Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
Mất cả chỉ lẫn chài vì dùng chiêu trò để thâu tóm doanh nghiệp
 
Nội bộ Công ty Du lịch Khoang Xanh Suối Tiên lục đục kể từ sau khi xuất hiện cổ đông mới nhận chuyển nhượng 25% vốn góp. Nội tình chỉ dần sáng tỏ khi vụ việc được đưa ra tòa.

Ngầm thâu tóm…

Công ty Du lịch Khoang Xanh Suối Tiên có trụ sở tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, ban đầu gồm 2 cổ đông là ông Nguyễn Viết Thuận và ông Phạm Quang Lợi. Theo giấy đăng ký kinh doanh năm 1995, ông Thuận nắm 49% vốn góp, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, còn ông Lợi nắm 51% vốn góp, giữ chức Giám đốc.

Năm 2001, Công ty xuất hiện cổ đông mới là ông Lê Minh Tu. Cổ đông này nhận chuyển nhượng 25% cổ phần từ 2 cổ đông cũ (mỗi người là 12,5%), tương đương giá trị 1,25 tỷ đồng. Sau chuyển nhượng, ông Lợi nắm giữ 38,5% vốn, ông Thuận là 36,5% và ông Tu là 25%.

Theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Viết Thuận, trước khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, giữa ông và ông Tu đã ngầm thỏa thuận, trong số 12,5% cổ phần chuyển nhượng, phần thực bán chỉ là 7,5%, phần còn lại 5% chỉ là hình thức để “che mắt” ông Lợi và ông Thuận gửi ông Tu “giữ hộ”.

Tuy nhiên, ngay sau khi được ghi nhận sở hữu 25% vốn góp, ngày 19/10/2002, ông Tu đã chào bán số cổ phần này với giá 6 tỷ đồng cho các cổ đông trong Công ty. Hơn 2 tháng sau, ông Lợi mua lại 20% phần vốn góp với giá 6 tỷ đồng. 8 tháng sau, ông Tu chuyển nhượng cho ông Lợi nốt 5% cổ phần còn lại với giá 1,5 tỷ đồng. Tổng giá trị chuyển nhượng số cổ phần trên là 7,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Thuận cho rằng, việc chuyển nhượng trên không có thật. Căn cứ là bản cam kết thủ tục chuyển nhượng cổ phần lập ngày 16/5/2006 giữa ông Thuận và ông Tu, trong đó ông Tu có nêu rõ, các giấy tờ ký kết chỉ là ảo nhằm đối phó với ông Lợi. Thực chất, 5% cổ phần ông Tu chuyển cho ông Lợi vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Thuận.

Năm 2014, ông Thuận khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP.Hà Nội yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng 5% cổ phần giữa ông Lợi và ông Tu vô hiệu. Đồng thời, ông Lợi phải trả lại ông 5% cổ phần đã nhận từ ông Tu. Mặc dù được tòa án triệu tập hợp lệ, nhưng ông Tu vắng mặt trong tất cả buổi làm việc.

Luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn cho rằng, không có việc chuyển nhượng vốn góp giữa ông Thuận và ông Lợi cho ông Tu, vì ông Tu không có vốn. Thực chất, đây là kế hoạch thôn tính vốn góp của ông Lợi tại công ty. Do đó, chỉ sau khi nhận chuyển nhượng vốn góp có 6 tháng, ông Tu đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho ông Lợi. Ông Thuận cũng chỉ chuyển nhượng cho ông Tu 7,5% cổ phần, phần còn lại nhờ ông Tu giữ hộ. Việc chuyển nhượng là để che đậy giao dịch “giữ hộ”, nên giao dịch chuyển nhượng 5% bị vô hiệu do giả tạo.

Công ty Du lịch Khoang Xanh Suối Tiên là đơn vị vận hành Khoang Xanh - Suối Tiên resort
Công ty Du lịch Khoang Xanh Suối Tiên là đơn vị vận hành Khoang Xanh - Suối Tiên resort

… nhưng “gậy ông đập lưng ông”

Tra soát hồ sơ vụ việc có văn bản thể hiện ngày 27/12/2001, bản thân ông Thuận ký nhận đủ số tiền chuyển nhượng 12,5% vốn góp, tương đương 625 triệu đồng từ ông Tu. Tòa án cũng nhận thấy, không có tài liệu thể hiện việc nguyên đơn nhờ ông Tu giữ hộ 5% vốn góp từ năm 2001 đến nay.

Bản cam kết ngày 16/5/2006 cũng được cho là không có căn cứ. Bởi lẽ, bản cam kết được lập sau thời điểm ông Tu chào bán 25% cổ phần vào tháng 10/2002. Thực chất, ông Tu có 2 lần chào bán vốn góp công khai và cả 2 lần ông Thuận đều có văn bản không mua do giá cao hơn thị trường. Sau đó, ông Lợi đã mua lại 25% cổ phần của ông Tu vào ngày 21 và 31/10/2002.

Hội đồng xét xử nhận định, nếu có việc gửi giữ cổ phần thì ông Thuận buộc phải có ý kiến về việc chào bán cổ phần này để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, ông Thuận thừa nhận không có bất cứ ý kiến phản đối nào đối với bên bán.

Cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Khoang Xanh Suối Tiên ngày 18/7/2013 cũng thể hiện việc thông qua hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa ông Tu và ông Lợi. Các thành viên đã nhất trí 100% việc chuyển nhượng trên, ghi nhận ông Lợi có tỷ lệ vốn góp là 63,5% và ông Tu không còn là cổ đông Công ty. Sau đó, công ty này thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 5.

Tổng hợp những tình tiết, trong phiên xử mới đây, tòa án đã bác đơn khởi kiện của ông Thuận.

Đáng chú ý, trước tòa, cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận, nội bộ Công ty Du lịch Khoang Xanh Suối Tiên có mâu thuẫn từ sau khi ông Tu chuyển nhượng phần vốn góp. Các cổ đông cho biết, ông Tu từng gửi đơn tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tranh chấp vốn và phân phối lợi nhuận vào năm 2007, nhưng sau đó buộc phải rút đơn.

CJ Group thâu tóm các công ty mục tiêu, nhắm doanh thu 90 tỷ USD
Để đạt doanh thu 90 tỷ USD vào năm 2020 như mục tiêu đã đặt ra, CJ Group (Hàn Quốc) phải thống trị trong cả 4 lĩnh vực kinh doanh chính, theo đó, liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư