Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Mạnh tay bơm vốn tới khách hàng cá nhân
Thùy Vinh - 31/05/2013 06:33
 
Khó đẩy mạnh tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp khi hàng tồn kho cao, sức tiêu thụ kém, nhiều ngân hàng đang mạnh tay bơm vốn cho khách hàng cá nhân.
TIN LIÊN QUAN

Cho vay nhỏ, lẻ chiếm tỷ trọng trên 50% tổng dự nợ
của Sacombank 4 tháng đầu năm

Tín dụng tăng từ cho vay nhỏ, lẻ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Nguyễn Gia Định cho biết, tăng trưởng tín dụng của Sacombank 4 tháng qua đạt khoảng 6% so với mục tiêu được giao cả năm (12%). Trong đó, cho vay nhỏ, lẻ chiếm tỷ trọng khá trong tổng dư nợ (trên 50%).

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm tại Sacombank có dấu hiệu tích cực, nhất là đối với việc đẩy mạnh cho vay phân tán, nhỏ lẻ, trong khi dư địa cho vay từ nay đến cuối năm của Ngân hàng không còn nhiều, nên Sacombank sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay theo hướng đề xuất xin được tăng “room” tín dụng.

Ngoài việc đẩy mạnh cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở, sửa chữa nhà, Sacombank còn mạnh tay bơm vốn cho các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể có vốn kinh doanh, sản xuất…

Tăng trưởng tín dụng của HDBank 4 tháng đầu năm nay mới đạt mức khoảng 4%, song theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, dư nợ đối với khối khách hàng doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong khi đó, dư nợ khối khách hàng cá nhân đã từng bước được cải thiện.

Hiện HDBank tiếp tục đưa ra các gói vốn ưu đãi lãi suất. Với khách hàng cá nhân (bao gồm hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân), HDBank có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho cá nhân vay tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh từ nay đến hết ngày 20/9/2013. Lãi suất của gói tín dụng này là 0% áp dụng trong tháng đầu tiên và 11,86%/năm cố định trong 11 tháng tiếp theo.

Tín dụng cá nhân đã và đang được các ngân hàng kích thích bằng các chương trình ưu đãi lãi suất, nâng hạn mức vốn, cũng như kéo dài thời gian trả nợ. Đáng chú ý, dư nợ cho vay bất động sản đang có dấu hiệu cải thiện, khi khách hàng cá nhân có nhu cầu thực về nhà ở đang tính toán để mua căn hộ vào thời điểm hiện tại.

Phân tán được rủi ro

Theo lý giải của ông Nguyễn Gia Định, chi phí trong hoạt động cho vay nhỏ lẻ, phục vụ người dân, tiêu dùng là rất lớn, nhưng bù lại khi cho vay phân tán, nhỏ lẻ chênh lệch lãi suất giữa đầu vào đầu ra tương đối tốt. Ngân hàng có thể dùng khoản lợi nhuận này để bù đắp cho các chi phí khác, đồng thời khi cho vay phân tán, tính an toàn thường cao hơn đối với khoản vay lớn, rủi ro tiềm ẩn nhiều hơn.

Cụ thể, với mức chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra khoảng 4%/năm đối với cho vay nhỏ lẻ hiện nay, nếu cho vay 1.000 tỷ đồng, thì mỗi năm, tổ chức tín dụng sẽ nhận được khoảng 40 tỷ đồng lợi nhuận. Nhưng nếu một món vay lớn khoảng 400 tỷ đồng cho một doanh nghiệp trở thành nợ xấu và có khả năng mất vốn, thì ngân hàng phải cho vay ra 4.000 tỷ đồng mới có thể thu được lợi nhuận để bù cho 400 tỷ đồng đã mất.

Tại Sacombank, theo đánh giá của đông Định, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát (khoảng 2%). Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của Ngân hàng năm nay đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ là 3%.

“Với mạng lưới rộng, sẽ tạo điều kiện cho Sacombank thực hiện tốt chiến lược bán lẻ. Đây là phân khúc tạo được dư nợ lớn, giảm được những khoản nợ lớn tiềm ẩn rủi ro”, ông Định nói.

Chính vì phân tán được rủi ro trong cho vay nhỏ, lẻ nên chiến lược của nhiều ngân hàng trong năm nay và những năm tiếp theo là đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng cá nhân song song với cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp.

Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết, chiến lược của NamA Bank thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ và củng cố để đảm bảo tính an toàn. “Đối với mục tiêu bán lẻ, NamA Bank tiếp tục củng cố bộ máy, sản phẩm và tập trung vào hệ thống phân phối. Đối tượng khách hàng mà NamA Bank nhắm đến tiểu thương, chợ, cá nhân có nhu cầu mua, sửa chữa nhà…, sản phẩm thực sự thiết thực đáp ứng được nhu cầu thực của người dân”, ông Vũ nói và cho biết, NamA Bank không cạnh tranh về giá mà quan trọng là sản phẩm phải được thiết kế nhỏ gọn, thủ tục nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư