Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
M&A ngân hàng vẫn đón chờ thương vụ khủng
Hà Tâm - 15/07/2013 07:15
 
(badautu.vn) Dự báo, từ nay đến năm 2017, sẽ có nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với giá trị lớn trong lĩnh vực ngân hàng.

Giờ đây, M&A không chỉ là giải pháp tái cơ cấu, mà còn là vũ khí cạnh tranh giữa các ngân hàng. Do đó, không chỉ các ngân hàng yếu kém trong diện phải tái cơ cấu, mà nhiều ngân hàng mạnh khác cũng lên kế hoạch tìm đối tác để M&A.

Thương vụ HD Bank và DaiA Bank được xem là thương vụ nổi bật trong nửa đầu năm 2013, góp phần làm tăng quy mô thị trường M&A. (Ảnh: S.T)

Hoạt động M&A sẽ sôi động trong vài năm tới

Ông Ed Johns, Phó giám đốc Bộ phận tư vấn của Công ty Kiểm toán PwC Việt Nam nhận xét, trong các tháng còn lại của năm 2013, sẽ còn một số thương vụ M&A diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng, không chỉ do áp lực tái cấu trúc, mà còn do nhu cầu phát triển, tăng năng lực cạnh tranh, chuyển giao công nghệ…

Báo cáo của Công ty Stoxplus cho thấy, trong tổng số 39 ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay, có 15 đơn vị đã có đối tác chiến lược cùng ngành. Chưa kể, trong số đó hiện vẫn còn 3 ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu.

Vì vậy, Công ty Stoxplus dự đoán, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Cụ thể, số lượng các ngân hàng thương mại sẽ giảm từ 39 hiện nay về 13-15 vào năm 2017. Đặc biệt, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào M&A trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng nhiều hơn, cùng với việc gia tăng “room” sở hữu cổ phần cho đối tác nước ngoài sắp được thực hiện.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng không nằm trong diện tái cơ cấu, nhưng đều lên kế hoạch M&A.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, Ngân hàng này mong muốn tìm các đối tác là các ngân hàng cổ phần có nền tảng và quy mô tương xứng để thảo luận khả năng M&A, nhằm mục đích tăng quy mô, thị phần, sức mạnh tài chính, khả năng cạnh tranh và giá trị ngân hàng.

Cùng với ABBank, một loạt ngân hàng khác, như MB, Maritime Bank, Eximbank, Southern Bank, DongA Bank… cũng đã bày tỏ mong muốn tìm đối tác phù hợp để thực hiện M&A.

Rõ ràng, trong bối cảnh tái cơ cấu ngân hàng, cộng với áp lực cạnh tranh và xu hướng nới “room” sở hữu của nhà đầu tư ngoại, làn sóng M&A gia tăng trong lĩnh vực ngân hàng là chắc chắn. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, M&A không chỉ là biện pháp cuối cùng để ngân hàng yếu kém thoát khỏi phá sản, mà còn là vũ khí để tăng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

Tuy nhiên, đối phó với khó khăn quản trị hậu M&A vẫn là thách thức lớn nhất khiến nhiều ngân hàng chần chừ trước khi thông qua kế hoạch M&A. Đây là điều dễ hiểu, bởi sau khi M&A, ngân hàng sẽ phải gánh một bộ máy cồng kềnh, tỷ lệ nợ xấu lớn, chưa kể đến những xung đột nhất định về văn hóa doanh nghiệp, nhân sự… Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, nhiều thương vụ M&A đã xong thủ tục pháp lý, song các ngân hàng mới hình thành vẫn chưa thể bứt phá. Nói cách khác, giá trị cộng hưởng của các thương vụ chưa được khẳng định

rõ ràng.

“Hầu hết các thương vụ M&A thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính, quản trị”, TS. Cao Sĩ Kiêm nhận xét.

Nhìn lại những thương vụ lớn

Theo báo cáo của Công ty Stoxplus, năm 2012 là năm sôi động nhất về M&A ngân hàng, khi có tới 2 thương vụ thâu tóm thù địch liên quan đến Sacombank và Southern Bank; 2 thương vụ đầu tư chiến lược trong nước (Tập đoàn DOJI đầu tư vào Tiên Phong Bank và Viettel rót vốn vào MB Bank), 1 thương vụ thâu tóm của Tập đoàn Thiên Thanh mua lại TrustBank. Tuy nhiên, thương vụ “khủng” nhất trên thị trường và lớn nhất trong lịch sử M&A Việt Nam là vụ Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi (Nhật Bản) đầu tư vào VietinBank.

Cái tên Trustbank đã chính thức biến mất khỏi thị trường, sau khi Ngân hàng TMCP Xây dựng ra mắt vào ngày 24/5. Không lâu sau đó, DaiA Bank cũng chính thức sáp nhập với HDBank.

Ngày 14/6/2013, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về mặt nguyên tắc việc PVFC và Western Bank hợp nhất. Cổ đông của Western Bank cũng đã nhất trí hợp nhất vào PVFC. Dự kiến, ngày 26/7 tới, PVFC sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bàn việc hợp nhất với Western Bank. Khi đó, việc hợp nhất hai tổ chức tín dụng này có thể coi như hoàn tất về mặt thủ tục.

Ngân hàng hợp nhất PVFC - WesternBank sắp ra mắt
 Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc hợp nhất giữa PVFC và WesternBank.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư