Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Mắc ung thư gan do không điều trị viêm gan B
D.Ngân - 02/06/2023 07:05
 
Theo phản ánh từ các cơ sở y tế thời gian gần đây nhiều người không biết mình mắc viêm gan, khi tới viện thì đã muộn, chuyển sang ung thư gan.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường tiếp nhận bệnh nhân nhiễm viêm gan B, xơ gan giai đoạn muộn vào thăm khám và điều trị, trong số đó, nhiều người không biết mình mắc viêm gan, khi tới viện thì đã muộn, chuyển sang ung thư gan.

Bệnh nhân viêm gan B đang điều trị tại cơ sở y tế.

Điển hình là trường hợp ông N.K.H (68 tuổi ở Tiên Du, Bắc Ninh) mà Bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị. Ông H. có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhiều năm. 

Hai tháng nay, ông thường xuyên xuất hiện những cơn khó thở và tự ý mua thuốc Nam về uống, tình trạng khó thở không cải thiện, tăng dần lên. Ông được chuyển đến bệnh viện huyện điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Khi có kết quả xét nghiệm men gan tăng, ông được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, được xét nghiệm có HBsAg dương tính và chẩn đoán là bị viêm gan B mạn. Sau 3 tuần điều trị, tình trạng vàng da, bụng chướng tăng lên. Ông được chuyển tiếp lên bệnh viện tuyến trên. 

Sau 10 ngày tình trạng bệnh đỡ, giảm, ông được chuyển trở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị tiếp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian, ông H. xuất hiện ý thức chậm dần, mệt mỏi, vàng da, chướng bụng tăng dần kèm khó thở.

Sau đó, ông được chuyển đến Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng da củng mạc mắt vàng, phù 2 chi dưới, tiểu ít, bụng chướng căng được chẩn đoán suy gan cấp, viêm phổi, viêm gan B, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bệnh tình của ông ngày một nặng lên và được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, tiền hôn mê gan, xơ gan. Khi siêu âm ổ bụng cấp kết quả theo dõi u dưới gan chưa loại trừ xuất huyết vùng túi mật.

Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng, tiên lượng tử vong, gia đình xin về chăm sóc tại nhà.

ThS. Nguyễn Quốc Phương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại Việt Nam có 8-10% dân số mắc viêm gan B, tương đương khoảng 8-10 triệu người. 

Bệnh viêm gan B không biểu hiện triệu chứng bên ngoài (trừ viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn). Vì vậy, người bệnh không đi khám và không phát hiện được mình bị nhiễm virus viêm gan B.

Để phòng bệnh và quản lý theo dõi, điều trị tốt bệnh viêm gan B, bác sĩ Nguyễn Quốc Phương khuyến cáo, người dân cần chủ động đi xét nghiệm, sàng viêm gan B xem có bị mắc viêm gan B không để còn có kế hoạch quản lý, theo dõi và điều trị.

Nếu người bệnh đã có bệnh về gan thì tuyệt đối không được dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ đặc biệt là thuốc Nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện bị viêm gan B cần phải theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng viêm gan B gây ra như xơ gan và ung thư gan.

Ung thư gan nguyên phát (HCC) có thể xuất hiện trên nền gan lành (chưa xơ hóa hay xơ gan) ở người bệnh viêm gan B. Nếu được chẩn đoán sớm thì sẽ có những can thiệp điều trị sớm và tốt nhất cho người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các cách có thể làm lây truyền virus viêm gan B.

Ngoài tiêm phòng, viêm gan B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách, không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể

Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở; đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách

Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay, quan hệ tình dục an toàn.

Với câu hỏi sau khi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B có cần xét nghiệm kháng thể để xem hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, bác sĩ Hải cho rằng, điều này không cần thiết.

Sở dĩ như vậy là do, theo chuyên gia, việc xét nghiệm này không có ý nghĩa chứng minh là vắc-xin có hiệu quả hay không bởi vắc-xin một khi đã tiêm là có hiệu quả bảo vệ.

“Suy nghĩ nếu xét nghiệm có kháng thể thì chứng minh vắc-xin có hiệu quả và ngược lại vắc-xin không có hiệu quả là không đúng”, bác sĩ Tuấn Hải nêu.

Gánh nặng bệnh tật do viêm gan C gây ra
Tại Việt Nam hiện có trên 50.000 người nhiễm HIV mắc viêm gan C mạn tính. Tuy nhiên, hiện có rất ít người được tiếp cận với điều trị viêm gan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư