Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
“Lướt sóng” ngàn tỷ từ mảnh đất công của Vinafood 2 - Bài 4: Đảo quốc tịch để trốn thuế
Ngô Nguyên - 11/11/2023 23:51
 
Trong thương vụ mua bán vốn góp lòng vòng ở Công ty Việt Hân Sài Gòn, cơ quan chức năng phát hiện, một cá nhân khi mua và bán vốn góp thì dùng quốc tịch Việt Nam, nhưng khi khai thuế thu nhập thì dùng quốc tịch nước ngoài để lách thuế.
Hơn 6.200 m2 đất công của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), sau khi bị phù phép thành “của tư” với giá 730 tỷ đồng, đã được lướt sóng đẩy lên hơn 2.000 tỷ đồng bằng chiêu bán vốn góp. Chưa hết, dù công ty của “đại gia” Đinh Trường Chinh lập dự án khống trên đất để thế chấp, nhưng lại được Ngân hàng SCB giải ngân hơn 6.300 tỷ đồng.

Bài 4: Đảo quốc tịch để trốn thuế

Trong thương vụ mua bán vốn góp lòng vòng ở Công ty Việt Hân Sài Gòn, cơ quan chức năng phát hiện, một cá nhân khi mua và bán vốn góp thì dùng quốc tịch Việt Nam, nhưng khi khai thuế thu nhập thì dùng quốc tịch nước ngoài để lách thuế.

Ở nước ngoài vẫn ký ủy nhiệm chi tại Việt Nam

Như Báo Đầu tư phản ánh, thời điểm năm 2015, Công ty Việt Hân của “đại gia” Đinh Trường Chinh chỉ phải bỏ ra tổng cộng 730 tỷ đồng góp và mua vốn góp để làm chủ hơn 6.200 m2 đất “kim cương” do Vinafood 2 quản lý.

Ngày 29/1/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ nhất, chính thức “xóa sổ” Vinafood 2, chuyển thành doanh nghiệp một thành viên và vẫn giữ tên cũ của liên doanh là Công ty Việt Hân Sài Gòn, giữ nguyên vốn điều lệ 800 tỷ đồng.

Khu đất vàng đang làm bãi giữ xe
Khu đất vàng đang làm bãi giữ xe

Chỉ một ngày sau khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh thay đổi lần thứ nhất nêu trên, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 00/20016/HĐCNVG/VH-SG chuyển ngang giá 99% vốn góp là 792 tỷ đồng cho bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng (1% vốn góp còn lại của Công ty Việt Hân).

Liên quan vụ việc và từ kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, từ tháng 9/2022, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 2834 thu hồi hơn 6.200 m2 đất theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai. Công ty Việt Hân Sài Gòn phải thực hiện bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để quản lý theo quy định pháp luật. Công ty này cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước và các nghĩa vụ tài chính khác.

Lại cũng chỉ một ngày sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 2 cho thương vụ mua bán trên, ngày 3/2/2016, bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng đã ký hợp đồng bán lại toàn bộ 99% vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông.

Theo Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 03/20016/HĐCNVG/VH-SG giữa hai bên, thì giá trị vốn góp mua ban đầu từ 792 tỷ đồng đã vọt lên 1.980 tỷ đồng, tức bà Hồng lời gần 1.200 tỷ đồng chỉ trong… 2 ngày.

Cùng ngày 3/2/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng lý kinh doanh thay đổi lần 3 cho chủ mới, nhưng vẫn giữ tên doanh nghiệp cũ là Công ty Việt Hân Sài Gòn.

Sau đó, Công ty Việt Hân và Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông cùng chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho 2 pháp nhân mới là Công ty cổ phần Saigon Dimension (nắm giữ 60% vốn góp) và Công ty Đầu tư BOB (nắm giữ 40% vốn góp), với giá trị chuyển nhượng tăng từ 1.980 tỷ đồng lên 2.250 tỷ đồng, tức là Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông lời 270 tỷ đồng.

Ở các thương vụ trên, theo cơ quan chức năng, trong thời gian 3 ngày làm việc (từ ngày 30/1/2016 đến ngày 3/2/2016), bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng đã nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện mua bán vốn góp và đăng ký thay đổi thành viên góp vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Điều kỳ lạ là, theo xác nhận của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng đã xuất cảnh từ ngày 10/2/2016 (và không nhập cảnh lại trong những ngày sau đó), nhưng 5 ngày sau, tức ngày 15/2/2016, bà Hồng lại ký trên 9 ủy nhiệm chi tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Hà Nội) với tổng số tiền 792 tỷ đồng để chuyển tiền từ tài khoản của bà Hồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam vào tài khoản của Công ty Việt Hân cũng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, với nội dung: “Chuyển một phần tiền theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 30/1/2016”.

Kỳ lạ hơn, cũng cùng ngày 15/2/2016, trong 20 ủy nhiệm chi do Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông chi trả 1.683 tỷ đồng tiền mua 99% vốn góp vào tài khoản của bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, lại có một số ủy nhiệm chi có cùng nét chữ của 9 ủy nhiệm chi do bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng lập trên.

Dùng hai quốc tịch để lách thuế

Trong thương vụ trên, theo xác minh của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian từ ngày 30/1/2016 đến ngày 3/2/2016, bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng dùng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh và dùng tư cách công dân Việt Nam để thực hiện việc mua bán, đăng ký thay đổi thành viên góp vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Tuy nhiên, khi khai thuế thu nhập, bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng lại dùng quốc tịch nước ngoài để được áp dụng thuế suất cho cá nhân không cư trú.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 27/4/2022, vụ sai phạm liên quan đến Dự án tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (TP. HCM) được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi.

Theo một chuyên gia, đây là chiêu lách thuế tinh vi, bởi khi sử dụng hộ chiếu với tư cách công dân Việt Nam, thì không phải áp dụng các thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khi khai thế thu nhập thì dùng quốc tịch nước ngoài để được áp thuế suất cho cá nhân không cư trú chỉ 0,1%, thay vì 20% trên giá chuyển nhượng trừ đi giá mua và chi phí hợp lý.

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, đây là chiêu trốn thuế, bởi có chênh lệch về thuế suất quá lớn giữa cá nhân không cư trú (0,1% trên giá chuyển nhượng) và cá nhân cư trú (20% của giá chuyển nhượng trừ đi giá mua và chi phí hợp lý) khi chuyển nhượng vốn góp.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng

Đối với chiêu lách thuế trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và các cơ quan thuế đã buông lỏng quản lý, lúng túng trong việc phối hợp thực hiện và quản lý hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp.

“Các cơ quan thuế không thể kiểm soát thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp, để xảy ra việc chuyển nhượng vốn góp lòng vòng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn qua cá nhân không cư trú để gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp và gian lận thuế thu nhập cá nhân”, Thanh tra Chính phủ nhận định.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất “vàng” hơn 6.200 m2 cho Vinafood 2 và sau đó, các công ty tư nhân dùng để thế chấp các chi nhánh SCB, “thổi” từ 730 tỷ đồng lên gần 7.300 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Vianfood 2 đã gian dối.

Sau khi đồng ý cho Vinafood 2 chuyển mục đích sử dụng đất này từ mục đích sản xuất, kinh doanh sang xây dựng cao ốc văn phòng và nhà ở cao tầng để bán và cho thuê, cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp phải lập phương án bồi thường di đời các hộ gia đình đang ở đi nơi khác.

Ngày 7/9/2010, Vinafood 2 có Văn bản số 3012/TCT/KT-XDCB đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp “sổ đỏ” với cam kết sẽ tự chịu trách nhiệm về việc đền bù giải tỏa các hộ dân đang ở trên khu đất nhằm tránh tranh chấp, khiếu nại ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận và chỉ triển khai dự án sau khi đã đền bù giải tỏa xong các hộ tại khu đất.

Bởi vậy, ngày 11/9/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền của UBND TP.HCM cấp sổ đỏ cho Vinafood 2 để thuận lợi trong việc lập thủ tục đầu tư dự án.

Tuy nhiên, Vinafood 2 không làm điều này, mà chuyển hướng bán sạch cả đất cho tư nhân để rồi phát sinh hàng loạt vụ “lướt sóng”, trong khi tới thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc (năm 2020), thì hàng chục hộ dân vẫn sống vất vưởng nơi đây và kêu cứu khắp nơi liên quan bồi thường giải tỏa.

“Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất này cho Vinafood 2 để thực hiện lập thủ tục dự án đầu tư khi Tổng công ty chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa bồi thường, di dời 34 hộ dân có hơn 150 nhân khẩu có hộ khẩu thường trú trên phần đất này, chưa thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật là chưa đúng với quy định pháp luật đất đai và chưa đúng với Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Ngoài các cơ quan trên, tại kết luận cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ quan thanh tra - giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra toàn diện các khoản vay liên quan đến việc sử dụng sổ đỏ và tài sản trên mảnh đất hơn 6.200 m2 nêu trên, xử lý nghiêm các vi phạm đối với tập thể, cá nhân có liên quan; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 2 làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan trong việc phối hợp với Công ty Việt Hân thực hiện trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện không đúng các quy định của pháp luật, nhằm chuyển dịch 4 cơ sở nhà, đất công có vị trí sinh lợi cao thuộc quyền quản lý sử dụng của Nhà nước cho tư nhân trái thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật.

Tới giờ này, kết quả xử lý của cơ quan liên quan chưa được công khai. Dù vậy, việc mới đây, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan vụ việc cho thấy sẽ… không có vùng cấm.

“Lướt sóng” ngàn tỷ từ mảnh đất công của Vinafood 2 - Bài 2: “Thổi” miếng đất 730 tỷ đồng lên gần... 7.300 tỷ đồng
Chỉ bằng vài chiêu thế chấp bảo lãnh vay, mảnh đất công mà Vinafood 2 bán với giá 730 tỷ đồng đã vọt lên gần 7.300 tỷ đồng chỉ sau… 11 tháng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư