đóng băng” tài sản phục vụ điều tra liên quan đại án Vạn Thịnh Phát.

(Còn tiếp)

“Lướt sóng” ngàn tỷ từ mảnh đất công của Vinafood 2 - Bài 2: “Thổi” miếng đất 730 tỷ đồng lên gần... 7.300 tỷ đồng
Chỉ bằng vài chiêu thế chấp bảo lãnh vay, mảnh đất công mà Vinafood 2 bán với giá 730 tỷ đồng đã vọt lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ sau… 11 tháng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư