Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Mảng bán lẻ của PNJ khó khăn trong ngắn hạn
Lâm Vũ - 05/07/2021 08:02
 
Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ việc giãn cách xã hội tại TP.HCM có thể còn kéo dài, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong ngắn hạn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lo ngại giãn cách làm ảnh hưởng doanh số

Dù báo cáo kết quả kinh doanh của PNJ cho thấy những con số tích cực, nhưng doanh nghiệp này vẫn lo ngại việc giãn cách xã hội kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận thời gian tới.

Theo PNJ, doanh thu thuần lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 tăng 62,9% so với cùng kỳ 2020, đạt 10.626 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng đến 90,6%, đạt 685 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5/2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 56,5% và 58,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.593 tỷ đồng và 85 tỷ đồng.

Đóng góp vào kết quả này là sự tăng trưởng đồng thời tại cả 3 kênh bán hàng trong tháng 5/2021, trong đó kênh bán lẻ tăng trưởng 51% về doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái, kênh bán sỉ tăng 41% và đột biến là mảng kinh doanh vàng miếng ghi nhận mức tăng tới 196,9%.

Tuy vậy, sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước được đặt trên cơ sở so sánh trên mức nền thấp vào tháng 5/2020, thời điểm hoạt động kinh doanh của PNJ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đợt giãn cách toàn quốc để phòng chống Covid-19 vào tháng 4/2020. Đợt giãn cách khi đó đã khiến PNJ thậm chí báo lỗ trong tháng 4/2020. Trong khi đó, nếu so sánh kết quả kinh doanh theo các tháng từ đầu năm 2021 đến nay, kết quả kinh doanh của PNJ đang có xu hướng đi xuống qua các tháng gần đây.

Cụ thể, nếu như trong tháng 2/2021 doanh thu và lợi nhuận của PNJ lần lượt là 2.840 tỷ đồng và 212 tỷ đồng, thì sang tháng 3, con số này đã giảm xuống 2.172 tỷ đồng và 133 tỷ đồng, đến tháng tư còn 1.851 tỷ đồng và 85 tỷ đồng, trước khi giảm xuống 1.593 tỷ đồng và 85 tỷ đồng trong tháng 5/2021.

Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect cập nhật trong tháng 6/2021, 72/340 cửa hàng PNJ đã đóng cửa trên toàn quốc, trong đó có 69 cửa hàng tại TP.HCM, chiếm 20,3% tổng số cửa hàng PNJ, qua đó, ước tính doanh thu tháng 6/2021 của PNJ có thể giảm khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ do tác động của đợt giãn cách xã hội này.

Cho đến cuối tháng 6/2021 tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp, khiến thời điểm mở cửa vận hành bình thường trở lại bị đặt dấu hỏi lớn, tương ứng nguy cơ ảnh hưởng doanh thu, lợi nhuận do các cửa hàng phải đóng cửa sẽ còn kéo dài sang tháng 7. Tình hình còn có thể xấu hơn nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra các tỉnh vùng ven TP.HCM, ảnh hưởng tới các cửa hàng của PNJ tại những khu vực này.

Triển vọng dài hạn vẫn khả quan

Trong bối cảnh trên, hoạt động kinh doanh của PNJ đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Song, đa phần các khó khăn này được đánh giá chỉ tác động ngắn hạn đến doanh nghiệp, còn triển vọng kinh doanh dài hạn của PNJ vẫn khả quan.

CTCP Chứng khoán MBS đánh giá, tại Việt Nam, vàng trang sức không chỉ được coi là khoản đầu tư có giá trị làm đẹp, mà còn có giá trị tích lũy. Do hạn chế về du lịch, khách hàng không thể mua trang sức tại nước ngoài như trước, nên việc ưu tiên các sản phẩm nội địa sẽ giúp PNJ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Việc các cửa hàng nhỏ lẻ phải đóng cửa, dịch chuyển sang mua hàng online từ những doanh nghiệp uy tín như PNJ cũng giúp Công ty gia tăng thị phần.

Việc dịch chuyển này được kỳ vọng sẽ giúp PNJ giảm đáng kể ảnh hưởng tiêu cực từ sức cầu giảm. Cũng cần lưu ý rằng, các sản phẩm trang sức của PNJ hiện được xếp ở nhóm cao cấp, có thương hiệu, được đánh giá chịu ảnh hưởng về sức cầu ít nặng nề hơn nhóm các sản phẩm bình dân.

Khó khăn tiếp theo là với mô hình kinh doanh chuỗi bán lẻ qua cửa hàng, bên cạnh khó khăn trong ngắn hạn là các cửa hàng đóng cửa, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí cố định như thuê mặt bằng, nhân công cửa hàng… sẽ tác động mạnh đến biên lợi nhuận gộp.

Một số ý kiến cũng lo ngại sự phát triển của thương mại điện tử sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chuỗi cửa hàng truyền thống, nhất là khi dịch bệnh đang tác động mạnh đến hành vi tiêu dùng chuyển từ kênh trực tiếp sang online. Tuy nhiên, áp lực này được đánh giá sẽ không lớn khi trang sức vàng, bạc, đá quý là nhóm sản phẩm có giá trị cao, người tiêu dùng vẫn có xu hướng mua trực tiếp tại các cửa hàng uy tín hơn là mua online. Bên cạnh đó, trên thực tế, PNJ cũng đang từng bước phát triển kênh online song song với kênh cửa hàng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh so với những doanh nghiệp chỉ sở hữu kênh cửa hàng hoặc online.

Một yếu tố nữa là nếu giá vàng tăng mạnh, dẫn đến giá vốn hàng bán cao hơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ trang sức, vốn đang đóng góp doanh thu và lợi nhuận gộp cao nhất cho PNJ.

Bên cạnh triển vọng dài hạn được đánh giá khả quan nhờ kế hoạch tiêm vắc-xin được kỳ vọng sẽ sớm giúp dịch bệnh được kiểm soát, thì những nỗ lực nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, thích nghi với điều kiện kinh doanh thời gian qua, song song với tung ra các dòng sản phẩm mới, hợp tác kinh doanh… được đánh giá sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho PNJ trong dài hạn, khi sức mua của thị trường từng bước phục hồi.

PNJ dự kiến chia cổ tức 20%, chào bán riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu năm 2021
Theo tài liệu trình ĐHCĐ vừa công bố, năm 2021, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ), đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 15%, chia cổ tức 20% và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư